Aa

Vì sao Vinaincon “đến hẹn” lại lỗ?

Thứ Bảy, 20/07/2019 - 15:00

Với một doanh nghiệp đứng ở top nghìn tỷ như Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam mà lợi nhuận sau thuế hàng năm lại có thể âm... vài trăm tỷ, chỉ vì những "ông con" như Xi măng Quang Sơn?

hhjh

Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn chính thức ra đời do Vinaincon làm chủ sở hữu, có nhiệm vụ khai thác hiệu quả Dự án nhà máy Xi măng Thái Nguyên với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.

Đằng sau màn kịch “cha bòn con bỏ”!

Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được thành lập năm 1998 theo Quyết định số 63 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương.

Năm 2011, Vinaincon chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần. Doanh nghiệp này là tổng thầu EPC, nhà thầu nhiều công trình công nghiệp có quy mô vừa và lớn, công trình trọng điểm quốc gia của ngành công thương.

Vinaincon nằm trong top doanh nghiệp nghìn tỷ với doanh thu lớn song cứ đến khi báo cáo kết quả kinh doanh mỗi năm lại thể hiện gia cảnh “cha bòn con bỏ”. Năm 2018, nếu tính riêng công ty mẹ thì vẫn có hiệu quả với lợi nhuận khiêm tốn gần 43 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tổng kết lợi nhuận sau thuế báo cáo tài chính Vinaincon cho thấy đơn vị này phải gánh khoản lỗ lên đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm do các công ty con thua lỗ, trong đó lỗ nặng nhất là Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn.

Trong tài liệu vừa được gửi tới cổ đông, cho thấy, năm 2018, tổng doanh thu toàn tổng công ty đạt 3.521 tỷ đồng, đạt 77,5% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế lỗ 284,7 tỷ đồng. Trước đó, Tổng công ty dự kiến lỗ 96 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty, năm 2018 lợi nhuận sau thuế âm 284 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn (lỗ 361 tỷ đồng).

Tại công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế là hơn 16,7 tỷ đồng; đạt 98% kế hoạch năm, đã bao gồm trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn là 50 tỷ đồng.

Năm 2019, Tổng công ty dự kiến đạt tổng doanh thu là 4.150 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến lỗ 94,6 tỷ đồng. Trong đó lỗ tại Công ty TNHHH MTV Xi măng Quang Sơn là hơn 159 tỷ đồng.

Riêng tại công ty mẹ, tổng doanh thu dự kiến là 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế là 17 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, Vinaincon có lỗ lũy kế hơn 1.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 400 tỷ đồng.

Giải trình kết quả này, ban lãnh đạo công ty cho biết, do năm 2018, thị trường đầu tư xây dựng cơ bản trong các ngành công nghiệp nặng truyền thống theo chuyên ngành của Tổng công ty như điện, khai khoáng, thép, hoá chất… không có nhiều dự án khởi công và triển khai.

Trong lĩnh vực xây lắp đường dây và trạm điện chỉ được tháo gỡ một phần khó khăn và triển khai vào thời điểm cuối năm. Các gói thầu sử dụng vốn có nguồn gốc từ Nhà nước tiếp tục thu hẹp dẫn đến cạnh tranh lĩnh vực này ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, các hợp đồng ký mới trong năm của Tổng công ty và các đơn vị phần lớn đều có giá trị nhỏ. Tổng giá trị hợp đồng xây lắp mới trong năm 2018 chỉ trên 1.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2018, ngoại trừ hai đơn vị sản xuất trụ cột bê tông ly tâm và sản xuất kết cấu thép là hoàn thành kế hoạch còn lại hầu hết tất cả các đơn vị xây lắp và sản xuất khác của Tổng công ty đều không đạt kế hoạch đề ra.

Bộ Công Thương muốn "đá" Quang Sơn sang Bộ Xây dựng?

Nhà máy Xi măng Quang Sơn tiền thân là Xi măng Thái Nguyên, do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và giao Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (nay là Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương) làm chủ đầu tư.

Xi măng Quang Sơn có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm. Dự án được khởi công từ đầu năm 2003 nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành, đưa vào chạy thử.

Đến tháng 7/2011, Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn chính thức ra đời do Vinaincon làm chủ sở hữu, có nhiệm vụ khai thác hiệu quả Dự án nhà máy Xi măng Thái Nguyên với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.

Tuy nhiên, do đi vào hoạt động đúng thời điểm có nhiều nhà máy xi măng cùng “chào đời” lại trùng với thời điểm nguồn cung đã tiệm cận với nhu cầu sử dụng, vì vậy Nhà máy Xi măng Quang Sơn liên tiếp gặp khó về tài chính.

Chỉ sau 1 năm hoạt động, Nhà máy đã bị thua lỗ hơn 70 tỷ đồng, đã từng rơi vào cảnh không có nguồn trả nợ đầu tư, thiếu vốn sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Những năm sau đó, dù tình hình sản xuất tiêu thụ có cải thiện nhưng Xi măng Quang Sơn vẫn liên tiếp đối diện với khó khăn, thua lỗ. Đặc biệt, 2 năm gần đây, tình hình kinh doanh của Xi măng Quang Sơn ngày càng bết bát.

Số liệu báo cáo từ Vinaincon cho thấy, năm 2018, tổng doanh thu và thu nhập khác của Xi măng Quang Sơn là 533,4 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do sự cố hỏng máy nên phải tạm dừng sản xuất trong thời gian dài.

Kết quả, công ty ghi nhận lỗ 361,4 tỷ đồng mặc dù kế hoạch lỗ đặt ra chỉ 180 tỷ đồng. Lỗ phát sinh của Xi măng Quang Sơn bao gồm khoản lỗ do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối năm là 141,3 tỷ đồng và lỗ do lãi vay đầu tư là 148,3 tỷ đồng. Dẫn đến lỗ luỹ kế của Xi măng Quang Sơn đến thời điểm 31/12/2018 là 1.507 tỷ đồng.

Sang năm 2019, Xi măng Quang Sơn đặt mục tiêu doanh thu 1.169 tỷ đồng nhưng lỗ 159,3 tỷ đồng. Khoản lỗ này chưa bao gồm đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cuối năm.

Theo lãnh đạo Vinaincon cho biết, trong năm qua, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực triển khai việc hỗ trợ toàn diện cho Xi măng Quang Sơn về cơ cấu lại hệ thống sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, tài chính để trả nợ vay.

Bên cạnh đó, Vinaincon vẫn đang xúc tiến việc tìm kiếm đối tác, làm việc với các Bộ, ngành liên quan để thống nhất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tái cơ cấu Công ty Xi măng Quang Sơn theo công văn 475 ngày 2/11/2018 của Đại diện vốn Nhà nước tại Vinaincon.

Trước đó, giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Vinaincon sang Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng tình từ Bộ Xây dựng.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, Xi măng Quang Sơn do Vinaincon sở hữu 100% vốn điều lệ. Vinaincon là công ty cổ phần, do đó, phần vốn mà Vinaincon đã đầu tư vào Công ty Xi măng Quang Sơn là phần vốn của công ty cổ phần, không phải hoàn toàn là vốn của Nhà nước. Vì vậy, việc Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao toàn bộ phần vốn của Vinaincon đã đầu tư tại Công ty Xi măng Quang Sơn sang Vicem dưới hình thức ghi tăng vốn Nhà nước cho Vicem và giảm vốn Nhà nước cho Vinaincon là không phù hợp.

Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 5219/VPCP-ĐMDN ngày 04/6/2018 của Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về việc Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn và thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon).

Sau khi nghiên cứu chung và xem xét ý kiến của Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1619/BXD-QLDN đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất về trường hợp tái cơ cấu của xi măng Quang Sơn.

Bộ Xây dựng cho hay, căn cứ báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4121/BCT-CN ngày 24/5/2018; căn cứ số liệu khảo sát, báo cáo sơ bộ ban đầu của Vicem tại Văn bản số 1141/VICEM-HĐTV ngày 29/6/2018 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Vicem cho thấy, Công ty Xi măng Quang Sơn sản xuất không ổn định, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, thị trường tiêu thụ nhỏ, thu hẹp; Công ty mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Tại thời điểm 31/12/2017, Xi măng Quang Sơn lỗ luỹ kế khoảng 1.392 tỷ đồng, tổng nợ khoảng 3.637,81 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ, nguy cơ phá sản.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top