Tham dự lễ ký kết có gần 200 đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các cơ quan truyền thông. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức.
Đáng chú ý tại buổi lễ, VIAC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 Hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bao gồm:
1. Hiệp hội Dệt may Việt Nam;
2. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam;
3. Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia;
4. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;
5. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam;
6. Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam;
7. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh;
8. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc;
9. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa;
10. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang;
11. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai;
12. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương;
13. Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam;
14. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ;
15. Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội;
16. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam;
17. Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội;
18. Hiệp hội Logistics Việt Nam;
19. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.
Trong suốt 30 năm hoạt động của mình, VIAC đã ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác đến từ các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nâng cao năng lực pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.
Trong định hướng phát triển của VIAC thời gian tới, các hiệp hội doanh nghiệp là đối tác quan trọng mà VIAC mong muốn được hợp tác cùng, với những hoạt động phối hợp thực chất hơn, hệ thống hơn và huy động được nhiều nguồn lực đến từ VIAC, từ các hiệp hội và từ cả các tổ chức quốc tế, trong đó có thể kể đến các hoạt động như: Hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, khả năng của mỗi bên; Phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực và hoạt động của doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội; Phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; Xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và những nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của các doanh nghiệp; Phối hợp biên soạn và giới thiệu các ấn phẩm, chuyên đề, bài viết, thông tin phù hợp với hoạt động của hai bên; Phối hợp, chia sẻ thông tin trong các hoạt động hợp tác quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, VIAC đã tổ chức toạ đàm: “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động - Doanh nghiệp cần làm gì?” với phần phát biểu báo cáo đề dẫn của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng nội dung: “Những xu hướng hợp tác đầu tư quốc tế - những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” và phần thảo luận mở được điều phối bởi TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC./.
Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (gọi tắt là VAW 2023) được khởi xướng tổ chức bởi VIAC lần đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài và hòa giải tại Việt Nam và quốc tế.
Năm nay, VAW với sự phối hợp hơn 60 đối tác cùng sự tham gia của gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế hy vọng sẽ thu hút được hàng nghìn lượt tham dự.