VICEM: “Người anh cả“ ngành vật liệu xây dựng và hành trình mất vốn đầy đớn đau

VICEM: “Người anh cả“ ngành vật liệu xây dựng và hành trình mất vốn đầy đớn đau

Thứ Hai, 29/06/2020 - 14:42

Cũng gần 10 năm đó, “đại án” Vinashin vẫn chưa thôi nhức nhối, khi danh sách những cán bộ, lãnh đạo sai phạm, vướng vào vòng lao lý không phải là một con số nhỏ. Những thập kỷ kéo dài vì lỗ, sai phạm chồng sai phạm của Vinashin đã khiến “đại án” này trở thành bài học trong quản lý vốn của doanh nghiệp Nhà nước. Nối tiếp Vinashin, “đại án” Vinalines đã "khoét sâu" thêm bức tranh tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bản đại án vẫn chưa khép lại sự đen tối của lịch sử Vinashin và Vinalines khi một chặng đường tái cơ cấu và khắc phục hậu quả của việc thất thoát vốn Nhà nước vẫn còn để lại nhiều di chứng nặng nề.

Và giờ đây, từ những con số thua lỗ mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra, dư luận lại tiếp tục đặt ra thêm nhiều lo ngại cho câu chuyện của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).

Được mệnh danh là "anh cả” của lĩnh vực xi măng Việt Nam, nhưng gần 10 năm trôi qua, hành trình báo lỗ của Vicem càng được viết dày lên trên các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo cáo kiểm toán từ năm 2012 đã cho thấy lỗ chồng lỗ của Vicem. Dù là một trong những Tổng Công ty Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu, nhưng số nợ phải trả dự kiến trong năm 2012 của Vicem là trên khoảng 4.700 tỷ đồng.

Đến năm 2017, gánh nặng tài chính của Vicem càng nặng nề. Theo kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 của Vicem do Bộ Tài chính đưa ra, nhiều công ty con của Vicem lỗ đến nỗi… phải rơi vào tình trạng cảnh báo nghiêm trọng.

Cụ thể, một số công ty con của Vicem lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như Công ty TNHH MTV Vicem Xi măng Tam Điệp, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông Đà 12,….

"Như vậy, công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ", Bộ Tài chính cảnh báo.

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã đề nghị Vicem phải có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Tổng công ty. Nhưng, cảnh báo đó vẫn không thể kéo Vicem trên còn tàu đang chìm dần vì thua lỗ.

Đến năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp tục chỉ ra, trong năm 2018, Công ty mẹ - Vicem quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Theo đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn bình quân các tháng trong năm là trên 331,72 tỷ đồng; để vật tư hàng hóa chậm luân chuyển là 661 tỷ đồng.

Một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp 17,71 lần, Công ty Xi măng Sông Thao 4,23 lần. Nhiều công ty con của Tổng công ty sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn. Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long còn để xảy ra tình trạng âm vốn chủ sở hữu là 1.638 tỷ đồng. Một số khoản đầu tư của Tổng Công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn…

Nếu như những năm của thập kỷ 90, Vicem được nhắc đến như một “quả đấm thép” của nền kinh tế với bức tranh kinh tế hoàng kim thì thế sự thay đổi, từ năm 2011, cái tên Vicem trở thành nỗi ám ảnh đầy lo ngại về một con tàu đang chìm khi nguồn tài chính kiệt quệ. Lỗ năm này qua năm khác và đến hiện tại, Vicem thực sự là một điểm đen trong khối doanh nghiệp Nhà nước.

Chủ trương cổ phần hoá đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhất là đối với doanh nghiệp giữ cương vị đầu tàu của nền kinh tế. Mất vốn, lỗ nặng đã khiến Vicem chưa kịp xử lý và xoay sở, đã phải đứng trước bản đề án cổ phần hoá.

Song, Vicem lại khiến dư luận phải đặt ra quá nhiều ngờ vực khi là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành xi măng Việt Nam, sở hữu 24 công ty con và 6 công ty liên kết (theo số liệu của cafef.vn) nhưng giá trị của doanh nghiệp này lại được định giá hụt gần 1.200 tỷ đồng so với mức định giá của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo 2019 cho rằng, Vicem và đơn vị tư vấn đã không tính giá trị quyền khai thác khoáng sản của một số công ty con trực thuộc. Giá trị các khoản góp vốn đầu tư dài hạn của Vicem vào các công ty xi măng được xác định thấp hơn nhiều giá trị thị trường. Đặc biệt, giá trị đất đai cũng chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, thực tế, Vicem lại sở hữu rất nhiều những lô đất vàng.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước xác định, tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, đạt khoảng 28.227 tỷ đồng và giá trị vốn Nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng (thời điểm tháng 10/2018).

Trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, tổng giá trị vốn Nhà nước là 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.

Mặt khác, dù nằm trong danh sách doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hoá trước năm 2021, nhưng đến nay, dù bước đến nửa cuối năm 2020, Vicem vẫn đang loay hoay trong quá trình thoái vốn.

Sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa, Vicem đang tiếp tục dính lùm xùm bởi những khoản vốn liên quan đến quỹ đất vàng.

Đáng ngạc nhiên, dù luôn trong tình trạng cảnh báo lỗ nhưng Vicem vẫn mạnh tay đầu tư, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Còn nhớ năm 2015, Vicem dự kiến chủ trương đầu tư vào khu đô thị 29.000 tỷ đồng tại Hải Phòng. Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thời điểm đó) đã chỉ đạo về việc đổi chủ đầu tư đối với dự án này. Mục tiêu của Vicem được đặt ra lúc đó phải là tái cơ cấu, không tiếp tục đầu tư ngoài ngành, tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực của mình.

Nhưng, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thời điểm đó) vẫn không ngăn cản được tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của Vicem. Dù lỗ liên tục, dù tái cơ cấu chưa “đến nơi, đến chốn”, Vicem vẫn tiếp tục bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho lô đất vàng tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trước đó, năm 2012, khu đất này được phê duyệt để trở thành dự án Khu Nghiên cứu và phát triển. Theo báo chí đăng tải, số tiền mà Vicem đã thanh toán đến nay vào khoảng 63 tỷ đồng, trong đó chi phí lập phương án kiến trúc; lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật với nhà thầu POSCO A&C khoảng 56,8 tỷ đồng. Số tiền này được Chánh văn phòng Vicem thừa nhận: Số tiền trên chỉ là phần giải ngân theo tiến độ của hợp đồng, còn tổng giá trị hợp đồng còn lớn hơn thế. Tuy nhiên, dự án này đã được yêu cầu chuyển đổi nhà đầu tư.

Đại diện Vicem thừa nhận, năm 2017, Chính phủ đã có chỉ đạo doanh nghiệp này phải xử lý 3 lô “đất vàng”. Thế nhưng đến hiện tại, tất cả vẫn chỉ dừng ở giai đoạn... loay hoay, “đợi chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.

Đặc biệt, theo báo cáo của kiểm toán 2019 cho thấy, Vicem đang muốn bán nhiều lô ‘đất vàng’ trước cổ phần hoá. Theo đó, Vicem đã đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại bao gồm: lô đất 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội); Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (ngõ 122 Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội); Lô đất 166.527m2 (Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán 2019 cũng cho thấy, các công ty con của Vicem bao gồm Vicem Hà Tiên 1 và Công ty Cổ phần Vận tải Hà Tiên còn chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Kết luận số 402 ngày 14/10/2016 của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, qua thanh tra 20 công ty trực thuộc Vicem đã phát hiện nhiều sai phạm. Các đơn vị này phải khắc phục hơn 326 tỷ đồng, nộp các khoản thuế nợ vào Ngân sách Nhà nước. 20 công ty được thanh tra đã khắc phục, thu hồi, giảm các khoản công nợ phải thu lên tới 3.121 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm ngày 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng.

Bất chấp lỗ, bất chấp sai phạm thanh tra chỉ ra chưa xử lý xong, Vicem lại xuất hiện nhiều thông tin về các sai phạm trong đấu thầu và quản lý. Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2016 của Vicem cho biết, trong năm 2016, Vicem triển khai 246 gói thầu với tổng giá gói thầu là hơn 1.298 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 1.214 tỷ đồng.

Song, số liệu tổng hợp từ chính Báo Đấu thầu - là đơn vị được quy định đăng tải thông tin các gói thầu theo luật, cho thấy số lượng gói thầu do một thành viên của Vicem làm bên mời thầu lên đến hơn 170 gói thầu (chiếm hơn 68%) và có chưa đến 170 kết quả lựa chọn nhà thầu được các đơn vị của Vicem công bố. Còn rất nhiều các gói thầu được các đơn vị của Vicem thông báo mời thầu trong năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

Báo cáo kiểm toán năm 2019 còn tiếp tục xếp dày hơn nữa những sai phạm của Vicem và những công ty con. Cụ thể, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, các Ban quản lý dự án không đủ điều kiện theo quy định (Công ty mẹ - Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn); chi phí quản lý dự án thực tế vượt chi phí quản lý dự án được duyệt (Công ty mẹ - Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1); các dự án thực hiện không đạt được kế hoạch đề ra (Công ty mẹ - Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng); các dự án không thực hiện được phải dừng, giãn tiến độ (Công ty mẹ - Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng); các sai sót, tồn tại trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với dự án Đầu tư xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao (Công ty xi măng Bỉm Sơn).

 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ĐBQH Bùi Thị An nhấn mạnh: “Đối với một doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, người cao nhất phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với Nhà nước trong việc quản lý tài sản công. Còn người đứng đầu phân trách nhiệm cho ai, sai phạm ở đâu thì truy xét tới đó”.

Trong trường hợp của Vicem, trước kết luận mà Báo cáo kiểm toán 2019 chỉ ra với nhiều sai phạm cũng như báo chí đăng tải, ĐBQH Bùi Thị An đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại để một doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ nhiều năm như vậy? Tại sao đã phát hiện sớm nhưng vẫn không xử lý được triệt để? Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng lỗ và sai phạm triền miên? Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và những người có liên quan trong việc để tình trạng này kéo dài triền miên, vì hệ luỵ của trường hợp này nếu có là rất nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm đó, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng: “Hiện nay, hoạt động chống tham nhũng của Nhà nước đang đi vào quyết liệt, không có vùng cấm. Bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào mà có thể giữ cương vị cao, nếu vi phạm đều phải xử lý đến nơi đến chốn. Vicem cũng sẽ không phải trường hợp ngoại lệ, nếu sai phạm. Báo cáo kiểm toán đã chỉ rõ sai phạm thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố. Không thể để một doanh nghiệp thua lỗ nhiều, sai phạm nhiều kéo dài trong nhiều năm. Hệ luỵ của nó là rất lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến sự minh bạch của thị trường và sự tôn nghiêm của pháp luật. Cứ lỗ, thất thoát vốn thì nhân dân và Nhà nước lại phải gánh”.

ĐBQH Hoà cũng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm, vì ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của quá trình kiến tạo và phát triển đất nước. Cần xem xét, xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu và những người có liên quan. Phải truy cứu trách nhiệm hình sự cho đối tượng làm lũng đoạn ngân sách Nhà nước, lũng đoạn công ty, mang lợi ích nhóm lợi ích cá nhân. Các cơ quan chức năng phải thanh tra kỹ bởi có doanh nghiệp báo lãi nhưng lại là lỗ thật, dẫn tới khi hết vốn, nợ đọng vốn, kiểm tra không còn, mất khả năng thanh khoản ngân hàng và gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. 

“Điều gì đang xảy ra với Vicem?” là câu hỏi mà dư luận phải đặt ra.

Tại sao một doanh nghiệp Nhà nước có thể để tình trạng lỗ kéo dài triền miên trong nhiều năm như vậy? Tình trạng “chảy vốn” Nhà nước đã xảy ra nghiêm trọng tại Vicem, bởi rõ ràng, Kiểm toán Nhà nước hay các Bộ Tài chính còn phải đưa ra cảnh báo doanh nghiệp này liên tục, khi không sử dụng vốn hiệu quả, đầu tư dàn trải, gánh nợ gia tăng.

Tại sao quá trình cổ phần hoá của Vicem đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”, từ định giá “hụt” tới hàng nghìn tỷ đồng đến bài toán loay hoay mãi chưa cổ phần hoá xong? Và theo PGS.TS. Ngô Trí Long, việc cổ phần hoá chậm cũng là quá trình làm thất thoát vốn của Nhà nước.

Tại sao Vicem đã có bảng dày các sai phạm, từ năm này qua năm khác nhưng doanh nghiệp này vẫn “án binh bất động”, tiếp tục lộ trình làm thất thoát vốn Nhà nước?

Đến bây giờ, là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu hàng loạt lô đất vàng, sai phạm trong sử dụng đất, chậm trễ trong việc thực hiện chủ trương bán đất cũng đặt ra dấu nghi hoặc về tình trạng mất vốn tại doanh nghiệp lớn như vậy?

Hình trình mất vốn đầy đớn đau trong nhiều năm của Vicem đã thể hiện năng lực quản lý yếu kém. Nguồn tài nguyên của Nhà nước bị buông lỏng, những cá nhân trong đó đã làm suy kiệt nguồn vốn, tài sản công. Các chuyên gia cho rằng, đó là lợi ích nhóm, là tham ô, tham nhũng. Báo cáo kiểm toán năm 2019 đã yêu cầu một lần nữa phải xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong những sai phạm mà Vicem đang mắc phải.Nhưng việc thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đến nay vẫn chưa được Vicem công bố. Mặc dù mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán tại Vicem. Và đương nhiên, trách nhiệm của người đứng đầu vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Lộ trình thoái vốn đầy đớn đau của Vicem khiến dư luận đang lo ngại về một “Vinashin thứ 2”. Một chương đen tối có thể lặp lại đối với Vicem, một doanh nghiệp Nhà nước đã và đang bị chìm bởi bàn tay vô hình bào mòn tài nguyên đất nước? 

Khủng hoảng Vinashin liệu có lặp lại sau một 1 thập kỷ đầy ám ảnh và đớn đau trong vết xe đang đi vào con đường cũ của Vicem? Và cái kết của những vị thuyền trưởng vướng vào vòng lao lý liệu có một lần nữa sẽ làm xót lòng dư luận khi Việt Nam đang trong cuộc gột rửa, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Câu trả lời còn đang đợi chờ vào sự quyết tâm thanh kiểm tra, xử lý triệt để của cơ quan chức năng.

 

Mai Linh - Ngọc Tiến - Diệu Hiền
Thế Công
29/06/2020 14:45

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top