Aa

“Việc thu hồi dự án của Công ty Đông Đô là cần thiết!”

Thứ Bảy, 13/07/2019 - 20:01

Mặc dù cử tri nhiều lần có ý kiến và chính quyền sở tại cũng từng đề xuất thu hồi dự án trường liên cấp của Công ty Đông Đô. Thế nhưng, dự án “ôm” 23.069m2 đất vàng này vẫn thoát hiểm ngoạn mục...

Chế tài trong tay, tại sao chính quyền không xử lý?

Dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS - THPT Lý Nhân Tông, tại Khu đô thị mới (KĐTM) Kim Văn – Kim Lũ (thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) do Công ty Cổ phần giáo dục Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô) làm chủ đầu tư.

Dự án dự kiến sử dụng 23.069m2 đất, trong đó xây trường tiểu học là 8.618m2 và trường THCS - THPT là 14.451m2. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng, tiến độ thực hiện Quý I năm 2013 – Quý III năm 2017.

Cử tri nhiều lần có ý kiến và chính quyền sở tại cũng từng đề xuất thu hồi dự án trường liên cấp này. Hơn thế nữa, dự án này còn bị “điểm mặt” trong Kết luận thanh tra số 1686/KL-STNMT-TTr ngày 18/8/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội. Cùng với đó, về việc này, UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra.

Vậy nhưng, sau 7 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư – năm 2012, dự án của Công ty Đông Đô vẫn ung dung “nằm trên giấy” và thoát hiểm ngoạn mục... Đó là điều khó hiểu!

Thế nhưng, đối với người dân KĐTM Kim Văn – Kim Lũ thì nó như một cái “ung nhọt” đã làm nhem nhuốc một khu đô thị đáng sống. Nhiều cư dân nhìn cảnh dự án của Công ty Đông Đô 7 năm “án binh bất động”, quây tôn kín họ chỉ biết thở dài nói: “Biết rồi…khổ lắm…nói mãi!”. Dường như ẩn sâu trong đó có cả sự bất lực, buông xuôi trong nỗi thất vọng. 

Đau xót hơn, con số 1.925 học sinh dự kiến được học tại trường liên cấp của Công ty Đông Đô vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. Dự án trăm tỷ ấy vẫn ngày ngày “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Vậy, HĐND và UBND TP. Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay đối với dự án này hay chưa?

M

Dự án trường học liên cấp của Công ty Đông Đô 7 năm vẫn "nằm trên giấy", trong khi văn phòng hoạt động của công ty này vẫn là điều bí ẩn. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Chia sẻ về vấn đề trên, Luật sư Lương Thành Đạt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Việc đề nghị HĐND TP. Hà Nội xem xét, cho ý kiến về dự án này cũng như có ý kiến của cử tri đề nghị thu hồi dự án chậm tiến độ nêu trên của Công ty Đông Đô là điều cần thiết”.

Theo lý giải của Luật sư Đạt, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của người dân HĐND TP cần lắng nghe, cùng với UBND TP đưa ra những kiến nghị, giải pháp chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giám sát, xử lý triệt để các bất cập tồn tại. Từ đó, tạo cơ sở niềm tin cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

Thời gian qua, chính quyền TP. Hà Nội đã nhiều lần rà soát, thống kê các dự án chậm tiến độ và đặt lên “bàn cân”. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, các cấp chính quyền cần phải mạnh tay hơn nữa, để nâng cao tính hiệu quả của việc giám sát, xử lý vi phạm và vấn đề mấu chốt ở đây là buộc các chủ đầu tư triển khai thi công xây dựng dự án đó.

Theo quan điểm của Luật sư Đạt, hiện nay việc xuất hiện ngày càng nhiều các dự án như của Công ty Đông Đô, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính đồng bộ trong quy hoạch chung của các dự án đô thị mới, gây tâm lý bức xúc cho người dân.

“Đối với trường hợp chậm triển khai thực hiện dự án như trên của chủ đầu tư - Công ty Đông Đô, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể xem xét đến việc tạm ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, các quy định pháp luật khác có liên quan và thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án này. Tôi đánh giá đây là điều cần thiết!”, Luật sư Đạt nhấn mạnh.

Luật sư Đạt phân tích, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định rất rõ đối với các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng; hoặc có triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa bao gồm cả trường hợp đã gia hạn theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai 2013 thì cần phải xem xét thu hồi.

Tương tự, tại điều 48 Luật Đầu tư 2014 quy định, các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chỉ rõ, một trong những trường hợp dự án đầu tư của nhà đầu tư bị chấm dứt hoạt động đó là khi nhà đầu tư bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất, hoặc trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng tiếp tục vi phạm và không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động.

Phải thận trọng khi “trọn mặt, gửi vàng”!

Còn nhớ, vào ngày 13/8/2018, tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội do Thường trực HĐND TP tổ chức, ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường từng trả lời các đại biểu: “Hiện tại, những dự án chậm 5 - 10 năm thì không gia hạn nữa, bởi vì hết 24 tháng. Do vậy, trong thời gian tới Sở sẽ xem xét, xử lý không chấp nhận gia hạn đối với những dự án chậm 5 - 10 năm. Trừ những lý do bất khả kháng theo luật còn những dự án cố tình sẽ tiến hành thu hồi”.

Nhiều cử tri khi ấy đã đặt kỳ vọng lớn vào những lời khẳng định trên của vị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên thực tế, thời gian qua chính quyền TP. Hà Nội cũng rất nỗ lực trong việc giải quyết tồn tại của những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai.

Thế nhưng, trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn đó rất nhiều dự án chậm triển khai đầu tư xây dựng, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân. Và, dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS - THPT Lý Nhân Tông của Công ty Đông Đô cũng nằm trong số đó.

Trước đó, TP. Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc rà soát và đưa ra những con số thống kê cụ thể. Mới đây, ngày 9/7/2019, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã diễn ra phiên chất vấn các thành viên UBND TP. Hà Nội, về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP.

 (Ảnh: Hoàng An)

Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội từng khẳng định Sở sẽ xem xét, xử lý không chấp nhận gia hạn đối với những dự án chậm 5-10 năm (Ảnh: Hoàng An)

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, UBND TP đã chỉ đạo rà soát mọi dự án ngoài ngân sách trên địa bàn, thanh tra 379 dự án mà HĐND TP đã kiến nghị. UBND TP. Hà Nội đã rà soát, ra quyết định chấm dứt ngay 48 dự án có vi phạm, đến nay thời điểm này đã chấm dứt 33 dự án.

Từ khi HĐND thực hiện giám sát, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi trên thực địa 20/38 dự án đã có quyết định, đưa ra khỏi danh sách những dự án vi phạm với 81/379 dự án, đạt 22%; xác định nghĩa vụ tài chính, bổ sung cho 23/26 dự án mà HĐND TP kiến nghị…Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, đến quý III/2019 cần hoàn thành thu hồi thực địa 18 dự án.

Có thể nói, những con số kể trên phần nào cho thấy vấn đề nan giải trong việc xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội. Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai bày tỏ ý kiến, nên chăng trước khi chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện dự án, các cấp chính quyền cần cân nhắc và thật thận trọng khi “chọn mặt, gửi vàng”. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về mọi mặt, để nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Về vấn đề này, Luật sư Lương Thành Đạt đánh giá: “Để giải quyết vấn đề nêu trên theo quan điểm của tôi, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành có chức năng, thẩm quyền cần phải tập trung tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý một cách quyết liệt những trường hợp vi phạm, xem xét quy định pháp luật hiện hành thu hồi, giao cho chủ đầu tư có đủ năng lực triển khai, thực hiện”.

Theo Luật sư Đạt, bên cạnh đó cũng cần đặt ra một cơ chế thẩm định, đánh giá khắt khe hơn trong việc phê duyệt, cấp phép thực hiện dự án cho các chủ đầu tư trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung. Từ đó đảm bảo giao đúng đối tượng, tránh tình trạng bất cập xảy ra như hiện nay.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top