Aa

“Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại“

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 22/11/2023 - 10:00

Đó là nhận định của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" sáng 22/11.

Lựa chọn hồi phục xanh là tất yếu

Chia sẻ tại Hội thảo: Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình do CafeF tổ chức, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế, hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều quốc gia thực hiện. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại bởi vì những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam. Chưa kể, những nước như Ấn Độ cũng cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, Trung Quốc cam kết đến năm 2060.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: CAFEF) 

"Tầm nhìn xanh, xu hướng xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất. Nó là cuộc đua của loài người, của Tổ quốc Việt Nam. Việt Nam hiện nay cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, song lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực. Mặc dù, người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên. Đó là lợi ích cho người dân Viêt Nam đầu tiên", PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Và để hiện thực hóa các cam kết này, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn. 

"Thậm chí, có thể phải bỏ đi rất nhiều nhưng đồng thời phải tạo ra nhiều thứ mới. Nói chung nguồn lực sẽ rất khác, tức là nguồn lực phải thay đổi đi rất nhiều. Có thể chúng ta cần cần 200 - 300 tỷ USD vào năm 2030, đây là chi phí rất lớn", ông Thiên nói.

Dưới góc độ đơn vị phát triển du lịch, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group) cũng cho rằng, xanh đang là xu hướng tất yếu đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Khi du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh”. 

Đại diện Sun Group lấy dẫn chứng từ điển hình Quảng Ninh – tỉnh vẫn được ví là “Việt Nam thu nhỏ”, và là minh chứng tiêu biểu cho thành công trong chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. 

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Sun Hospitality Group (Ảnh: CAFEF)
​​​

Cụ thể, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình trọng điểm tạo lực đẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tăng tốc. Nhờ những dự án động lực, chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2013 - 2018, Quảng Ninh đãv thu hút 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng. Hiện Quảng Ninh cũng là tỉnh TOP đầu về tăng trưởng GRDP tại Việt Nam. 

Phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng

Trong bài tham luận về chủ đề: Chuyển đổi Xanh ngành xây dựng, nhìn  từ góc độ thúc đẩy phát triển công trình xanh, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành Xây dựng là ngành có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Theo các báo cáo, đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản vào GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. 

Cùng với đó, quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, phát triển kinh tế xã hội, phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng của xã hội. 

Tuy nhiên, cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản, những áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Dẫn số liệu đáng chú ý, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon. 

Vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển công trình xanh để thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, công trình xanh ở Việt Nam đến nay đãcó khoảng trên dưới 15 năm phát triển, song tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam chỉ mới có 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Số lượng này là còn quá hạn chế. 

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng)

Đưa ra giải pháp để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất, về cơ chế, chính sách cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

“Ngoài ra, cũng cần húc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh… Đẩy mạnh việc tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Đưa các kiến thức chuyên môn về xanh vào đào tạo, giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề lĩnh vực xây dựng để giảng dạy cho sinh viên, học viên”, ông Nguyễn Công Thịnh đề xuất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top