Mẹ nhớ, khi mình dọn về Ecopark (mà các con gọi tắt là Eco) ở, nhà D1, ngay trước có bể bơi, Thi lớn mới vào lớp 6, Thi bé vào lớp 1. Mình thuê nhà, vì ngôi nhà nhỏ hai tầng trong phố vẫn chưa kịp bán. Bố mẹ và các con, chúng ta xách vali rời phố về bên kia sông để sống trong một khu đô thị nhiều cây xanh, yên bình mà bố mẹ đều yêu thích và tin là nó tốt cho cả gia đình ta. Lần đầu tiên nhà mình ở trong một ngôi nhà có cửa kính rộng mênh mông, trong vắt, Thi lớn lao ra ban công va cốp một cái vào cửa kính. Đấy là kỷ niệm đầu tiên ở nhà mới.
Nhiều người thích nhà có phòng khách nhìn về phía trước, nơi có bể bơi, rừng cọ, đường nội khu…, nhưng bố thích nhà nhìn ra phía sau, có cánh đồng. Bố bảo đứng từ ban công nhà mình có thể nhìn về quê làng Phú Thị, xã Dương Quang, Gia Lâm, nơi có ông bà nội. Mà đúng thế thật, từ ban công nhà mình, có thể nhìn về quê. Vào mùa lúa, cánh đồng lúa từ xanh chuyển dần sang vàng, lắm khi mẹ thấy một cánh cò vút lên, thấy từ rất xa một người nào đó đạp xe trên một đường chỉ mờ thẳng tắp.
Mình cứ sống như thế được hai năm thì lại có một niềm vui mới. Ông ngoại một ngày đẹp trời gọi điện cho mẹ nói: "Ba đang tìm mua một căn dưới chỗ các con". Mẹ tủm tỉm cười nhớ lại những ngày đầu tiên bố mẹ lôi kéo ông bà về, ông dứt khoát: xa lắm, ba mẹ mệt mỏi rồi, không chuyển đi đâu nữa! Nhưng mẹ biết là rồi thể nào ông cũng đổi ý, vì ông thấy nhà mình sống ở đây nhiều niềm vui hơn. Ông đã thấy Thi bé không còn phải đá bóng cùng mẹ trong cái ngõ nhỏ chỉ hơn một thước ngang, Thi lớn đi xe đạp loạng choạng tránh xe máy cũng trong ngõ ấy…
Và nữa, mưa, mỗi mùa mưa, may mắn nhà cũ mình ở không xa con kênh Kim Ngưu nên không bị ngập, nhưng ngõ trước nhà sẽ thành sông và các con sẽ ngồi ở thềm nhà thả thuyền giấy trắng… Thế nên, ông bà bán nhà và đưa cả cụ về ở ngay gần toà nhà mình. Rồi nữa, một năm sau, cậu mợ và hai em bé tí teo từ Úc về, cũng chọn sống ở Eco. Chưa bao giờ mẹ vui như thế, các con đã có trường, có sân đá bóng, có vườn cây, có cả cụ, cả ông bà ngoại, cậu mợ, các em và cũng không xa ông bà nội.
Mẹ nhớ những ngày đầu chuyển về Eco, buổi tối Thi lớn nói với bố: Bố, con nhớ nhà cũ. Con nhớ Hà Nội! Bố thương con, 21h, bố lấy xe đưa các con vào phố, giống như ngày xưa, mỗi cuối tuần… Lần ấy, bố cũng đưa các con về lại chỗ nhà Bát Giác, bố mẹ ngồi đợi các con trượt patin. Nhưng được mấy phút Thi lớn, Thi bé đều lao vút về bảo: con không muốn đi nữa, con muốn về, đông người quá, lại nhiều túi nilong bay lung tung, vướng lắm… Bố mẹ lại đưa các con về, lâu lâu, không thấy các con đòi lên phố nữa, tuy rằng mẹ biết thi thoảng các con vẫn nhớ phố, nhớ ngôi nhà cũ xưa…
Hà Nội là nơi có làng Thanh Nhàn của cụ, nơi các con đã sinh ra, nơi bố mẹ gặp nhau, nơi chúng ta đã sống những năm tháng quan trọng đầu tiên của một gia đình. Nơi bố mẹ luôn mang trong lòng rất nhiều thương nhớ. Nhưng sẽ rất khó khăn khi mình sống trong lòng thành phố. Mẹ đã rất nhớ Hà Nội khi về với Eco, nhưng một ngày khi ngồi trên xe buýt chạy qua cầu Vĩnh Tuy đến Hồ Hoàn Kiếm, mẹ chợt nhận ra một niềm vui nho nhỏ: Ngày nào đi làm mẹ cũng được vào thành phố, được về Hà Nội.
Xe chạy từ đầu cầu Vĩnh Tuy của Long Biên đến giữa cầu là thấy phía bên phải một dòng sông Hồng đỏ phù sa, dòng sông của thành phố, thấy phía trước, bên kia cầu sự sôi động, rộn ràng của vùng nội đô Hà Nội. Từ nơi ấy, mỗi tuần, hai đêm mẹ phải đi trực muộn từ cơ quan về, cảm giác nhìn mưa rơi trên cửa kính khi xe chạy qua dòng sông, bỏ lại một Hà Nội của công việc, của mệt mỏi, bận rộn ở phía sau, để về nhà. Thật nhẹ nhõm không sao tả hết. Bước xuống xe, lại thấy ùa vào mùi hương hoa, cây cỏ riêng… Xao động vô cùng. Mùi hoa láng trắng thơm dìu dịu, mùi hoa đại, mùi của cỏ cây… căng tràn lồng ngực.
Mình ở trong một khu đô thị, nhưng quanh mình là những ngôi làng, chợ xưa con ạ. Những ngôi làng, những tên chợ ôm vào lòng nó biết bao là câu chuyện, lịch sử một vùng đất. Làng Bát Tràng làm gốm, chợ Bún, chợ Xuân Quan, làng hoa Xuân Quan... Mình đã ở đây 5 cái Tết là 5 mùa áp Tết bố mẹ đi làng hoa. Đi làng hoa Xuân Quan là đi chơi, rẽ vườn này một tí, ngắm vườn kia một chốc, nói chuyện với các bác nông dân, ngắm hoa, chọn hoa, trả tiền rồi hả hê vì so với trong phố mua hoa tận vườn ở Xuân Quan quả là giá cả vừa phải. Và chợ nữa, chợ có lối giao thương khác hẳn với siêu thị. Thi thoảng, bố mẹ chạy xe máy trên con đê, rẽ xuống chợ, mua một mớ tôm nhảy tanh tách, một mớ cá về rán giòn… Đến là vui!
Đêm giao thừa, cả nhà mình đi lễ ở một ngôi chùa nhỏ trên đê, gần khu đô thị, có cụ, ông bà ngoại, cậu mợ, các em và các con. Các con còn bé, chỉ thấy im lặng đi trong chùa thì biết thế, cũng không được thoả chí nhảy nhót, nhưng mẹ thì thấy sự bình an trong mắt ông bà.
Còn một điều nữa, có khi các con không để ý là chưa bao giờ nhà ở gần trường đến thế, từ phòng các con, mở cửa sổ là thấy trường Đoàn Thị Điểm của Ecopark. Mẹ lúc nào cũng nhớ cảm giác khi đưa các con đến trường ngày đầu tiên, mẹ thì đã lặng im để nghe trong tim mình tiếng đập rộn rã của một niềm vui, niềm hy vọng lớn… Trong đó, có một niềm vui bắt nguồn từ điều rất đỗi giản dị, hơi bi hài là từ giờ con sẽ không nhịn đi vệ sinh như ở trường cũ nữa. Thật là sung sướng. Khi nói về trường, các con cũng nhắc mẹ một điều mẹ nghĩ là rất thú vị, rằng trường nằm trong khu đô thị nơi gia đình mình sống nên nhiều bạn học của con cũng chính là hàng xóm của con. Con muốn đến nhà bạn chơi thì có thể tự đi. Thi thoảng các con có thể gặp gỡ nấu ăn, hay tổ chức một cái lễ ngủ đêm vui vẻ và an toàn ở nhà bạn.
Ở Ecopark nơi mình sống có nhiều cô, bác mang áo xanh làm công việc chăm sóc cây cối, vệ sinh các toà nhà; các chú bảo vệ trẻ trung, xởi lởi. Đêm giao thừa, một việc mà nhà mình luôn làm với niềm hạnh phúc khó tả là đi một vòng tự xông nhà rồi mừng tuổi các cô, bác công nhân vệ sinh, các chú bảo vệ đứng canh ở các điểm gác. Sớm mùng một, ngay sau giao thừa năm 2014, về đến cổng số 1, bố mở cửa xe mừng tuổi chú bảo vệ và nói: "Chúc chú năm mới nhiều sức khoẻ, hạnh phúc nhé!". Câu trả lời của chú bảo vệ là: "Vâng, em cảm ơn anh chị! Em phải khoẻ để bảo vệ cuộc sống bình yên của các anh chị chứ!". Mẹ không biết chú bảo vệ ấy có thể làm được những gì nếu có sự cố xảy ra với cư dân ở đây. Công việc hằng ngày của chú ấy chắc không nặng nhọc như các chú đội an ninh trật tự của khu đô thị, nhưng câu trả lời đầy tình cảm của chú ấy đã khiến bố và mẹ sững lại, lâng lâng xúc động…
Eco cho chúng ta nhiều hơn thế nữa, con ạ, trong đó có một thứ chúng ta khó mua được bằng tiền, hoặc rất nhiều tiền cũng chưa chắc mua được, đấy là những người hàng xóm, những gia đình hàng xóm có cùng một cách sống, có thể sẻ chia, giúp đỡ nhau tạo ra một cộng đồng ấm áp, thân thiết như gia đình. Ở đây, con được tham gia sinh hoạt, học kỹ năng sống trong tập thể “Learning for life” do các cô bác phụ huynh là tình nguyện viên; được học tập, giao lưu trong một câu lạc bộ tiếng Nhật HaNoi Kids club…
Đối diện nhà mình là nhà bác H. Bác H ở Anh, mỗi năm bác về nhà vài tháng. Hôm đầu tiên bác chuyển về đây, mẹ nhớ bác bấm chuông vào chơi nhà mình và tặng cả nhà một bó hoa cẩm chướng rất giản dị và rất đẹp. Cái năm nào đó, bác về Anh, lời chào vội vã của bác ở sảnh tầng 1 làm mẹ xúc động mãi: “Chị đi nhé! Tết chị về!” Tết bác H về thật, nhiều cái Tết, và tham gia trang trí sảnh D1 nhà mình, góp phần không nhỏ mang về giải nhất cho D1 năm 2018…
Cũng còn rất nhiều các cô bác trong toà nhà, trong khu đô thị đã trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống nhà mình. Chúng ta coi đó như một phần tài sản. Vì nó, những khoảng cách, những va vấp nào đó trong ứng xử của cuộc sống hằng ngày sẽ trôi qua mau, nhường chỗ cho sự cảm thông, chia sẻ, cộng hưởng nhiều hơn.
Mẹ chỉ viết đến đây, về một nơi may mắn chúng ta đã chọn, đã sống. Các con sẽ viết tiếp những trang viết dài, rất dài còn lại. Ngày mai, là ngày đầu tiên con trở lại trường, nhưng lại là một ngôi trường mới, cũng ở Eco, bên kia cầu Bắc Hưng Hải - nơi có ngôi nhà đầu tiên chính thức của gia đình mình sắp hoàn thành. Thi lớn bảo mẹ: Con cứ thấy nao nao như ngày đầu tiên đi học…!
Phải rồi, mẹ cũng nao nao…!
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống. Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899 Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây. |