Tháng 11 năm 1999, Hội nghị thành lập Hội đồng Công trình Xanh Thế giới ở California gồm tám đại diện từ Hội đồng Công trình Xanh các quốc gia Australia, Canada, Japan, Tây Ban Nha, Nga, Cộng hòa A Rập thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa kỳ.
Hội đồng Công trình Xanh Thế giới có Sứ mệnh: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi toàn cầu của ngành công nghiệp xây dựng theo hướng bền vững theo định hướng thị trường (Mission: To facilitate the global transformation of the building industry towards sustainability through market driven mechanisms).
Đây là tổ chức quốc tế lớn nhất, một tổ chức phi lợi nhuận liên minh các Hội đồng công trình xanh (GBC) quốc gia, ảnh hưởng đến thị trường xây dựng xanh. Hiện tại WorldGBC có 100 hội đồng thành viên bao gồm hơn 80 quốc gia và 32.000 Công ty bất động sản thành viên.
Hội đồng Công trình Xanh Thế giới được chia thành năm khu vực: châu Phi, châu Mỹ (bao gồm Bắc Mỹ, Nam Mỹ, và Caribean), Châu Âu, Châu Á / Thái Bình Dương, và MENA (Trung Đông và Bắc Phi). Châu Âu có mạng lưới lớn nhất khu vực của các Hội đồng Công trình Xanh với 34%, tiếp theo là châu Mỹ 23%, Châu Á / Thái Bình Dương là 18%, MENA mức 15%, và châu Phi là 10%.
Báo cáo thường niên năm 2015/2016 của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới xác nhận: đã có 49% Hội đồng Công trình Xanh các nước thực hiện Hệ thống cấp Chứng chỉ Công trình Xanh cho các công trình xây dựng ở nước mình với tổng diện tích 1,04 tỷ m2 CTX, bằng 10 lần diện tích của Paris.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu COP 21 tháng 12/2015 tại Paris, thông qua Thỏa thuận hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2oC. Tại đây, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo toàn cầu công nhận “Công trình Xanh phải và sẽ là một phần giải pháp cho biến đổi khí hậu” như đã nói ở trên.
Nhân dịp Hội nghị COP 21 đạt được “Thỏa thuận lịch sử về Biến đổi khí hậu” với 195 nước tham gia, Hội đồng Công trình XanhThế giới đã hợp tác với chính phủ Pháp, Hoa kỳ và Chương trình Môi trường Quốc tế tổ chức “Ngày tòa nhà / Buildings Day” [5]. Trong ngày này đã ra mắt “Liên minh toàn cầu các Công trình và Xây dựng / Global Alliance for Buildings and Construction” bao gồm 23 quốc gia và 64 tổ chức phi chính phủ. Tại đây Hội đồng Công trình Xanh Thế giới đã phát động “ Xây dựng xanh hơn / Better Build Green” và “ Hành trình đến Net Zero / Journey to Net Zero Emission Buildings” - với mục tiêu “bảo đảm đến năm 2050 tất cả tòa nhà không phát thải khí nhà kính / to make sure that all buildings are net zero carbon by 2050”.
Tất cả các Hội đồng Công trình Xanh các nước cam kết với Hội đồng Công trình Xanh Thế giới đến năm 2050 sẽ giảm 84 tỷ tấn CO2 cho 8,5 tỷ người trên thế giới. Thúc đẩy dự án Net Zero, WorldGBC quyết tâm đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng: tất cả các tòa nhà là "không Carbon” vào năm 2050.
Hơn 30 Hội đồng Công trình Xanh các nước cam kết chung đầy tham vọng: đến năm 2020 sẽ có thêm 1,25 tỷ mét vuông không gian Công trình Xanh trên thế giới, gấp gần hai lần diện tích của Singapore - và đào tạo cung cấp 127.000 các chuyên gia Công trình Xanh.
Sau hơn 20 ra đời, Công trình Xanh đã thực sự là một Phong trào lớn mạnh trên toàn cầu, đã và sẽ có đóng góp hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu, mang lại môi trường sống tốt đẹp, sức khỏe cho người dân các đô thị. Các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh COP 21 năm 2015 đã một lần nữa khẳng định điều này. Công trình Xanh cần trở thành một Phong trào tự nguyện và rộng lớn với khẩu hiệu “10 hơn một / 10 heads are better than one”, bởi như câu thành ngữ “một bàn tay không che được Mặt trời”. Tiếc rằng đến nay tại nước ta chưa làm được việc này, trong khi có thể chính chúng ta lại là một trong ba quốc gia chịu hậu quả năng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt vùng đồng bằng Nam bộ.
Vậy lẽ nào chúng ta cứ đứng ngoài phong trào này của thế giới? Trách nhiệm thuộc về AI?.
Hãy hình dung một kịch bản sau đây:
Cả một làng 200 hộ dân đang bị ngập dần vì nước biển dâng, chỉ có nhà giàu ở trên cao không bị ngập. Nhưng cả làng – nhà giàu, nhà nghèo – đều đang cố sức đắp đập ngăn nước: nhà giàu góp tiền mua máy xúc, nhà nghèo mang cuốc, xẻng và sức lực tham gia. Nhà mình nghèo nhất, lại ở thấp nhất, khả năng bị ngập nhiều nhất, nhưng “bình chân như vại”, chỉ lo kiếm tiền cho cuộc sống. Vậy có “được” không ?- Hai trăm hộ tương đương 200 nước trên thế giới.
Chúng ta hãy chờ đợi một mô hình hợp lý, hiệu quả Lãnh đạo và điều hành Phong trào Công trình Xanh ở Việt Nam để các nhà đầu tư, những người làm Kiến trúc – Xây dựng nhanh chóng chung tay cùng thế giới chống lại biến đổi khí hậu. Một mô hình tương tự BCA Singapore là đáng noi theo, vì đã nhanh chóng phát triển Công trình Xanh ở quốc gia này ngang tầm thế giới chỉ trong khoảng 10 năm. Hơn nữa, tại Việt Nam, một Chứng chỉ do nhà nước cấp thường được coi trọng hơn do một Hội chuyên ngành cấp.