Aa

Việt Nam cần thực hiện “đổi mới 4.0” để duy trì tăng trưởng chất lượng cao

Thứ Ba, 26/03/2019 - 06:01

Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất, đổi mới sáng tạo đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có để duy trì tăng trưởng chất lượng cao trong thập kỷ tới.

Đây là một trong những kiến nghị nêu trong một báo cáo chung do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện nhằm tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới để giúp VIệt Nam tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021 - 2030.

Báo cáo nghiên cứu, được thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Australia, đã đề xuất mô hình kinh tế mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 chú trọng vào 3 lĩnh vực đột phá: thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân, phát triển nguồn vốn con người, và xây dựng thể chế hiện đại.

 Ông Craig Chittick, đại sứ Australia tại Việt Nam

Ông Craig Chittick, đại sứ Australia tại Việt Nam

“Nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào một chương mới trong câu chuyện tăng trưởng của mình”, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam nói. Ông Craig Chittick cho rằng đây là giai đoạn Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện các bước cải cách mạnh mẽ, và qua đó giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7,0 đến 7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm vừa qua.

“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó "Đổi Mới 4.0”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

“Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21”. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu mà Việt Nam đã theo đuổi giai đoạn 2011 – 2020 đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố mới khác như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top