Aa

Việt Nam có thể "đứng ngoài" những cuộc tranh chấp thương mại lớn

Thứ Năm, 20/09/2018 - 06:00

Việt Nam vẫn đang phát triển nhưng chỉ là cửa ngõ sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20. SSI Research đánh giá rằng, nền kinh tế của Việt Nam có thể "đứng ngoài" những cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn, và khả năng cao chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Cẳng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang khiến Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 thông báo áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, hiệu lực từ ngày 24/9. Thuế suất này sẽ tăng lên 25% kể từ ngày 1/1/2019. 

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến đáp trả bằng thuế suất 5 – 10% lên 60 tỷ USD hàng hóa của Washington vào cùng thời điểm.

Việt Nam ảnh hưởng như thế nào khi thuế của hai quốc gia trên bị điều chỉnh tăng?

Theo nhóm phân tích SSI Research, giả thiết Việt Nam không phải mục tiêu tiềm năng mà chính quyền Trump nhắm đến bởi Việt Nam không có quá nhiều vấn đề thương mại với Mỹ, không nằm trong nhóm 10 nước bị Washington coi là có tranh chấp thương mại đáng kể.

Một số tín hiệu tích cực gồm lượng hàng Mỹ xuất sang Việt Nam tăng đáng kể, tính đến hết tháng 8 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ, đề xuất cho phép Vietjet hoặc Bamboo Airlines mua lượng lớn phi cơ Boeing đang được xem xét.

Chưa kể, Mỹ đã giảm bớt áp lực lên Việt Nam liên quan thuế chống bán phá giá với sản phẩm cá da trơn Việt Nam. Thuế này có thể giảm dựa trên các kết luận từ đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14), thậm chí Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể coi cá da trơn Việt Nam tương đương cá da trơn xuất xứ Mỹ.

Dựa trên diễn biến trên, SSI Research cho rằng, tác động ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chủ yếu là gián tiếp, thông qua sự mất giá của đồng Nhân dân tệ, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vốn và tâm lý giá xuống trên thị trường chứng khoán.

Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai 8,2 tỷ USD, thặng dư ngân sách trong nửa đầu năm 2018. Hai yếu tố này sẽ góp phần ổn định các yếu tố cơ bản cho VND.

Việc VND mất giá hôm 23/7, sau nhiều năm ổn định, có thể chỉ để điều chỉnh cho phù hợp với các quốc gia khác trong khu vực hơn là đứng đơn độc - là đồng tiền ổn định hoặc tăng giá. Hiện VND vẫn diễn biến tốt so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, chỉ mất giá 2,5% so với USD kể từ đầu năm.

Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc

Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc

Tác động trực tiếp ít hơn những gì giới chuyên gia nhận định. SSI Research dự báo trong 12 tháng tới không có nhiều gián đoạn đáng kể đến chuỗi giá trị toàn cầu hay suy yếu trong thương mại hoặc tiêu dùng thế giới.

Việt Nam vẫn đang phát triển nhưng chỉ là cửa ngõ sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20. Do đó, nền kinh tế Việt Nam "đủ nhỏ" để “đứng ngoài” những cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn. Việt Nam khả năng cao không bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Giả định toàn bộ hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 25%, xuất khẩu của nước này sẽ bị hạn chế. Điều này có hiệu quả tương đương với kịch bản Việt Nam đạt thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Mỹ.

Trong ngắn hạn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng may mặc, điện thoại di động, hàng điện tử tiêu dùng, đồ gỗ, hải sản… có thể dễ tiếp cận Mỹ hơn, sẽ có nhiều nhãn “Made in Vietnam” xuất hiện trong các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Việt Nam còn có thể đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài mới, tương tự như hồi năm 2015 với kỳ vọng vào TPP. Việt Nam ngày càng trở thành lựa chọn hấp dẫn với các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa cơ sở của họ nhằm tránh ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc.

Tính dài hạn, tác động cuối cùng trong kịch bản đạt FTA với Mỹ có thể sẽ khác so với CPTPP và TPP-12. Tác động có thể rất tích cực do kịch bản FTA có thể thúc đẩy tăng GDP 2,5 – 3% và xuất khẩu 12 – 14% cho đến năm 2030. Quan trọng hơn, lợi ích từ FTA có thể thấy rõ trong vòng 1 - 2 năm triển khai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top