Aa

Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về số phòng khách sạn

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 19/09/2019 - 06:30

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Nhờ bệ phóng này, Việt Nam cũng dẫn đầu về nguồn cung khách sạn cho ngành du lịch.

Việt Nam vẫn nhiều triển vọng

Ghi nhận của Savills trong nửa đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương không có nhiều tín hiệu tích cực khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đều báo cáo kết quả hoạt động không khả quan. Cụ thể, toàn khu vực chứng kiến sự sụt giảm về cả công suất và giá phòng, lần lượt là 1,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số RevPAR trung bình của khu vực giảm gần 6%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này có thể kể đến sự sụt giảm của lượng du khách Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nguồn khách lớn nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về lượng khách của quốc gia này cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu.

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. 

Cụ thể, lượng khách Trung Quốc đến các điểm du lịch châu Á hiện đang có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Theo như số liệu vừa được công bố tại Thái Lan, lượt khách Trung Quốc đến quốc gia này đã giảm 4,73% vào trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường khách sạn ghi nhận mức giảm 3% tổng lượt khách Trung Quốc và 10% hệ số RevPAR trong nửa đầu năm 2019.

Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, ngành du lịch Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng khi lượt khách quốc tế đến trong nửa đầu năm 2019 đạt khoảng 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 45%, 27% và 21%. 

Đây đều là những thị trường du khách chiếm thị phần lớn (sau Trung Quốc). Do vậy, mặc dù lượng khách Trung Quốc giảm nhẹ (3%) như hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng lượt khách quốc tế ổn định.

Cũng theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, trong năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn năm 2018 do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước. Tuy nhiên, mức tăng của du lịch Việt Nam trong năm 2019 vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới là 3 - 4% và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 5 - 6%.

Việt Nam dẫn đầu 

Theo báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công Ty Lữ Hành Ctrip, hiện nay số lượng người dân Trung Quốc đang sở hữu hộ chiếu rất ít (chiếm chưa tới 10%) và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài trong tương lai gần và khả năng cao là họ sẽ ghé thăm các quốc gia lân cận như Việt Nam hay Thái Lan trong những chuyến xuất ngoại đầu tiên.

Như vậy, sẽ còn rất nhiều tiềm năng cũng như cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Mặt khác, theo số liệu thống kê du lịch trong và ngoài nước, mức chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc trong các dịp lễ tết tuy không nhiều như trước đây nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Savills nhận định, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến ưa thích nhất của du khách Trung Quốc, do vậy, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào những cơ hội phát triển cho ngành du lịch của nước ta. Với hơn 30.000 phòng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020, Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực về mặt số phòng, theo sau là Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.

Ngành khách sạn của Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển

Mặt khác, dựa trên phân tích về chỉ số CAGR trong 10 năm của Savills Hotels, lượt khách quốc tế dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2023. Đây cũng được xem là triển vọng lớn cho ngành du lịch của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay thị trường đang phải đón nhận một lượng lớn các dự án condotel trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng khách du lịch đang tăng chậm lại dẫn tới việc thị trường có thể sẽ phải đối mặt với sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu. Điều này khiến cho chỉ số RevPAR có khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong tương lai.

Trong một nhận định mới đây, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của Savills TP.HCM cho hay, người mua căn hộ nghỉ dưỡng chủ yếu hướng đến đầu tư cho thuê bên cạnh việc phục vụ cho nghỉ dưỡng ngắn ngày trong năm.

Để thu hút khách mua, các chủ đầu tư phát triển căn hộ nghỉ dưỡng đa số cung cấp chương trình cam kết lợi nhuận cho thuê trong thời hạn cố định với tỉ suất lợi nhuận cho thuê cao hơn kênh đầu tư bằng gởi tiết kiệm ngân hàng và ổn định hơn kênh đầu tư dự trữ vàng.

“Tuy nhiên, người mua cần lưu ý kiểm tra thông tin pháp lí dự án, uy tín chủ đầu tư, nhà điều hành cũng như phương thức thực hiện cam kết cho thuê để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào loại hình bất động sản này”, bà Trang nhấn mạnh.

Theo số liệu ghi nhận của Savills trong nửa đầu năm 2019, công suất hoạt động trung bình của phân khúc khách sạn 4 và 5 sao là khoảng xấp xỉ 60%. So với nhiều khách sạn nội địa, các khách sạn do nhà điều hành quốc tế thường có giá bán phòng cao hơn từ 20 - 30% và công suất hoạt động hơn khoảng 5 đến 20 điểm %.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top