Aa

Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức đô thị hóa 40% vào năm 2020

Thứ Sáu, 29/11/2019 - 06:15

Các thành phố, đặc biệt là các thành phố thứ cấp, là động lực chính cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế vì khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra ở khu vực thành thị.

Các học giả trình bày tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức đô thị hóa 40% vào năm 2020 và phải sẵn sàng để đô thị hóa như một công cụ duy trì tăng trưởng kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vượt qua các thách thức toàn cầu.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế về đô thị hóa châu Á lần thứ 15, với chủ đề "Tương lai đô thị - Những chuyển biến quan trọng ở các đô thị châu Á."

Hội thảo do Trường Đại học Việt - Đức (VGU) phối hợp với Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (AURA) tổ chức ngày 28/11 tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương.

Hội thảo lần này có quy mô tham gia lớn hơn các lần trước, có sự tham gia và phát biểu của một số học giả tầm cỡ thế giới như giáo sư Michael Douglass ở Đại học Hawaii cùng rất nhiều học giả lớn khác đến từ Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, Phần Lan và hầu hết các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á.

Hội thảo có 180 học giả, khách tham dự, nghe trình bày trên 100 bài tham luận của các học giả quốc tế và trong nước.

Các bài tham luận có chất lượng sẽ được tuyển chọn và xuất bản trong tạp chí và sách chuyên khảo xuất bản bởi Nhà xuất bản Springer Nature có chứng chỉ Scopus.

Tại hội thảo, các học giả quốc tế và trong nước đã trình bày nhiều bài tham luận, với các chủ đề như: biến đổi khí hậu và thích ứng ở đô thị; quản trị đô thị có tính khả thi và nền tài chính đô thị bền vững; thành phố thông minh, đáng sống; quy hoạch và phát triển tích hợp; chuyển đổi trong quản lý đất; chỉnh trang và tái phát triển đô thị; đi lại xanh và thông minh; nhà ổ chuột và nhà ở giá phải chăng.

Theo TS. Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, trong ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, quá trình đô thị hóa đang tăng tốc ở Việt Nam thông qua các dòng di cư nông thôn - thành thị lớn và phân loại lại.

Các thành phố, đặc biệt là các thành phố thứ cấp, là động lực chính cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế vì khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra ở khu vực thành thị.

Tuy nhiên, các khu vực đô thị vẫn bị thách thức với sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, phát triển không chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, thiếu nhà ở đàng hoàng, suy thoái môi trường, cũng như tiếp xúc với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao, lũ lụt, sóng nhiệt có thể sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức đô thị hóa hiện có và tạo ra sự di cư bổ sung đến các thành phố ở Việt Nam.

Cũng theo theo TS. Nguyễn Quang, để vượt qua những thách thức này, các thành phố của Việt Nam cần có khung chính sách đô thị chiến lược, có sự tham gia để hướng dẫn, quản lý quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trong nước. Đây phải là một cách tiếp cận phối hợp với các ưu tiên quốc gia đã được thống nhất và tầm nhìn rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển đô thị toàn diện, bền vững phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự đô thị mới.

Là cơ quan của Liên hợp quốc cho các khu vực đô thị, UN-Habitat được Đại hội đồng Liên hợp quốc ủy nhiệm để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và cung cấp nơi trú ẩn thích hợp cho tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, từ năm 2007, UN-Habitat đã và đang hỗ trợ việc tích hợp đô thị hóa bền vững vào chính sách quốc gia, cải thiện việc xây dựng, thực hiện các chính sách và thực tiễn đô thị. Những đóng góp khác nhau từ cấp quốc gia, ví dụ như tư vấn kỹ thuật cho việc xây dựng Chiến lược và Luật Nhà ở, quá trình chuẩn bị Chiến lược phát triển đô thị quốc gia và hỗ trợ Cục Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thành Luật Kế hoạch; đồng thời còn giới thiệu phương pháp lập kế hoạch tổng hợp và đa ngành cho bảy thành phố ở Việt Nam thông qua công cụ Chiến lược phát triển thành phố của Liên minh thành phố cùng với việc triển khai thực tế các sáng kiến có sự tham gia của cộng đồng tại các địa phương.

Học giả trình bày tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Đây là lần đầu tiên hội thảo này được diễn ra tại Việt Nam và cũng là lần thứ 15 được tổ chức (2 năm tổ chức hội thảo một lần, kể từ năm 1985).

Hội thảo nhằm kết nối các học giả, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình đô thị hóa ở châu Á.

Bên cạnh các sự kiện khoa học, hội thảo cũng tổ chức các sự kiện bên lề như phiên thảo luận cho các nhà khoa học trẻ về định hướng phát triển nghề nghiệp, giao lưu để các học giả, chuyên gia mở rộng mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển trong nước và quốc tế về phát triển đô thị bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top