Aa

"Đô thị hóa quan trọng nhưng cách thức đô thị hóa quan trọng nhất"

Thứ Hai, 23/09/2019 - 06:10

Làm thế nào để cải thiện, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới trong thập kỷ tới là điều các nhà chuyên môn đang đặc biệt quan tâm.

"Chúng ta không hề có chính sách hay điều phối cụ thể, dẫn đến đô thị hóa phát triển tương đối tự phát. Hệ quả là ở các đô thị lớn nhất cả nước, vẫn có những khu vô cùng nhếch nhác".

Hơn một thập niên qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam có sự suy giảm đang gióng lên hồi chuông báo động về cách thức đô thị hóa mà lâu nay chúng ta vẫn đang làm. Đồng thời, đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình đô thị hóa hiện tại, có tác động như thế nào đến sự tăng trưởng và tính bền vững được biểu hiện ra sao, làm thế nào để cải thiện và quản lý đô thị hóa đạt hiệu quả?

Đô thị nén - giải quyết tình trạng quá tải dân số

Để giải quyết vấn đề quá tải đô thị thì nhiều năm nay, Việt Nam hay các nước trên thế giới đều có quan điểm chung đó là hình thành đô thị nén. Khi đó, mật độ dân số tăng lên, mật độ xây dựng được hạn chế, đồng thời sẽ tạo ra nhiều bước ngoặt lớn trong vấn đề quy hoạch đô thị. Vậy bước ngoặt đó là gì và vì sao chúng ta lại có quan điểm này?

Lợi ích thứ nhất phải kể đến là tăng trưởng năng suất lao động, tạo điều kiện tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội được tốt hơn. Thứ hai, mảng xanh đô thị cũng sẽ được “chia phần”, bởi khi hình thành khu đô thị nén thì diện tích đất xây cao ốc sẽ giảm đi, đồng nghĩa diện tích cho không gian công cộng, cơ sở hạ tầng tăng lên... Từ đó, các vấn đề về như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông sẽ được cải thiện. Đây cũng chính là lợi ích thứ ba của việc hình thành đô thị nén.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Nhưng tại Việt Nam, dù biết quan điểm xây dựng đô thị nén hoàn toàn phù hợp trong quá trình đô thị hóa, tuy nhiên chúng ta lại không làm được, hoặc có chăng cũng chỉ là nửa vời. Bàn về thực tế trên, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định: “Vấn đề lớn nhất mà các đô thị hiện đang tạo ra là ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh, tắc nghẽn, quá tải về dịch vụ như trường học, bệnh viện… Nhiều khi ta hiểu một cách quá đơn giản rằng cứ tăng mật độ thì sẽ tăng hiệu quả, nhưng tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, nếu chúng ta tăng mật độ trong bối cảnh như hiện nay thì sẽ tạo ra một tình trạng vô cùng hỗn loạn”.

Phát triển đô thị theo chiều ngang không chỉ tốn nhiều diện tích mà còn mất mỹ quan đô thị (ảnh: Internet) 

Một trong những “hỗn loạn” mà chúng ta ngày ngày phải đương đầu do hệ quả của đô thị hóa những năm qua chính là tắc nghẽn giao thông. “Nhà tôi ở quận 7, TP.HCM, trường tôi dạy ở quận 3, cách nhau 10 cây số. Khoảng 15 năm về trước, tôi đi mất 15 phút. Bây giờ thời gian trung bình lên đến một tiếng đồng hồ, thậm chí có những hôm tắc đường đi mất hai tiếng là chuyện bình thường. Như vậy có thể thấy tốc độ di chuyển bị chậm lại ghê gớm. Vậy mà với tình trạng như hiện nay, mật độ ngày càng tăng lên thì tôi không thể tưởng tượng mức độ sẽ như thế nào…”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Phát triển đô thị chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng (ảnh Internet)

Hay tại Hà Nội cũng chẳng khá hơn. Với định vị quy hoạch trở thành “trung tâm mới” của Hà Nội khi mở rộng địa giới hành chính cách đây hơn 10 năm, khu vực cửa ngõ phía Tây Thủ đô bỗng chốc sôi động, trở thành “cái rốn” phát triển, gây ra những hệ lụy không nhỏ. Điển hình như hai bên tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 1km nhưng có khoảng 40 tòa chung cư cao tầng. Hệ quả là tuyến đường huyết mạch này giờ đây hàng ngày phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Còn tại khu đô thị Linh Đàm, từng đặt ra mục tiêu phát triển khu đô thị kiểu mẫu nhưng nhiều người dân sống ở đây đang phải tháo chạy để tránh quá tải hạ tầng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quá tải trên tại các đô thị lớn bắt nguồn từ các vấn đề đô thị hóa ở nông thôn. “Rất nhiều vấn đề đô thị ở TP.HCM và Hà Nội xuất phát từ sự mâu thuẫn trong phát triển. Nông thôn không có công ăn việc làm, đất đai thì manh mún, việc tích tụ ruộng đất ngày càng ít, hạn chế. Vậy sinh kế của họ đến từ đâu? Không có sinh kế, buộc họ phải di chuyển lên thành thị.

Phần lớn công nhân làm việc tại các KCN đều "bỏ ruộng" lên đô thị kiếm sống (ảnh Internet)

"Như vậy, nếu chúng ta không thể đảm bảo được kinh tế ở nông thôn thì áp lực lên đô thị là vô cùng lớn. Bởi mưu sinh, công ăn việc làm mà họ buộc phải di chuyển. Dù là di chuyển tự nhiên nhưng lại đặt gánh nặng lớn lên đô thị. Trong khi đô thị vốn đã đang “tắc nghẽn”, chưa kể vấn nạn khác như biến đổi khí hậu. Ví dụ như đồng bằng Sông Cửu Long, khi nước biển dâng và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, có thể làm cho sụt giảm đến 10% GDP , và khi đó làn sóng di cư sẽ ồ ạt đổ về các đô thị”, TS. Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi chưa hình thành được đô thị nén đúng nghĩa, chúng ta không nên chỉ nghĩ tới đô thị hóa ở các khu vực tăng trưởng hay các trung tâm lớn mà phải nghĩ đến việc tham gia tạo sinh kế ở khu vực nông thôn, làm cho bớt sức ép lên đô thị: “Còn nếu cứ tiếp tục, mải miết tìm cách giải quyết bài toán tắc nghẽn và khủng hoảng thì lấy đâu ra thời gian và căn cơ để mà xem nặng xem nhẹ những vấn đề đô thị hóa khác".

Hạ tầng kết nối thúc đẩy công nghiệp lan tỏa

Quá trình đô thị hóa buộc phải gắn với công nghiệp hóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Hay nói cách khác, công nghiệp hóa thúc đẩy quá trình đô thị hóa được diễn ra nhanh chóng. Để làm được điều đó, hạ tầng kết nối đóng vai trò quan trọng.

Hệ thống hạ tầng tại các đô thị và hạ tầng kết nối các đô thị, vùng miền với nhau sẽ tạo nên sự phát triển đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, một hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối kém phát triển sẽ là một trở lực lớn đối với kinh tế. Ở nhiều nước đang phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu đã gây ứ đọng trong luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, gây ra những “nút cổ chai kết cấu hạ tầng”, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Thực tế hiện nay, những quốc gia phát triển cũng là những nước có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đảm bảo kết nối kinh tế vùng. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đang phát triển có hệ thống cơ sở hạ tầng kém hơn. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia đang phát phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, với quan điểm “Cơ sở hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Chính phủ đã dành một mức đầu tư cao cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Như vậy, trên lý thuyết, cơ sở hạ tầng đã và đang được quan tâm nhưng trên thực tế đã thích đáng hay chưa và hiệu quả ra sao lại là điều đáng để bàn. “Kết nối yếu kém về cơ sở hạ tầng, làm cho khu vực nông thôn rất khó phát triển. Muốn thúc đẩy kinh tế thì công nghiệp phải phát triển, mà một trong những quy tắc của công nghiệp là sự lan tỏa. Chúng ta đều thấy TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... hay phía Bắc là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đều có thể được lan tỏa, giúp phân phối lại hoạt động công nghiệp, từ đó phân bố lại dân cư. Nhưng thực tế, kết nối đó lại đang có sự thất bại rất lớn, dẫn đến sự ngắt quãng công nghiệp ảnh hưởng đến kinh tế giữa các đô thị”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các vùng, các đô thị... (Ảnh: Internet)

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay: “Trên lý thuyết có hình thành liên kết các đô thị, nhưng trên thực tế thì chưa hình thành được. Ví dụ tháng 12/2017, Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch Vùng đô thị TP.HCM tới 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có 8 tỉnh, và 17 đô thị. Những đô thị này sẽ được kết nối bởi hạ tầng giao thông, riêng đường cao tốc là 560km, tuy nhiên đến nay mới chỉ làm được 12km. Có nghĩa các đô thị kinh tế và đô thị không kết nối với nhau được, xét về quy hoạch chính sách thì đều có hết nhưng lại không thực thi được, có cũng ì ạch, chậm tiến độ. Trong khi chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giao thông kết nối, nếu không làm được thì chắc chắn các đô thị không thể phát triển trong quá trình đô thị hóa, đồng nghĩa kinh tế tăng trưởng kém là đương nhiên”.

Phát triển hạ tầng là yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế vùng. “Nếu không có sự kết nối về hạ tầng thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ bị chia cắt thành từng mảnh, và dù tất cả các định hướng phát triển có hay ho đến đâu trên giấy tờ thì đó cũng chỉ là khổ giấy. Tức hiện nay có vô số các thể chế liên quan đến liên kết vùng, nhưng lại thiếu đi 2 yếu tố cơ bản: Một là quyền lực về quy hoạch, hai là tài khóa. Giải quyết được vấn đề này thì việc đô thị hóa Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong tương lai”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy, chúng ta đã và đang đặt ra những hướng đi đúng đắn và phù hợp với quá trình đô thị hóa Việt Nam. Hai trong số đó là việc hình thành đô thị nén và phát triển hạ tầng kết nối cũng đã được đề ra, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại lại chưa thực hiện được, có chăng cũng chỉ nửa vời, chưa đạt hiệu quả, dẫn đến tốc độ đô thị hóa đang có sự chững tại suốt thập niên qua. Từ đó có thể khẳng định rằng , xác định được hướng đi là điều quan trọng nhưng “cách thức đô thị hóa mới là quan trọng nhất”, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top