Cụ thể, theo báo cáo của JLL, Anh quốc dẫn đầu nhóm “siêu minh bạch”, tiếp đó là Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Hà Lan, New Zealand, Đức, Ireland, Thụy Điển và Phần Lan. Nhóm “minh bạch” gồm 20 thị trường, dẫn đầu là Singapore, Hong Kong, Nhật Bản; kế tiếp là Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch, Ý. Nhóm “bán minh bạch” gồm 27 thị trường, đứng đầu là Trung Quốc; tiếp theo là Thái Lan, Ấn Độ, Israel, Brazil… Đáng chú ý, nhóm “kém minh bạch” gồm 19 thị trường do Việt Nam đứng đầu; theo sau là Bahrain, Morocco, Colombia, Costa Rica… Nhóm “không minh bạch” gồm 19 thị trường, đứng đầu là Lebanon, Oman, Tunissia… Thị trường kém minh bạch nhất thế giới được xác định là Venezuela.
JLL cho hay, các thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Hong Kong và Nhật Bản đã có những bứt phá nhằm cải thiện chỉ số minh bạch bất động sản. Cụ thể, Myanmar có chỉ số cải thiện cao nhất toàn cầu, tăng 15 hạng và tham gia vào nhóm “Kém Minh bạch”. Theo báo cáo, quốc gia này tiếp tục mở cửa kinh tế khi ngày càng nhiều nhà đầu tư mong muốn dịch chuyển sang các thị trường thông minh hơn.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Hàn Quốc lọt vào nhóm “minh bạch”, với hàng loạt nỗ lực đầu tư cải thiện về bảo mật dữ liệu và tham vọng cho một hệ thống kiểm soát khí thải carbon mới.
TS. Megan Walters, Giám đốc Nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết: Chính phủ Ấn Độ đã có những thay đổi hữu ích cho minh bạch và chống tham nhũng. Luật Điều tiết Bất động sản được thông qua vào năm 2016 và áp dụng vào năm 2017 là một điểm sáng của khu vực. Nhờ vào những chính sách hợp lý, Ấn Độ cùng Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan giữ vị trí cao trong nhóm các nước có chỉ số “bán Minh bạch”.
TS. Walters cũng cho biết, tại thị trường Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam đều là những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn xếp vị trí cao trong nhóm “bán minh bạch” và “kém minh bạch”. Những cải cách của Thái Lan được củng cố bởi việc thực thi hành lang pháp lý tốt hơn, giới thiệu hệ thống thuế bất động sản mới và công nghệ hóa việc đăng ký quyền sử dụng đất. Macau cũng đã tập trung hơn vào việc phòng chống rửa tiền, do đó các nhà quản lý tài chính phải tăng cường giám sát tốt hơn.
Có thể nói, quy trình cải thiện tính minh bạch bền vững thị trường đã và đang được thực hiện trên toàn khu vực. Điển hình, Hàn Quốc đã ra mắt một kế hoạch về hệ thống kiểm soát khí thải carbon. Tương tự, Việt Nam cũng đã thiết lập Hệ thống Chứng nhận Công trình Xanh cho từng hạng mục đầu tư cách đây vài năm và đang tiêu chuẩn hóa tính hiệu quả tối thiểu lượng năng lượng tiêu thụ cho tất cả các tòa nhà mới và các công trình công cộng lớn.