Trăn trở trước những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phát triển bất động sản và cơ quan quản lý nhà nước gặp phải trong công tác phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam, ông Phạm Minh Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị xanh Việt Nam - đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với PV Reatimes:
PV: Thưa ông, thời gian gần đây, rất dễ dàng để chúng ta bắt gặp cụm từ “Công trình Xanh” trên thị trường địa ốc, tại các buổi mở bán, hội thảo, tọa đàm, hay trên báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng. Ông có thể phân tích các lợi ích của Công trình Xanh đối với thị trường bất động sản?
Ông Phạm Minh Dương: Theo Hội đồng Công trình xanh Thế giới, Công trình Xanh đem lại nhiều lợi ích chung cho chủ đầu tư, chủ công trình và khách hàng như: chi phí cải tạo, vận hành và bảo dưỡng thấp hơn; hoàn vốn đầu tư nhanh; phí giao dịch thấp hơn; giảm diện tích trống; giảm thời gian ngưng trệ; tạo dựng thương hiệu và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Công trình Xanh cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), Công trình Xanh mang lại lợi ích cụ thể cho chủ đầu tư là giúp giá bán cao hơn, các chi phí thiết kế và thi công thấp hơn, tiêu thụ nhanh hơn.
Đối với chủ công trình, Công trình Xanh giúp thời gian khấu hao chậm hơn, tỷ lệ thuê tăng và giảm tỷ lệ khách hàng bỏ thuê.
Đối với khách hàng, Công trình Xanh giúp cải thiện sức khỏe và tăng năng suất làm việc. Công trình xanh cũng giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm lượng ước và năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, xử lý và tài chế chất thải hợp lý…
Có thể nói, việc phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường bất động sản, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh nhằm tạo lập những Công trình Xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Việc tạo lập một thị trường bất động sản xanh là mục tiêu, định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
PV: Nhiều lợi ích là vậy nhưng dường như để dư luận hiểu hết về khái niệm và những cái lợi mà Công trình Xanh mang lại thì vẫn còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa. Trên thực tế, tình hình phát triển Công trình Xanh Việt Nam tính đến hiện tại đang ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Minh Dương: Tại Việt Nam, ngành xây dựng là một trong những ngày tiêu thụ nhiều năng lượng, tài nguyên và phát sinh ô nhiễm môi trường. Khu vực xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay đang tiêu thụ khoảng 60% vật liệu tự nhiên, khoảng 30 - 35% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, 30% nguồn nước sạch. Đồng thời phát sinh khoảng 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây nên tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thực chất, phong trào Công trình Xanh đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam được hơn một thập kỷ qua nếu tính từ năm 2008 khi Tòa nhà văn phòng của Unilever tại TP.HCM được thiết kế theo tiêu chí Công trình Xanh Green Star (Úc). Tính đến nay, đã có hơn 60 công trình tại Việt Nam đạt các chứng nhận Công trình Xanh. Con số này rất khiêm tốn so với 125 Công trình Xanh tại Malaysia, 500 tại Đài Loan và 1.500 công trình tại Singapore.
PV: Con số Công trình Xanh của Singapore thực sự quá ấn tượng, theo ông vì sao đảo quốc nhỏ bé về diện tích này lại có thể làm được điều tưởng như phi thường ấy?
Ông Phạm Minh Dương: Đây cũng là một điển hình tiêu biểu. Bên cạnh việc đưa ra các chính sách phát triển mảng xanh đô thị, Chính phủ Singapore thậm chí đã luật hóa tính bền vững môi trường cho các công trình, liên tục đưa ra các chương trình phát triển Công trình Xanh trên quy mô cả nước.
PV: Vậy là có thể hiểu, sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ một phần đã giúp Singapore đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Tại Việt Nam thì sao thưa ông? Các cơ quan quản lý nhà nước đã có động thái gì cụ thể?
Ông Phạm Minh Dương: Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu và dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg năm 2012 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Bộ Xây dựng là một trong các Bộ được giao chủ trì thực hiện nội dung “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà”.
Cụ thể, tháng 9/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD về các Công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và có hiệu lực thi hành từ tháng 11/2013. Đây là bộ Quy chuẩn quan trọng và là công cụ pháp lý góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Năm 2016, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh trong ngành Xây dựng.
PV: Dù vậy nhưng chúng ta chưa luật hóa lĩnh vực này. Theo ông, liệu đã đến lúc Việt Nam cần học tập nước bạn và tiến hành luật hóa các quy chuẩn?
Ông Phạm Minh Dương: Có thể hiểu rằng, mỗi Công trình Xanh là một tế bào của đô thị, muốn có một đô thị khỏe thì tế bào cũng phải khỏe. Đôi lúc, một công trình có thể trở thành biểu tượng của cả một đô thị. Việc có nên luật hóa hay không, bên cạnh học hỏi các nước thì cũng nên căn cứ theo nhu cầu thực tế của Việt Nam. Do điều kiện của chúng ta rất đặc thù, nên nếu bây giờ nói rằng vì muốn làm như các nước mà luật hóa trên diện rộng thì tôi cho rằng chưa khả thi. Việc Bộ Xây dựng đưa ra Quy chuẩn 09 đã là một hình thức định hướng các nhà phát triển công trình tại Việt Nam. Còn luật hóa là một quá trình dài cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Ví dụ như nhìn vào Singapore, để có thể luật hóa tính bền vững môi trường của các công trình, họ đã phải trải qua một giai đoạn đưa ra các cơ chế khuyến khích. Chưa bắt buộc, mà mới chỉ khuyến khích. Đến khi thị trường phát triển đến một mức nhất định thì dần dần mới có thể luật hóa. Các dự án Công trình Xanh ở đảo quốc sư tử được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Với các khu vực bị hạn chế về chiều cao công trình và mật độ dân số thì các Công trình Xanh sẽ được ưu ái hơn; ngoài ra còn được vay vốn từ các quỹ tài chính với lãi suất thấp hơn, rồi thuế cũng được giảm xuống.
Nếu hiểu nôm na là có 2 giai đoạn cần phải trải qua, thì Việt Nam chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu là hình thành cơ chế khuyến khích thật tốt. Chúng ta mới chỉ đang bắt đầu “leo lên dốc” thôi.
Ở Việt Nam hiện tại, Quy chuẩn 09 hiện vẫn chưa thực sự được áp dụng nghiêm túc. Một số tiêu chí trong quy chuẩn hơi cao so với thực tế các doanh nghiệp có thể làm được, nên khả năng áp dụng của Quy chuẩn 09 là không được nhiều. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, một tiêu chí bắt buộc trong Quy chuẩn 09 là vấn đề tiết kiệm năng lượng phải được quản lý, giám sát tốt hơn. Các địa phương và doanh nghiệp cũng áp dụng Quy chuẩn này một cách thực tế hơn. Làm được vậy thì sẽ tốt hơn cho thị trường bất động sản Việt Nam.
PV: Ông vừa nói rằng một số tiêu chuẩn vẫn quá cao so với thực tế, phải chăng trong đó có vấn đề chi phí quá tốn kém?
Ông Phạm Minh Dương: Thực tế kinh nghiệm một số nước trên thế giới đầu tư xây dựng các Công trình Xanh đã cho thấy, trung bình các Công trình Xanh sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng 3 - 8% so với đầu tư thông thường, tùy thuộc vào mục tiêu đề ra.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện này còn đắn đo trước yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Chưa biết khai thác yếu tố “xanh” để xây dựng hiệu quả và quan ngại việc đầu tư Công trình Xanh sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, các Công trình Xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, và giúp giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng và 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Tính ra là hoàn toàn có lợi, tuy nhiên bên cạnh vấn đề chi phí thì còn một số thách thức khác đối với quá trình phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam.
PV: Đó cụ thể là gì thưa ông?
Ông Phạm Minh Dương: Trên thực tế, dù đã được chú ý nhưng phát triển đô thị xanh và Công trình Xanh hiện vẫn đang là một phần nội dung khiêm tốn trong chương trình quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Do vậy, việc cụ thể hóa thành kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương hiện chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển Công trình Xanh, đô thị xanh như một số quốc gia đã và đang tích cực triển khai. Chúng ta cũng thiếu các cơ chế ưu đãi tài chính, thuế, đất đai cho Công trình Xanh.
Ngoài ra, nhận thức của xã hội với các Công trình Xanh chưa thực sự đúng. Khách hàng vẫn chưa hiểu được những lợi ích của Công trình Xanh mang lại cho mình và cho môi trường.
PV: Vậy thưa ông, làm thế nào để tạo nên cuộc cách mạng Công trình Xanh tại Việt Nam?
Ông Phạm Minh Dương: Để thúc đẩy Công trình Xanh tại Việt Nam, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các đơn vị tư vấn, thiết kế; chủ đầu tư; chủ sở hữu; các tổ chức cấp chứng chỉ xanh; nhà thầu; các hiệp hội nghề nghiệp; các trường đại học; cơ quan truyền thông báo chí…
Đặc biệt là việc thay đổi nhận thức của xã hội về Công trình Xanh là yếu tố tiên quyết. Khi người dân hiểu được rằng số tiền họ bỏ ra để mua một căn hộ xanh, tại một Công trình Xanh là xứng đáng với những gì họ nhận được thì đến một giai đoạn chín muồi, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được chính người dùng đẩy lên và khi đó thậm chí chúng ta không cần phải ép buộc, các doanh nghiệp sẽ tự đi theo con đường này.
- Xin cảm ơn ông!