Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, Ban, ngành và nhân dân.
Theo Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 tuy đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, nhưng vẫn đang duy trì mô hình tổ chức chính quyền theo ba cấp. Điều này không còn phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy và yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết nhằm chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi giữa hai mô hình tổ chức.

TP. Thủ Đức. Nguồn ảnh: Thư viện Pháp Luật
Tờ trình cũng đề cập đến việc rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở.
Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất chuyển giao phần lớn nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện (gồm quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã) về cho chính quyền địa phương cấp phường.
Theo kết quả rà soát, dự kiến khoảng 85% nhiệm vụ, quyền hạn hiện do chính quyền thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhiệm sẽ được chuyển giao cho cấp phường thực hiện.
Đáng chú ý, Điều 48 của Dự thảo Luật sửa đổi nêu rõ: Từ ngày 1/7/2025, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện (bao gồm huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã) sẽ chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động.
Việc bỏ cấp huyện trong mô hình tổ chức bộ máy hành chính sẽ kéo theo việc tái cơ cấu 84 thành phố thuộc tỉnh và 2 thành phố trực thuộc thành phố.
Hiện tại, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 vẫn quy định đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, UBND các đơn vị này thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 19, bao gồm: Trình HĐND cùng cấp xem xét, ban hành nghị quyết; tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.
Về phía HĐND cấp huyện, hiện vẫn đang đảm nhiệm việc quyết định cơ chế, chính sách phát triển đô thị, hạ tầng, quản lý dân cư, tổ chức đời sống cộng đồng, đảm bảo trật tự công cộng và gìn giữ cảnh quan đô thị theo quy định pháp luật.