Theo đó, điểm số của Việt Nam được cải thiện thêm 2,2 điểm, đạt 55,3 điểm so với năm ngoái. Nguyên nhân có sự gia tăng này là nhờ vào sức khỏe tài khóa, tự do đầu tư và môi trường pháp lý.
Cụ thể, trong bản báo cáo ta thấy chỉ số Tự do kinh doanh (Business Freedom) tăng 0,3 điểm. Việt Nam đã và đang chuyển mình thành một nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Thủ tục hành chính đã được sắp xếp hợp lý. Các quy định khuôn khổ cho doanh nghiệp nhỏ đã được cải thiện.
Chỉ số tự do lao động (Labor Freedom) tăng 2,4 điểm. Thị trường lao động đã trở nên linh hoạt và năng động hơn. Người lao động Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh kỹ năng chuyên sâu, cải thiện khả năng ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh Việt Nam đang được nhận định là "công xưởng mới của Thế giới".
Nhưng tự do tiền tệ (Monetary Freedom) lại rớt tới 6,5 điểm. Lý do là vì Chính phủ đã thắt chặt kiểm soát giá đối với du lịch hàng không, năng lượng, tiện ích, tài nguyên thiên nhiên, dược phẩm, giáo dục, y tế và nhà ở trong năm 2018 để chống lạm phát.
Heritage cũng cho biết tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 200,3% GDP. Thuế suất áp dụng trung bình là 2,9% đã khiến điểm tự do thương mại tăng 0,5 điểm. Các hạn chế đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại hàng hóa đã từng bước được nới lỏng và có khoảng 30% người Việt trưởng thành sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, Heritage cũng đưa ra lời khuyên, để tăng trưởng mạnh mẽ Việt Nam cần tiếp tục cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra cần thu hẹp bộ máy quan liêu và củng cố lại hệ thống tư pháp để cải thiện tính tự do nền kinh tế.
Việt Nam cũng cần giảm chi tiêu công, thâm hụt ngân sách vì chi tiêu chính phủ đã đạt 24,9% GDP và ngân sách đã thâm hụt tương đương 5,7% GDP. Cải thiện được những điều này thì nền kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững.