Phát triển Công trình Xanh trên thế giới
Khảo sát của IFC mới đây chỉ ra rằng do lợi ích bền vững của các Công trình Xanh cũng như nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng, thị trường Công trình Xanh toàn cầu dự báo tăng trưởng ở mức 13% trong giai đoạn 2015-2020.
Trên thế giới ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị, phát triển đô thị mang tính bền vững. Công trình Xanh đang ngày một phát triển ở tất cả các nơi trên thế giới.
Các công ty xây dựng và các nhà phát triển BĐS đã và đang dịch chuyển hướng kinh doanh của họ tới Công trình Xanh, sẽ ngày càng nhiều Công trình Xanh so với hiện tại. Trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2012 – 2015, số lượng Công trình Xanh của các công ty xây dựng dự đoán tăng hơn 60%.
Một báo cáo của tổ chức World Green Building Council (WGBC) năm 2016 về xu hướng xanh hóa đô thị trên toàn thế giới (Wolrd Green Building Trends 2016 - Developing Markets Accelerate Global Green Growth) cho thấy, các tập đoàn đầu tư BĐS tại các nước phát triển đang có xu hướng tập trung vào các hình mẫu BĐS xanh bởi tính kinh tế về mặt chi phí đầu tư dài hạn, ảnh hưởng tích cực về mặt danh tiếng và biên độ tăng giá dự án khá nhanh (19% lên 27% trong vòng 3 năm, từ 2012-2015).
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, 40% của người dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ sống ở các đô thị và đến năm 2050, sẽ có tới 2/3 dân số sống trong các đô thị và đại đô thị. Còn theo Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu đã dự đoán, trong những thập kỷ tới, các nước châu Á sẽ dẫn đầu trên toàn thế giới về phát thải trong xây dựng do sử dụng năng lượng.
Châu Á là một trong những khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh hơn so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh để giảm lượng khí thải carbon, sự bùng nổ kinh tế ở châu Á cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và dân cư. Chính vì thế, đã có nhiều cuộc họp diễn ra ở châu Á và đã đạt được sự đồng thuận giữa các nhà chính trị, phát triển đô thị trong việc thúc đẩy Công trình Xanh ở Châu Á để giải quyết tình trạng ô nhiễm, giảm thiểu các tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Công trình Xanh không còn là yếu tố "nên có" mà đã trở thành công cụ cạnh tranh ở cấp độ cao cấp. Những tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang chạy đua đầu tư vào Công trình Xanh để duy trì lợi thế cạnh tranh này.
Quá trình phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam
Hiện nay, Chính phủ, các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đã quan tâm đến Công trình Xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường.
Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ ngành liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Việt Nam đang tận dụng sự phong phú của các nguồn năng lượng tái tạo bằng những cam kết phát triển công nghệ xanh. Năm 2011, Việt Nam đã hợp tác với Đan Mạch nhằm nâng cao kiến thức và phát triển công nghệ xanh để đối phó với biến đổi khí hậu.
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn nhưng cho đến nay, số lượng Công trình Xanh của Việt Nam vẫn rất ít. Tại TP.HCM hiện mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận Công trình Xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, hai công trình được chứng nhận Công trình Xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam là nhận thức sai lầm rằng xây dựng Công trình Xanh đòi hỏi mức chi phí đầu tư cao hơn 10 - 30% so với công trình thông thường.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư Công trình Xanh một cách cụ thể tại thị trường Việt Nam. Các ban ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn tại nước ta hiện nay.