Aa

Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh, bị bỏ xa trong khu vực

Thứ Năm, 01/11/2018 - 20:20

Mặc dù có điểm số cao hơn năm ngoái nhưng Việt Nam vẫn tụt 1 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Theo “Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách” (Doing Business 2019) của World Bank, Việt Nam đạt 68,36 điểm tăng 1,59 điểm so với năm ngoái, tuy nhiên về xếp hạng lại tụt 1 bậc, ở vị trí 69/190 nền kinh tế.

Xét trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với những cái tên đứng đầu như Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).

Với 10 chỉ số đánh giá, Việt Nam có 7/10 chỉ số tăng điểm nhưng xét về thứ hạng chỉ có 4/10 chỉ số gia tăng vị trí bao gồm: Khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện, đăng kí tài sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Tiếp cận điện là chỉ số gây chú ý nhất trong các chỉ số Việt Nam được đánh giá khi tăng tới 37 bậc trên bảng xếp hạng, dừng ở vị trí 27/190.

Mặc dù có sự tụt hạng nhưng Việt Nam vẫn được World Bank đánh giá là nền kinh tế có nhiều cải cách cùng với Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hồi giữa tháng 10 cũng trong tình trạng tương tự khi tăng điểm như sụt giảm 3 bậc.

Báo cáo của World Bank ghi nhận, các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục có sự cải cách mạnh mẽ, tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Trong 25 nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có 2 nền kinh tế lọt vào top 10 thế giới là Singapore và Hồng Kông. Với kỷ lục 7 cải cách trong năm qua, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu.

Bà Rita Ramalho, Quản lý cao cấp nhóm Chỉ số toàn cầu của World Bank, nhóm biên soạn báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá: “Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Với đà cải cách tiếp tục được phát triển, các nền kinh tế còn tụt hậu trong khu vực sẽ có cơ hội học hỏi những thực tiễn tốt từ các quốc gia lân cận”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top