Aa

Việt phủ - không gian sáng tạo, nơi lưu giữ nét văn hóa hồn cốt người Việt

Thứ Tư, 24/08/2022 - 06:15

Việt phủ là sự sáng tạo của người nghệ sĩ, là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với mục đích cuối cùng là tạo dựng một không gian lưu giữ giá trị cao nhất về tinh thần cốt lõi văn hóa nghệ thuật của người Việt.

Việt phủ Thành Chương được xây dựng ở vùng núi Sóc Sơn cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Họa sĩ Thành Chương, chủ nhân của Việt phủ cho biết: “Trong tâm trí tôi lúc nào cũng yêu quý những gì liên quan đến văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông, chính vì vậy từ khi còn nhỏ tôi đã dày công sưu tầm tất cả những thứ liên quan đến văn hóa của người Việt.

Tôi nhận thấy di sản văn hóa nghệ thuật của cha ông rất lớn, nhưng trải qua bao năm tháng, do thiên tai, chiến tranh, do ý thức của con người qua nhiều thời kỳ, di sản to lớn đó mất đi khá nhiều. Cho đến bây giờ, chúng ta cứ nói đến di sản văn hóa nghệ thuật đó, muốn gửi đến con cháu sau này biết được di sản của cha ông, muốn giới thiệu đến các bạn bè trên thế giới những di sản đó, vậy phải làm thế nào?

Chính vì hiểu được điều đó, và thấy trách nhiệm của mỗi chúng ta, mỗi người một chút nhằm giữ gìn những nét văn hóa vô giá đó của cha ông. Tôi rất muốn bằng tình yêu và trách nhiệm ấy làm được một khu bảo tồn và phát triển, tôn vinh văn hóa truyền thống của người Việt.

Khi có suy nghĩ và thực hiện được ý tưởng tạo dựng không gian như thế, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là mô hình của nó sẽ thế nào? Đây là điều mà tôi trăn trở, tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ, lên ý tưởng tìm tòi.

Để nói về văn hóa truyền thống của người Việt, ai cũng nghĩ chúng ta có 54 dân tộc, và những gì thuộc về 54 dân tộc thì ta đưa vào trưng bày, nhưng thực tế việc này không thể làm được, làm sao có thể đưa hết tất cả nhưng thứ văn hóa truyền thống liên quan đến 54 dân tộc về cùng một nơi? Vậy hãy chọn những cái tiêu biểu nhất, và cái gì là tiêu biểu nhất thì cũng có nhiều tranh cãi, điều này cũng rất khó. Chính vì thế, bài toán đưa tất cả về cũng không được, mà chọn tiêu biểu cũng không xong.

Sau này trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi suy nghĩ qua thực tế, có cái gì đó như mách bảo, tôi nhận thấy bằng những hiểu biết của mình về truyền thống của cha ông, từ những vốn liếng mình sưu tầm được, những chất liệu mình đã có trong tay, những thứ liên quan đến văn hóa nghệ thuật truyền thống. Trên tất cả bằng sự sáng tạo của mình, bằng sở trường, sự hiểu biết của một nghệ sĩ, tôi thấy mình cần sáng tạo, tạo dựng ra một không gian bảo tồn, tôn vinh văn hóa Việt”.

Cây cầu đá trên ao sen nhỏ với lầu thưởng trà.

Cũng theo họa sĩ Thành Chương: “Điều đặc biệt của Việt phủ chính là sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nếu mọi người đến đây với hy vọng sẽ tìm những ngôi nhà chuẩn xác của người Kinh thế nào, của người Mường, người Thái, người H’Mông… ra làm sao thì điều này hoàn toàn không có ở Việt phủ. Nếu mọi người muốn biết những cái đó một cách chính xác theo cách học thuật thì xin mời đến bảo tàng Dân tộc học.

Việt phủ không phải như bảo tàng, mà nơi đây là sự sáng tạo, là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, và trong tác phẩm đó với mục đích cuối cùng là tạo dựng một không gian lưu giữ giá trị về tinh thần văn hóa nghệ thuật Việt, chứ không phải chỉ lưu giữ ngôi nhà, những thứ cụ thể của văn hóa Việt.

Từ tinh thần đó, mọi người sẽ cảm nhận được, sẽ thưởng thức nó thông qua một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, nơi đây lưu giữ những hồn cốt, những giá trị tinh thần văn hóa nghệ thuật của người Việt. Đây là những nét đặc trưng, rất độc đáo được sắp đặt tại Việt phủ. Mọi người đến đây rất thích và cảm nhận được nơi đây đã bảo tồn được một không gian, tinh thần của văn hóa Việt từ cảnh quan sinh thái, tới chốn tâm linh, nét kiến trúc, đời sống hàng ngày của Người Việt. Mọi thứ đều toát lên tinh thần, đúng đây là văn hóa Việt.

Như tôi đã nói, ở đây là lưu giữ về giá trị tinh thần dân gian, chứ không phải là những thứ thật cụ thể như nghiên cứu bảo tồn, mọi người sẽ tìm thấy sự giao thoa giữa đất trời, thần phật, cỏ cây, con người hòa đồng, đó chính là tinh thần cao nhất, đẹp nhất, cốt lõi nhất của văn hóa Việt”.

Hồn cốt văn hóa Việt

Ngay từ cổng vào, khu Việt phủ đã gợi ra vẻ đẹp của cổng làng cổ vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bên cạnh là cây đa cổ thụ, mang đậm hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt. Các con đường trong phủ được lát gạch Bát Tràng, theo từng bước chân du khách có cảm giác đang đi qua từng thời kỳ của nước Việt ta ngày trước với nhà tranh mái lá, chum nước và những mảng tường rêu phong cổ kính.

Không chỉ có những nét mộc mạc, khắc khổ, Việt phủ Thành Chương còn có những công trình xây dựng với kiến trúc xa hoa của triều Nguyễn, ngôi nhà không chỉ để thể hiện địa vị, gia thế của thời kỳ đó mà còn cho người ta thấy được con mắt nghệ thuật của gia chủ. Dạo quanh Việt phủ, mọi người sẽ cảm nhận thấy được không gian lịch sử như ùa về trong ký ức, bạn sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ với những tên gọi như lầu Tường Vân, nhà Thanh Tĩnh, cổng Hương, nhà Mạc Hương, quán Xuân Phong…

Nơi đây còn tập hợp tất cả kiến trúc liên quan như tháp, bàn cờ, hồ sen, nhà hát, phòng tranh… Ngay đầu cổng vào, du khách sẽ được ngắm ngôi nhà hàng trăm năm tuổi của người dân tộc Mường mái lợp bằng sợi cói rối; ngôi nhà cung đình Huế có tuổi đời hàng trăm năm, hay ngôi nhà gỗ lim đậm màu đồng bằng ven biển Bắc Bộ.

Lối xây dựng hiện đại kết hợp với lịch sử dân tộc từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê…, Việt phủ Thành Chương không chỉ gợi nhớ về một cội nguồn lịch sử dân tộc hào hùng mà còn mang trong mình vẻ đơn sơ, giản dị, mộc mạc đầy trầm tĩnh của những người dân Việt Nam xưa. Con đường lát gạch đất nung đỏ sẫm nối tiếp những tòa tháp, hay những đầm sen nhỏ ẩn nấp giữa những lùm cây được nối với bờ là cây cầu đá cong cổ xưa. Mỗi khi muốn dừng chân nghỉ ngơi, khách du lịch có thể ngả lưng trên những chiếc chõng tre nơi góc sân dưới tán cây cổ thụ, nhâm nhi chén trà xanh để hòa mình giữa phong cảnh yên bình, lãng mạn.

Việt phủ đón vị khách đầu tiên đến thăm sau khi hoàn thành chính là Hoàng hậu Thụy Điển Silva. Những vị khách đặc biệt này đã đến thăm và dùng bữa cơm thân mật với gia đình họa sĩ Thành Chương ngay tại Việt phủ.

Ngôi nhà có tuổi đời trăm năm của người dân tộc Mường, mái lợp bằng sợi cói rối.
Hiên nhà được xây bằng gạch đỏ với bình phong bằng tre.
Lối xây dựng kết hợp với lịch sử dân tộc từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê…
Ngôi nhà có bức hoành phi treo trên cửa ra vào.
Cầu ao làm bằng đá.
Những ngôi nhà 3 gian được xây bằng đá ong kết hợp với gỗ.
Giếng nước với thành giếng làm bằng cối đá.
Những cổng làng cổ đặc trưng của người Việt.
Tháp Sơn Tĩnh, một trong những ngọn bảo tháp tại Phủ.
Ngôi nhà 5 gian với sân nhà lát bằng gạch đất nung đặc trưng của người Việt.
Không chỉ có những nét mộc mạc, khắc khổ, Việt phủ Thành Chương còn có những công trình xây dựng với kiến trúc triều Nguyễn.
Cầu ao làm bằng đá và nhà thủy đình nơi có hoạt động múa rối nước.
Bên trong những ngôi nhà cổ.
Những vật dụng sinh hoạt đặc trưng của văn hóa Việt.
Những ngôi nhà với kiến trúc cổ được làm bằng gỗ.
Không gian tâm linh của người Việt.
Những ao sen với cầu đá.
Những vật dụng như chum nước, cây đa đều có mặt nơi Việt phủ.
Hiên nhà nơi người Việt thường ngồi uống trà.
Lầu đón gió trong Việt phủ.
Ao sen nhỏ nơi góc vườn của người Việt.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top