Viết từ khi chưa đặt bút

Viết từ khi chưa đặt bút

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Ba, 07/12/2021 - 06:15

Nhà thơ Nguyễn Quyến bảo với tôi: Nghe các ông ý nói nhưng đừng làm theo những gì các ông ý làm…

Các ông ý ở đây là nhóm nhân sĩ ở Hà Đông, những người các năm trước có nhiều buổi tối hẹn nhau ngồi café ở quán gần phố chợ Hà Đông. Một con phố khi tối trời thì vắng vẻ, thanh lặng, trước khi tràn về làn sóng café ở một số quán lân cận thiết kế thật phong cách, dành cho giới trẻ. Quán café theo lối phổ thông, đại chúng ấy có tên 555, với vợ chồng ông bà chủ quán cao tuổi hơn nhưng còn khỏe mạnh, lúc nào cũng trân trọng chào hỏi các văn nghệ sĩ.

Ngồi trên hè quán bên này nhìn sang khối cơ quan thị ủy của thị xã Hà Đông trước kia ở bên kia mặt phố nhỏ, thấp thoáng sau tầng cây lá, tòa nhà cũ xưa từng là nơi làm việc của quan tổng đốc tỉnh Hà Đông thời phong kiến thực dân Hoàng Trọng Phu.

Phía sau khối nhà công quyền đan xen cũ mới ấy, tiếp một phố nữa, không nhìn thấy nhưng nhà thờ Hà Đông trăm tuổi nếu tính khoảng cách thì rất gần, chỉ vài trăm mét. Chốc lát từ phía ấy lại gióng lên hồi chuông vang ngân những buổi tối trong mát. Ngang ra phía này, dãy phố còn lại tòa nhà kiểu Pháp, mấy rìa mái ngói cũ, vài shop hàng mới lòe đèn. Ngược về đằng kia, chợ Hà Đông tồn tại dài qua thời chiến, thời bao cấp, thời đổi mới trên nền đất vùng chợ xưa cũ, vẫn họp các phiên trong tháng, nửa mang nét mới xây tầng bề thế, hàng hóa hiện đại, dịch vụ ăn uống, sửa chữa tưng bừng; nửa pha nét truyền thống người ven thị, sản phẩm làng mạc những làng xung quanh, gần xa tụ về. Quanh mấy khu phố cũ, chợ lâu năm này, bước một đoạn là đã gặp những mặt cắt thời gian rõ lắm, ngày xôn xao, tấp nập; đêm lộng gió tán bàng rung rinh những lỗ thủng lá, những thân xà cừ cổ thụ vươn cành lá um tùm đen thẫm dưới bầu trời nhờ nhờ trắng.

Giữa một Hà Đông vắng nhỏ ấy của một Hà Đông to rộng hơn với giá cả đất cát đang lên mà địa giới đã lấn sang các huyện lân cận - Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, nhóm nhân sĩ Hà Đông ngồi nói chuyện nhiều buổi tối. Bốn mùa, cả những hôm lạnh buốt cắt, mưa rả rích vẫn có thể hẹn nhau được, vì có nhiều chuyện để kể, nhiều ý nghĩ cần chia.

Tôi ngồi nghe là chính, chuyện nghề viết, nghề diễn, chuyện thời sự văn chương, hậu trường văn nghệ, chuyện nhà hát này, công việc tờ báo nọ, sự kiện của hội nghề ấy, những chuyến đi, những gặp gỡ, cuốn sách sắp ra, số báo đang làm, việc hiếu hỷ ở nhà quê, chuyện người, chuyện tín ngưỡng, tâm linh làng tôi, làng bác, cả những chuyện ốm đau mệt nhọc đời thường, việc kinh doanh, xen trong những mong muốn nao nức cho cái gì đó mới hơn, khác hơn của đời sống văn nghệ.

Rất nhiều câu chuyện đã nói ra, đã trôi đi, trôi qua, không thể nào nhớ cả. Chỉ có cái không khí say sưa đến miên man của những người đàn ông trung niên rù rì, thủ thỉ, bổng trầm bên bàn nước trong mờ mờ nửa tối quện mùi café, mùi khói thuốc là vẫn còn nguyên khi nghĩ lại. Một không khí sống và mở mà mỗi lần nhập cuộc - không, chỉ có mặt và thấm đượm chứ không phải khi nào cũng hòa nhập được, tôi lại nạp thêm cho mình.

Một ý tưởng được nói ra, nó như gợi chủ đề cho một cuộc trò chuyện mới. Câu chuyện đi tìm gốc gác họ Trịnh mấy trăm năm trước của ông Trịnh Hữu Sỹ - trưởng họ Trịnh làng Đa Sỹ hôm nay, vào tận Vĩnh Lộc - Thanh Hóa sau mấy lần mới gặp được những người chung gốc gác mà từ đất ấy khi xưa, đã có gia đình rời ra Đa Sỹ lập nghiệp. Ký ức những ngày năm 1979 khi chiến tranh hiện diện ở bản Pác Thay thuộc huyện Trùng Khánh - Cao Bằng của họa sĩ người Tày Hoàng A Sáng. Những chuyến đi Mỹ, chuyến đi Cô-lôm-bi-a, Na Uy… của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như một sứ giả văn chương cho tinh thần mới từ đất Việt, cũng là sứ giả của chính cái mạch chảy sáng tạo luôn cuồng nhiệt trong con người ông… Chuyến đi nào, câu chuyện nào cũng hào hứng, thường được kể lại với nhiều chi tiết sống động. Ông Thiều tả không khí khi tham dự Festival thơ ở Cô-lôm-bi-a; giữa một thành phố đầy rẫy tội phạm và ma túy, đã có những cuộc đọc thơ thật đặc biệt. Và ở bên kia phố khi vẫn có thể xảy ra những cuộc truy đuổi, nổ súng, thì ở bên này, tiếng đọc thơ, tiếng những người ngồi nói chuyện về thơ, vẫn vang lên sôi nổi.

Nhà thơ, đạo diễn chèo Lương Tử Đức - bố vợ tôi, kể chuyện hồi đoàn chèo Hà Tây trước kia đi diễn ở các làng xa, có những khi nam diễn viên phải canh chừng, có khi phải đánh nhau với trai làng vì cánh đó trêu ghẹo diễn viên nữ. NSƯT, họa sĩ Chu Lượng thỉnh thoảng kể những công việc ở Nhà hát múa rối Thăng Long của ông, nơi suốt thời gian dài, sân khấu sáng đèn tất cả các ngày trong năm. Và ông Lượng thường từ nhà hát bên Hồ Gươm về đến quán café muộn hơn, khi mọi người đã ra được một lúc, bởi khi đó ông mới xong ca diễn tối.

Nhà thơ Dương Kiều Minh khi còn chưa mắc bệnh trọng ra đi, vẫn điềm đạm ngồi kể câu chuyện làng quê trung du của ông. Có cảm tưởng như “từ trường thơ” của ông đã “bủa vây” chính tác giả, để thi nhân thường trực ở trong trạng thái mơ màng mình thêu dệt nên. Thỉnh thoảng, nhà thơ - bác sĩ Trần Đăng Huấn có mặt, sốt sắng, chu đáo, thỉnh thoảng những câu thơ vang lên cho mọi người cùng nghe. Thơ của bác sĩ Huấn không dao kéo, không dịch bệnh, không thấy những vết thương cơ thể hay thương tích đời người, mà có niềm thanh mát của sen, của cỏ và những sớm ngày mặt nước.   

Một góc xưa của Hà Đông

Và vì hầu hết các nhân sĩ Hà Đông đều có gốc gác, quê quán ở miền đất Hà Tây cũ này, cũng đều đang sống ở Hà Đông, nên nhiều câu chuyện có nhắc đến đời sống xã hội, văn nghệ Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình một thời, những con người, những số phận, những buồn thương, ấu trĩ, những gì mà mọi người đã cố gắng hơn mức bình thường để vượt qua những năm khó khăn, để trưởng thành và thành công hơn, để sống với chí hướng văn chương nghệ thuật.

Những câu chuyện ấy trở thành thôi thúc, để tự mình, tôi phải nghĩ một điều gì mới, khác. Ít nhất là từ sự liên hệ mọi người đến mình, như ai đó có một sản phẩm, một kế hoạch sẽ làm, một công việc đang diễn ra, thì mình cũng phải chiếu vào mình xem đang có gì. Hiệu quả khác, là trong cách nói, cách diễn đạt của những người quanh mình, có những cách dùng từ, dựng hình ảnh, lập luận khiến mình thấy lý thú. Nó có thể trở thành một thứ kỹ thuật, kỹ năng để mình tham khảo.

Ngược lại, có những cái khác, cái riêng của ai đó đã như một đặc trưng, một thế mạnh, để mình mài giũa sắc thêm những chữ nghĩa gì mình đã có, cho khỏi lẫn, khỏi trùng, khỏi giông giống, nhang nhác. Để có thể cùng đi mà không bị nhòa lẫn. Nhà thơ Nguyễn Quyến có dặn vui tôi là đừng làm theo những gì các ông ý làm, cũng là ở cái ý rằng mỗi người có đường đi và lựa chọn của mình, làm giống người khác sẽ khó nên điều gì đáng kể, bởi mình không ở hoàn cảnh, tình huống, cũng như không mang tri thức, kinh nghiệm của họ. Cái “lý lịch sống”, “lý lịch nghĩ” của mỗi người, quả thực, làm sao giống nhau được!   

Nhưng có cái ý thơ của Nguyễn Quyến trong tập “Mưa ban mai” đầu tay của anh gây cho tôi niềm cảm động, mà cái liên tưởng mạnh mẽ, lãng mạn, lại thiết tha trong đó khiến mình thấy rất nên tham khảo. Đó là một câu thơ của anh hỏi, có phải con là chòm sao con cua chạy trốn chòm sao con vịt mà rơi vào lòng mẹ. Quả là một ý nghĩ ngời sáng! Tất nhiên, không phải từ đó mà mình viết ra cái ý theo kiểu tôi là con chuồn chuồn ớt bị thằng bé cầm cái vợt ni lông đuổi mà bậu vào ống đèn tuýp nhà ai đó. Mà điều gì tinh khôi, ngời ngợi như thế, là cái không gian, không khí rất nên có lúc tạo ra trong thơ mình.

Nhà văn, họa sĩ A Sáng kể những câu chuyện mà ở đó chất hồn nhiên và bản năng cứ trào ra. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói với chúng tôi những mong muốn và dự định nóng hổi, khiến cho tôi hay tự hỏi mình làm cái gì đến đâu rồi. Sau này trong lễ khai mạc triển lãm tranh của ông, thay mặt nhóm Hà Đông, ông Trịnh Hữu Sỹ nói, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong có 48 tiếng một ngày, để làm được nhiều việc mà ông muốn.

Họa sĩ Phạm Long Quận đã sớm từ biệt mọi người rồi, nhưng hồi đó, anh như lúc nào cũng bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước mọi việc, như thể lần đầu tiên được khám phá. Vậy mà chính con người vạm vỡ ấy, như lời anh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại, từng có cả năm trời gần như chỉ ăn xoài ở Cuba. Và anh có một đứa con trai ở Mỹ mà trong thời gian dài không gặp được. Bài thơ của Phạm Long Quận về con, về những cây xoài trên phố với những liên tưởng như mình sống trên cái cây ấy, trên cành, trong lá rụng, trong những quả xoài ấy, đọc trong một lần nhà thơ Y Phương vào chơi thăm nhóm nhân sĩ Hà Đông, làm cho ông khóc.  

Những cái trạng thái của một ai đó trong hồi tưởng, trong liên tưởng, trong ý đồ sáng tạo thường để lại những ấn tượng nhất định. Tôi gọi những gì mà từ đó mình cảm thấy được thôi thúc, gợi mở, được tháo cởi, là những bước tích lũy, chuẩn bị về ý muốn, xúc cảm. Nhiều khi có thể coi đó như những trang viết đã mở ra khi mình còn chưa có câu chuyện, ý tứ nào; là những gì mình bắt đầu viết khi chưa đặt bút xuống. Đó là cái cảm, cái dồn đẩy, mời gọi, có khi vẫn còn mơ hồ. Nhưng từ đó nó có thể giúp mình hình thành được những ý đồ cụ thể hơn, về một triết lý nào đó, một cái tứ về đời sống, đời người, thiên nhiên…, rồi dần hiển hiện ra các chi tiết, đồ vật, hình ảnh, cảm giác, chuyển động. Sau đó mình sẽ tìm ngôn từ để biểu hiện trong khi viết.

Thực ra là không chỉ ở quán café 555 mà mọi người gọi là café Paris Hà Đông ấy, mà sau một thời gian, nhóm nhân sĩ chuyển sang ngồi ở quán café đối diện bên này, dưới mái ngói một ngôi nhà cũ. Về sau, nhóm lại thường gặp gỡ café ở tại nhà hay một quán khác xa hơn, cũng ở Hà Đông. Nhưng chỗ nào cũng vẫn ẩn chứa, âm ỉ, cũng khởi lên hơi nóng của những cuộc trò chuyện, bàn luận. Nên tôi nghĩ về quán café ấy như một đại diện chung cho nhiều nơi gặp gỡ của các nhân sĩ Hà Đông với cái không khí say mê thường trực.

Những cuộc café đó, cách đây chưa lâu, trong khoảng chục năm, hơn chục năm qua. Và qua những tháng ngày dịch bệnh bủa vây này, sẽ lại tiếp diễn. Những ý nghĩ về sáng tạo, về những công việc do dịch bệnh mà chưa làm xong, chưa bắt đầu, sẽ lại nóng hổi. Nhiều lần nghĩ đến, nhớ lại cái không khí ấy, cảm thấy như mình vừa ở quán café Paris Hà Đông về thôi. Cảm thấy một câu hỏi đang nóng lên trong người, dù trời đang lạnh. Tôi nhớ những lần đi làm về, vòng ra quán café ấy ngồi và viết cái gì đó, rất hào hứng. Một bài thơ mà tôi không nhớ có phải làm ra ở quán đó không, nhưng chính là viết về nơi này:

Café Paris Hà Đông

Nơi lá bàng rơi tiếng người

Mùa nối mùa vị đắng thơm sực

Người lạ đến tự thấy ấm áp

Phảng phất ánh nhìn mái che

Tiếng ho khói bay giọng nói

Cười khàn khàn mưa phùn
 

Lượn khắp phố những mắt

Những người ngồi đấy

Tối tối bật mầm

Tối tối khô vụn

Xanh màu bàng

Rêu phong màu phố

Kỳ dị màu chiều

Lang thang như gió

Mê đắm như lưỡi không ngừng yêu không ngừng chảy máu

Những người vắng bóng hoá thân bàn ghế

Ngửa mặt tràn lan cốc tách

Cúi mặt tiếng rót nước

Ôm mặt lá rụng

Vài chục năm, chủ toà nhà mới không mở quán

Đêm tối vỉa hè vắng vẫn gió thì thào

Huy hoàng trong ánh đom đóm./.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top