Vietjet Air: Từ chuyến bay đầu tiên đến hành trình vươn cánh ra thế giới
Trở thành tập đoàn hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, phát triển dịch vụ hàng không, thương hiệu được khách hàng yêu thích và tin dùng là những gì Vietjet Air đã và đang đạt được trong suốt hành trình hơn một thập kỷ “bay”.
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Aviation Joint Stock Company) là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Từ bước đầu hình thành Công ty cho đến khi cất cánh được chuyến bay đầu tiên mang thương hiệu VietJet Air, Công ty đã phải trải qua hàng loạt thử thách của một sự khởi đầu gian nan.
Hãng hàng không tư nhân này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam thời điểm đó phê duyệt cấp giấy phép vào tháng 11/2007 và trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép bay.
Đến năm 2011, phải sau nhiều lần trì hoãn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008 - 2009, Vietjet Air mới có thể chính thức “chào sân” chuyến bay đầu tiên vào 4 năm sau khi có được giấy phép chính thức hoạt động..
Ngay từ thời điểm ban đầu, Vietjet Air đã tự đặt ra sứ mệnh khai thác và phát triển mạng đường bay rộng khắp trong nước, khu vực và quốc tế, mang đến sự đột phá trong dịch vụ hàng không, làm cho dịch vụ hàng không trở thành phương tiện di chuyển phổ biến ở Việt Nam và quốc tế.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của Vietjet chính thức cất cánh vào ngày 24/12/2011 đã mở ra thập kỷ mới cho ngành hàng không Việt Nam!
Sự góp mặt của Vietjet Air đã tạo nên xu hướng đi lại cho rất nhiều hành khách chưa từng có cơ hội, điều kiện để được đi máy bay.
Năm 2011, Vietjet Air xây dựng phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người". Tổng giám đốc của Vietjet Air – Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính là người đã tạo ra cuộc cách mạng lớn giúp trên 30 triệu lượt người có cơ hội tiếp cận quyền lợi đi lại bằng đường hàng không.
Trước khi quyết định đầu tư vào hàng không, bà Thảo và các cộng sự đã nhìn thấy nhu cầu vận tải hàng không tại Việt Nam cũng sẽ giống như các thị trường quốc tế và có sự nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình phù hợp. Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ.
Vietjet gắn liền với người dân Việt Nam với tên gọi “hàng không chi phí thấp”. Hàng không chi phí thấp chính là việc vận chuyển hành khách theo lịch trình, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất như tất cả các hãng hàng không bình thường khác, nhưng các dịch vụ cộng thêm như chỗ ngồi, hành lý, bữa ăn… sẽ linh hoạt do hành khách lựa chọn và trả phí theo nhu cầu của họ. Điều này có thể giúp hành khách tiết kiệm chi phí cần thiết.
Song song đó là kế hoạch mở hàng loạt đường bay trong nước và nước ngoài, góp phần giúp thị trường hàng không Việt Nam cạnh tranh hơn với chi phí đi lại ngày càng rẻ như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air là: “Hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình”.
Nhưng, không phải ai cũng biết, ban đầu, đề án của Vietjet Air là một hãng hàng không 5 sao. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng tiết lộ trong một bài phỏng vấn, tại một thời điểm gần Tết - khi họ chuẩn bị cất cánh, đội ngũ Vietjet Air đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao. Và câu hỏi của một bà mẹ già để có được một chiếc vé máy bay đã phải bán đi bao nhiêu tấn thóc để dành đã khiến bà trăn trở trong suốt quá trình còn lại của đề án.
Điều đó đã thôi thúc bà chuyển hướng sang một mô hình giá rẻ - một mô hình sẽ mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, qua đó sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch.
Lý giải về yếu tố quyết định lựa chọn mô hình khác biệt này, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Vietjet bày tỏ mong muốn mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được đi máy bay, an toàn, văn minh, tiết kiệm. “Chúng tôi khát khao làm một cuộc cách mạng về phương tiện đi lại cho người dân Việt Nam, đóng góp phát triển ngành Hàng không Việt Nam vươn tầm quốc tế”.
Ông Desmond Lin, Cố vấn cao cấp của Vietjet Air cho biết thêm, mô hình này xuất phát từ nhận diện tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp cũng như người dân đều có khuynh hướng cắt giảm chi tiêu, và chi phí vận chuyển là một trong những yếu tố được quan tâm đầu tiên. Vì thế mà hãng hàng không cước phí rẻ được cho là quyết định được nhiều người lựa chọn trong tương lai.
Để theo đuổi mô hình này, Vietjet Air phải cắt bỏ gần như toàn bộ các dịch vụ gia tăng trên mỗi chuyến bay, trong khi đây vốn là một trong những dịch vụ “cá kiếm” nhất của ngành này. Thay vào đó, hành lý, ăn uống trở thành dịch vụ hành khách lựa chọn trả tiền riêng tuỳ theo nhu cầu.
Khách hàng mục tiêu của Vietjet Air là những người có nhu cầu di chuyển bằng máy bay với chi phí thấp. Mục đích di chuyển của hành khách có thể là vì công việc, du lịch, vì gia đình hoặc đơn giản là vì muốn trải nghiệm cảm giác được đi máy bay.
Đã có những nghi ngại ban đầu về việc có hay không sự tỷ lệ thuận giữa giá rẻ và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là sự an toàn trong mỗi chuyến bay. Tuy nhiên, Vietjet luôn nhấn mạnh và đã chứng minh được rằng, mặc dù theo đuổi mô hình hàng không giá rẻ, nhưng Công ty luôn chú trọng đến chất lượng và đặt sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu.
Nhiều chuyên gia đánh giá sự xuất hiện của Vietjet Air đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như giúp cho 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều người chưa bao giờ mơ ước được đi máy bay.
Hàng triệu người dân, nhờ hãng hàng không này, lần đầu tiên được tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.
Với những người sáng lập và điều hành Vietjet, thành công của hãng không chỉ là những con số về lượt hành khách, về doanh thu mà còn có những giá trị lớn lao hơn thế, đó là hàng triệu người dân lần đầu được đi máy bay, là những vùng đất có cơ hội cất cánh khi đường bay được mở, là những thay đổi tích cực trên thị trường, để hàng không Việt hấp dẫn, năng động, đầy cạnh tranh…
Quyết định theo đuổi mô hình hàng không giá rẻ của Vietjet xuất phát từ những nhu cầu cực kỳ đơn giản của người tiêu dùng. Gần 15 năm phát triển và hơn một thập kỷ “bay”, mô hình kinh doanh này của Vietjet Air vẫn cho thấy tính ưu việt tuyệt đối mà nó mang lại; tạo nên hiệu quả cho không chỉ Vietjet mà còn mang lại cơ hội bay cho mọi đối tượng khách hàng.
Sau khi “khai mở” thị trường để đem đến cơ hội bay cho tất cả mọi người, bằng văn hóa trẻ trung, thân thiện và cách làm việc chuyên nghiệp, Vietjet đã nâng cao chất lượng chuyến đi, biến mỗi cuộc di chuyển thành cuộc trải nghiệm trên không cho mỗi hành khách.
Với sự tham gia của Vietjet, thị trường hàng không nội địa sôi động chưa từng có, mỗi ngày giữa Hà Nội và TP.HCM 60 chuyến bay cất cánh (cứ 15 - 20 phút là có một chuyến), 35 chuyến kết nối hàng ngày giữa Hà Nội và Đà Nẵng... cùng hàng trăm chuyến bay trong nước và quốc tế khác.
Vietjet không chỉ hướng đến các tỉnh thành trọng điểm mà còn hướng về các vùng hạ tầng giao thông còn khó khăn như khu vực Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên…, mục tiêu biến việc đi lại bằng đường hàng không trở thành phương thức đi lại phổ biến cho người dân trong và ngoài nước, kết nối giao thương, du lịch giữa các điểm đến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Vietjet đầu tư lớn cho những chỉ số kỹ thuật, an toàn khai thác, xây dựng hệ thống quản lý quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Từ quý I/2015 - 4 năm sau khi chính thức “mở cửa bầu trời”, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA đã trao chứng nhận An toàn khai thác IOSA cho Vietjet, trở thành hãng hàng không thứ hai (sau hãng hàng không quốc gia) và nằm trong số 16% hãng hàng không trên toàn thế giới được nhận chứng chỉ quan trọng này.
Trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển, Vietjet ngày càng khẳng định được vị thế của mình thông qua hàng loạt các hợp đồng, đơn hàng tàu bay “đắt giá”.
Tháng 9/2013, VietJet Air và hãng sản xuất máy bay Airbus đã ký hợp đồng đơn hàng hơn 100 tàu bay với giá trị hơn 9 tỉ USD – một đơn hàng khổng lồ gây chấn động Việt Nam của một hãng hàng không tư nhân mới chỉ bắt đầu chính thức hoạt động chưa gần 2 năm.
Đến năm 2015, Vietjet Air và Tập đoàn Airbus tiếp tục ký bản hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321 thế hệ mới, với tổng giá trị công bố 3,6 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2016, Vietjet tiếp tục gây tiếng vang khi đặt bút ký kết hợp đồng mua 100 máy bay B737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD được xem hợp đồng lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ trước đến nay, thậm chí được coi là một trong các hợp đồng lịch sử của hãng sản xuất máy bay Boeing.
Năm 2018, tại Hà Nội, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD.
Hàng loạt đơn đặt hàng tàu bay khủng, chưa kể các hợp đồng mua động cơ máy bay và bảo dưỡng tàu bay trị giá hàng trăm triệu USD khác đã thể hiện tham vọng phát triển của Vietjet Air, giúp nâng cao hiệu suất và phạm vi hoạt động để phát triển mạng bay của hãng, mang lại nhiều điểm đến quốc tế hơn nữa cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, thị trường có tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất thế giới.
Cất cánh với sứ mệnh hiện thực hóa giấc mơ bay cho hàng triệu người dân các nước, Vietjet đã nhanh chóng phát triển thành hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam và hiện thực hóa mục tiêu vươn xa ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, với đích đến trong tương lai gần là khu vực châu Âu.
Vietjet là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên mở ra những đường bay thẳng đến Bali và tiếp đến là Ấn Độ. Họ cũng là hãng có nhiều đường bay đến Đài Loan nhất. Nhiều đường bay quốc tế khác được mở ra, kết nối những thành phố du lịch Việt Nam với các thị trường lớn như Phú Quốc - Hong Kong (Trung Quốc), Đà Nẵng - Daegu.
Trong hành trình phát triển, Vietjet Air liên tục mở rộng mạng lưới bay và kết nối Việt Nam với thế giới ngày càng sâu rộng. Cùng với Thai Vietjet tại Thái Lan, Vietjet khai thác tổng cộng 197 đường bay nội địa tại Việt Nam, Thái Lan và đường bay quốc tế tới Singapore, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Những nỗ lực và sáng tạo tiên phong của Vietjet đã đem lại cơ hội du lịch, giao thương, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế… cho người dân Việt Nam.
Vào cuối năm 2019, Vietjet đã chào đón cột mốc phục vụ 100 triệu lượt khách nội địa và quốc tế.
Vietjet là nhà khai thác nhiều đường bay và chuyến bay nhất đến Hàn Quốc với 11 đường bay thẳng, 480 chuyến bay/tháng không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao kết nối các điểm đến hấp dẫn mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, giao thương và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia và khu vực. Song song đó, Vietjet Air cũng liên tục mở rộng mạng bay đến khu vực Đông Bắc Á…
Ngày 2/12/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Nga, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã công bố các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang tới Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga), dự kiến bắt đầu khai thác từ giữa năm 2022.
Doanh nghiệp muốn vươn xa nhất định cần có chiến lược và tầm nhìn đúng đắn, với mục đích hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu doanh nghiệp và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Cùng với đó là sứ mệnh mang những sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng cao ra thị trường thế giới.
Tất nhiên, muốn làm được như vậy, để Vietjet ghi dấu ấn đậm sâu với từng hành khách Việt nói riêng và hành khác quốc tế nói chung thì nỗ lực của từng nhân sự Vietjet đã luôn phải ý thức rõ trách nhiệm của mình để tạo được sức mạnh chung, khẳng định được thương hiệu Vietjet Air trên “bầu trời” trong suốt gần 15 năm qua.
Đúng như chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang từng chia sẻ với truyền thông rằng: "Thương hiệu là thực thể duy nhất có thể giúp doanh nghiệp đi ra nước ngoài và chinh phục người tiêu dùng nước ngoài, nổi bật và giao tiếp với từng cá nhân người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu”...
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng giá trị của một thương hiệu đối với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng: “Khi doanh nghiệp có tên tuổi, có thương hiệu, người tiêu dùng sẽ có sự tin tưởng nhất định. Thương hiệu được coi như một “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi; là một giá trị phi vật chất nhưng tạo ra giá trị thực cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng và ổn định được thương hiệu trên thị trường là rất cần thiết, nó quyết định sự tồn tại, phát triển và định hình giá trị của chính doanh nghiệp đó trên thị trường”.
Nhìn lại hành trình 15 năm thành lập và hơn một thập kỷ “bay”, VietJet Air có quyền tự hào về những thành tích “có một không hai” đã đạt được khi trở thành tập đoàn hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, phát triển dịch vụ hàng không, thương hiệu được khách hàng yêu thích và tin dùng; “nổi tiếng” với hàng loạt thương vụ hợp đồng tàu bay đắt giá…
Từ chuyến bay đầu tiên, đến nay, hành trình vươn cánh ra thế giới đã và đang được VietJet Air tiếp tục hiện thực hóa cùng sứ mệnh “bay cao, bay xa hơn nữa”.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Vietjet Air cũng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ hành khách và cộng đồng thông qua các chuyến bay giải cứu đồng bào, các chuyến bay vận chuyển miễn phí hàng hóa cho người dân vùng bị thiệt hại bão lũ miền Trung Việt Nam, tặng khẩu trang y tế cho người dân các nước Pháp, Anh, Đức, Mỹ…, lan tỏa tinh thần sống tốt, sống đẹp của người Vietjet đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Hoạt động cộng đồng, thiện nguyện đã trở thành trở thành một phần cuộc sống của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Vietjet, nhằm mang đến nụ cười, niềm vui cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, mồ côi.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet đã được vinh danh là 1 trong 110 nhân vật có ảnh hưởng nhất tại châu Á trong công tác thiện nguyện. Danh sách này được tạp chí danh tiếng của châu Á Tatler bầu chọn nhằm tôn vinh những nhân vật đi đầu trong việc “đem đến những thay đổi tích cực” cho xã hội trong năm 2020.
Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách này. Bà là người đưa ra sáng kiến chương trình “Chắp cánh yêu thương” để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu vùng xa.
Là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán nhưng CEO Vietjet từng chia sẻ rằng bà không rõ mình có chính xác bao nhiêu tiền. Đối với bà, tiền nhiều là phương tiện để giúp bà thực hiện được nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
Từ lâu, bà đã có tiếng là người rất hăng hái, nhiệt huyết trong các công tác thiện nguyện và dành mối quan tâm đặc biệt tới trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bà cũng là người đã truyền cảm hứng cho đội ngũ hàng chục ngàn nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước.
Mới đây, Vietjet đã cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em phát động chương trình Tết ấm cho em năm 2021, trao học bổng và các phần quà cho 1.000 trẻ em chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai lũ lụt, trẻ dân tộc vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Ninh Bình.
Trong năm qua, Hãng hàng không Vietjet của bà Phương Thảo đã thực hiện hàng trăm chuyến bay hồi hương Việt kiều về nước tránh dịch Covid-19; vận chuyển miễn phí hàng nghìn tấn hàng cứu trợ đồng bào thiệt hại do bão lũ tại miền Trung; chuyên chở miễn phí nhiều đoàn công tác phòng chống dịch, phòng chống bão lũ…
Bản thân nữ tỷ phú đã trích tiền cá nhân, thông qua sự phối hợp giữa Vietjet và cơ quan ngoại giao các nước, để tặng 2,5 triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ…
Trong mùa dịch, nhân viên của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã tổ chức các bếp ăn từ thiện dành cho những người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm, những người bị thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19 với hàng trăm nghìn suất ăn được phát.
Trước đó, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được tôn vinh là 1 trong 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á do Tạp chí Business Insider Australia bình chọn. Tập đoàn Sovico do bà đứng đầu vừa trở thành đối tác của Liên hợp quốc với các tổ chức thành viện là Unesco, Habitat, Unido... trong các hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng... cho một thế giới sáng tạo tương lai.
Dường như, dưới “thời đại” của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo, từ thiện không còn là hoạt động mang tính thời vụ, không phải khi nào xã hội gặp khó khăn thì những “ông bụt, bà tiên" mới xuất hiện mà Vietjet Air luôn xác định, từ thiện là một hình thức hỗ trợ xã hội tồn tại song song ngay trong cả những thời điểm bình thường!
Trong hơn một thập kỷ “bay”, Vietjet Air đã nhận được vô số các danh hiệu lớn nhỏ, cả trong nước và quốc tế trong đó có các giải thưởng vô cùng cao quý như nhận huân chương Lao động của Chủ tịch nước, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành... vì đóng góp mạnh mẽ của mình cho sự phát triển, đổi mới của ngành hàng không, du lịch cũng như những cống hiến, đóng góp cho xã hội thông qua hàng loạt hoạt động cộng đồng, thiện nguyện không ngừng nghỉ.
Sở hữu đội bay 78 chiếc bao gồm toàn bộ là các dòng máy bay thế hệ mới A320, A321 với công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hơn, phát thải khí thải ít hơn trong khi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất, Vietjet tự hào là một trong những hãng hàng không có đội tàu bay mới, tuổi bình quân 2 - 3 năm, mới nhất trong khu vực và thế giới.
Trong năm 2020 - 2021, Vietjet đã được trang đánh giá an toàn hàng không Airline Ratings vinh danh là Hãng hàng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới trong 5 năm liền (2017 - 2021).
Hãng được tạp chí về vận tải hàng không Payload Asia vinh danh là "Hãng hàng không vận chuyển hàng hóa trong khoang hành lý tốt nhất của năm" và "Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hóa tốt nhất năm".
Hãng cũng nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới về chỉ số sức khỏe hoạt động, tài chính; Hãng Hàng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới năm 2020; Doanh nghiệp tốt nhất ngành hàng không tại châu Á; Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam; Top 10 doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam…/.