Vietjet và khát vọng cống hiến của doanh nghiệp tư nhân ngành hàng không
Lời Tòa soạn
Trải qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã trỗi dậy, bứt phá và vươn lên với những bước chuyển mình lịch sử, trở thành một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng. Vị thế, tiềm lực, uy tín và năng lực cạnh tranh của quốc gia không ngừng được nâng cao. Diện mạo đất nước cũng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục, khang trang, hiện đại với sự xuất hiện của ngày càng nhiều công trình tầm cỡ, mang tính biểu tượng quốc gia…
Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và 2045 - kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước gắn chặt với quyết tâm khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được đặt ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đại hội xác định, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả những mục tiêu này đều nhằm hướng tới khát vọng một Việt Nam hùng cường, hiện thực hóa tâm nguyện xây dựng nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với thế và lực mới, với niềm tin vững chắc vào cơ đồ của đất nước, Việt Nam hoàn toàn có đủ tự tin để chinh phục mục tiêu phát triển cường thịnh đến năm 2045. Trong đó, tinh thần yêu nước, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ làm làm, sự trăn trở với vận mệnh đất nước trong mỗi cá nhân và từng thành phần kinh tế, nòng cốt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp chính là động lực và nguồn lực quan trọng, thôi thúc hành động mạnh mẽ và quyết liệt để đưa Việt Nam phát triển vững vàng.
Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) thực hiện Tuyến bài: "Dấu chân" thịnh vượng, bao gồm các bài viết về chân dung doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu truyền cảm hứng, vững chí lớn, đại diện cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới với tinh thần tiên phong, phụng sự, cống hiến, sáng tạo và hội nhập. Đó cũng là những thương hiệu quốc gia bền vững mà mỗi dấu chân trên hành trình của họ đều mang theo khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động, Vietjet Air - Hãng hàng không gắn liền với tên tuổi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã tạo nên những dấu ấn riêng biệt. Với triết lý kinh doanh "mang lại cơ hội đi máy báy cho tất cả mọi người", Vietjet đã tạo ra một "cuộc cách mạng" trong ngành hàng không, góp phần đưa Việt Nam vươn ra thế giới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
*****
Vietjet Air là hãng bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 2007 và chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT. Với phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người", Vietjet Air đã mở ra một trang mới của ngành hàng không, đồng thời mở ra cơ hội cho mọi người dân Việt được tiếp cận với máy bay - một phương tiện từng được coi là... xa xỉ đối với tầng lớp bình dân.
Để thực hiện phương châm này, bà Thảo đã chọn phân khúc giá rẻ khi bước chân vào lĩnh vực hàng không. Nhiều người nói rằng, bà Thảo đã khôn ngoan khi chọn phân khúc giá rẻ, bởi như thế sẽ khai thác tệp khách hàng hoàn toàn mới nên không sợ "đụng hàng". Mặt khác, giá rẻ mà bán được nhiều hàng thì doanh số sẽ cao và tổng lợi nhuận còn cao hơn giá cao mà bán được ít...
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết, còn thực tế thì không hoàn toàn dễ như vậy. Bởi hàng không là lĩnh vực đặc thù và có những đòi hỏi rất khắt khe, nhất là về an toàn bay; do đó gọi là giá rẻ nhưng điều kiện, tiêu chuẩn lại không chấp nhận "rẻ". Vì vậy, "rẻ" mà vẫn phải bảo đảm chất lượng, và rẻ mà vẫn có lãi mới là điều khó. Bởi thị trường vẫn là thị trường, cạnh tranh vẫn là cạnh tranh, không hề có sự nhân nhượng. Chính vì thế, bài toán đầu tiên cần giải vẫn là bài toán kinh tế. Vietjet Air đã từng bước giải được bài toán khó này.
"Khi nói đến kinh tế thị trường, hội nhập thì không thể không có kinh tế tư nhân; hay nói cách khác là không có kinh tế tư nhân thì không có kinh tế thị trường, không có cạnh tranh thì không có thị trường.
Sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đã đem lại màu sắc, hình ảnh rất khác của hàng không Việt. Trong nhiều cuộc hội thảo, tôi hay dùng từ “sự cạnh tranh”, chính cạnh tranh đem lại hiệu quả, lan tỏa, đặc biệt là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho đối tác, cho những khách hàng để sử dụng hàng không.
Cùng với đó là việc nâng cấp thương hiệu, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo những tiêu chuẩn quốc tế. Vậy nên các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đã trở thành một bộ phận hữu cơ, kể cả vận tải khách, vận tải hàng, tạo nên thị trường rất sôi động, không chỉ kết nối địa phương trong nước mà cả với thế giới.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Với sự xuất hiện của VietJet Air, thị trường hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã thực sự được vận hành đúng nghĩa. VietJet Air có một chiến lược "giá rẻ" rõ ràng, cùng với đó là sự vượt trội về năng lực quản trị và khả năng tối ưu hoá chi phí. Lãnh đạo của hãng hàng không này cho biết, chiến lược phát triển của VietJet Air là luôn cam kết đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách, nhằm tạo ra làn gió mới trong ngành hàng không. Thực tế, người Việt đã rất nhanh chóng đón nhận "làn gió mới" này của Vietjet. Minh chứng, chỉ trong giai đoạn 2014 - 2016 Vietjet Air đã chiếm 29% thị phần hàng không tại Việt Nam. Tính đến năm 2019, hãng hàng không này đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ 2 cất cánh.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là, với một loại phương tiện vốn đòi hỏi chi phí cao để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối và chất lượng dịch vụ tốt, vậy tại sao có thể phát triển với mô hình giá rẻ mà vẫn đem lại lợi nhuận.
Để giảm chi phí vận hành, Vietjet thực hiện quản lý vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về nhân công. Vietjet thực hiện bán vé qua mạng (tiết kiệm chi phí duy trì phòng vé/nhân viên bán vé), sử dụng một loại máy bay duy nhất (tiết kiệm tiền thuê nhiều chuyên gia khác nhau để bảo dưỡng và kiểm tra), hệ thống nhân viên vận hành gọn nhẹ và năng động hơn…
Vietjet thực hiện tối ưu hóa chi phí bằng việc chỉ khai thác duy nhất dòng tàu bay thân hẹp A320 và A321 và sau đó là thêm A330. Đây là dòng máy bay chuyên phục vụ tuyến bay ngắn (5 - 6 giờ bay), giúp Vietjet Air có thể quay vòng nhiều chuyến, đi về trong ngày, vừa giảm được chi phí vận hành, chi phí phụ tùng, bảo dưỡng, lại giảm được cả chi phí ăn ở cho đội bay.
Đây cũng là loại máy bay tiên tiến nhất, có tuổi đời trẻ giúp Vietjet tiết kiệm tối đa chi phí xăng (15%). Ngoài ra, để tối ưu chi phí, hãng bay cũng đã cắt giảm các chi phí hành lý đi kèm, bỏ suất ăn trên máy bay. Và điều này cũng được hành khách chấp nhận bởi nhờ đó mà họ giảm được giá vé.
Vậy làm sao để giá rẻ nhưng vẫn có lãi? Vietjet đã thực hiện bán vé máy bay 0 đồng, điều này làm tăng độ nhận diện thương hiệu và tiếp cận của khách hàng. Do đó, khi vé 0 đồng hết, khách hàng không ngần ngại bỏ tiền mua vé giá rẻ, vì dù sao cũng vẫn rẻ hơn thị trường khoảng 20 - 60%.
Bên cạnh đó, Vietjet thực hiện đẩy thời gian check-in lên sớm hơn khoảng 45 - 60 phút, nhưng mở cửa máy bay muộn hơn khoảng 20 phút. Điều này giảm thiểu rủi ro chậm chuyến vì đợi khách. Đồng thời, ngoài hành lý xách tay, các dịch vụ như ký gửi hành lý đã được tăng phí lên, để khuyến khích khách hàng hạn chế tối đa mang hành lý ký gửi; vừa giúp tiết kiệm cho hành khách, vừa tối ưu thời gian vận chuyển lên xuống, từ đó giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu cho máy bay.
Hay có chi tiết tưởng như nhỏ, nhưng ý nghĩa và hiệu quả của nó lại không hề nhỏ, đối với cả khách hàng và VietJet Air. Đó là việc dù hãng không phục vụ đồ ăn miễn phí cho khách hàng để tiết kiệm chi phí, giảm thời gian dọn dẹp vệ sinh; nhưng thay vào đó, ăn uống trở thành dịch vụ mà hành khách có thể lựa chọn theo nhu cầu. Thay vì các suất ăn đã tính trong giá vé chỉ với 1 - 2 lựa chọn và khách hàng "bắt buộc" phải sử dụng dù không hợp khẩu vị, vì đằng nào cũng tính trong giá vé, thì menu Vietjet có tới 9 món ăn nóng để phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng khách hàng của Vietjet Air.
Điều quan trọng là, dù giá bay rẻ, nhưng chất lượng dịch vụ không hề "rẻ", Vietjet đã xây dựng bộ máy nhân lực với trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng chi trả lương, thưởng tốt để cán bộ công nhân viên an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ vai trò của mình, và quan trọng là đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Quay trở lại phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người", chắp cánh ước mơ bay cho người Việt, ít ai biết quá trình hình thành và phát triển của Vietjet mang theo nhiều câu chuyện khá bất ngờ và thú vị.
Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ, ban đầu, đề án của Vietjet là một hãng hàng không 5 sao chứ không phải "giá rẻ". Nhưng, trong một chuyến đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có một bà mẹ hỏi: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế còn để dành". Trước câu hỏi đó, bà Phương Thảo đã quyết định chuyển sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ, với mong muốn đưa loại phương tiện di chuyển vốn dành cho giới thu nhập cao đến gần hơn với những hành khách bình dân. Họ có thể là nông dân, công chức, người thu nhập thấp, nhưng với nhiều mức từ 0 đồng đến giá rẻ, bất cứ ai cũng có thể bước lên các hành trình của hãng hàng không Vietjet Air để hiện thực hóa ước mơ bay. Và, khi nhiều người dân Việt được chắp cánh thực hiện ước mơ bay, cũng chính là lúc bà Phương Thảo không những thực hiện được ước mơ của mình là giúp cho những người dân bình thường như bà mế kể trên được bước chân lên một loại phương tiện hiện đại mới chỉ thấy trong... giấc mơ, mà còn là giúp Vietjet Air giải được bài toán kinh tế giá rẻ nhưng có lãi. Đồng thời, với việc mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, lại kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.
"Hàng không có một sức cuốn hút mãnh liệt, không phải hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận mà là những thay đổi mang đến cho kinh tế, đất nước, vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới đến với Việt Nam. Thách thức vô vàn, nhưng đã đi qua. Phải nói là hàng triệu người dân lần đầu tiên có cơ hội đi máy bay là niềm hạnh phúc của chúng tôi", Chủ tịch Vietjet Air chia sẻ.
Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy phép thành lập từ năm 2007, song do gặp nhiều bất lợi nên đến năm 2011 chuyến bay đầu tiên của hãng mới cất cánh được. Ở thời điểm đó, nước ta có hơn 80 triệu dân, nhưng theo thống kê chỉ có 1% dân số đã từng đi máy bay. Từ triết lý kinh doanh nhân văn, hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người trên các chuyến bay, đem lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cùng các cộng sự đã viết nên một câu chuyện cổ tích trong ngành hàng không. Bà Thảo hiểu người dân mong mỏi được đi lại bằng hàng không với giá vé không quá cao, chất lượng dịch vụ tốt. Vì vậy, "An toàn, Giá rẻ, Vui vẻ, Đúng giờ" là giá trị cốt lõi được vị nữ Chủ tịch hướng tới. Lãnh đạo VietJet Air cho biết, họ có cơ sở để khẳng định là tiềm năng thị trường hiện vẫn còn rất lớn, đặc biệt là phân khúc thị trường hàng không giá rẻ.
"Cuộc cách mạng trong ngành hàng không", "câu chuyện cổ tích có thật" của bà Phương Thảo và Vietjet Air được hiện thực hoá bằng những con số rất thuyết phục. Một năm sau khi đi vào hoạt động, đến đầu năm 2013, "tân binh" Vietjet đã có được thành quả đáng nể với kết quả vận chuyển gần 1 triệu lượt hành khách, thực hiện mỗi tuần khoảng 250 chuyến bay, là hãng hàng không lớn thứ hai tại Việt Nam về mạng đường bay. Cùng với đó, hãng tiếp tục nhận thêm máy bay, mở thêm các đường bay mới, tăng tần suất phục vụ các chuyến bay. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực, dần khẳng định tầm vóc của Vietjet Air cũng như cá nhân "nữ tướng" của ngành hàng không.
Sau 10 năm hoạt động, đến năm 2021, Vietjet đã chở trên 100 triệu khách, trong đó trên 50% là bay giá rẻ, 30% khách bay Vietjet là người lần đầu đi máy bay. Như vậy, Vietjet đã hiện thực hóa ước mơ bay cho trên 30 triệu người lần đầu được bay.
Có lẽ với bất kỳ ai cũng vậy, cảm giác lần đầu tiên đi máy bay là một trải nghiệm được mong chờ và có rất nhiều cảm xúc. Vietjet đã hiện thực hoá ước mơ đó của hàng triệu người dân Việt Nam: "Chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực. Hàng triệu người lần đầu tiên được đi máy bay và thật hạnh phúc khi họ không chỉ là người Việt Nam mà còn là người dân của nhiều nước lần đầu đi du lịch trên tàu bay Vietjet", bà Phương Thảo chia sẻ.
Đến nay, sau 13 năm đi vào hoạt động, vượt qua nhiều thử thách, chông gai đối với ngành hàng không nói chung và với các hãng bay tư nhân nói riêng, Vietjet vẫn luôn nỗ lực không ngừng.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều hãng bay đã phải cắt giảm hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa vì thua lỗ. Nhưng Vietjet vẫn có được sức sống bền bỉ, mãnh liệt, minh chứng bằng những kết quả hoạt động tích cực. Một năm sau đại dịch Covid-19, hãng đã tiên phong mở thêm hơn 30 đường bay quốc tế mới, trở thành hãng lớn nhất bay đến Úc, Ấn Độ, đồng thời tiếp tục mở rộng tại những thị trường lớn đã khai thác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều điểm đến mới trong các khu vực truyền thống Đông Nam Á.
Việc khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và mở mới các đường bay quốc tế đã đem lại cho Vietjet kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023 với doanh thu vận tải hàng không đạt tới 53,7 nghìn tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 58,3 nghìn tỷ đồng. Trong quý I năm 2024, Vietjet đã thực hiện mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140.
Các đường bay quốc tế của Vietjet đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, đưa Việt Nam ra với thế giới và kéo thế giới đến với Việt Nam. Hiện nay, Vietjet Air trở thành một trong hai hãng hàng không chiếm thị phần bay nội địa lớn nhất.
Không ngừng lớn mạnh trong hoạt động kinh doanh, nhưng triết lý của bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói riêng và Vietjet Air nói chung vẫn là luôn hướng đến cộng đồng. Thành công trong kinh doanh, VietJet cũng để lại dấu ấn sâu sắc với những hoạt động thiện nguyện hướng đến người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp mọi miền của tổ quốc.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo chính là người đã khai sinh chương trình "Chắp cánh yêu thương", trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Sáng kiến này đã được tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Vietjet Air hưởng ứng nhiệt liệt và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi...
Vietjet Air đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với hàng triệu người dân Việt và đang không ngừng khai mở đường bay đến những vùng đất mới. Có thể khẳng định, những trái ngọt mà Vietjet gặt hái được, có công sức rất lớn từ sự lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán cùng tầm nhìn xa trông rộng của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo.
"Khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó là sẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt", doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo bộc bạch.
Nữ doanh nhân luôn khắc sâu tâm niệm: "Thành công chỉ đến khi đặt hết niềm tin và đam mê theo đuổi đến cùng". Nhưng có lẽ, thành công của Vietjet Air và Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo còn có điểm xuất phát từ cái tâm muốn chắp cánh ước mơ bay cho mọi người dân Việt./.
Tháng 5/2024, Vietjet được vinh danh là "Hãng hàng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới" và "Hãng hàng không chi phí thấp có dịch vụ trên tàu bay tốt nhất năm". Đây là hai hạng mục giải thưởng quan trọng của hàng không quốc tế, do tổ chức đánh giá an toàn và chất lượng dịch vụ hàng không uy tín AirlineRatings bình chọn.
Vietjet được AirlineRatings đánh giá cao giá vé siêu tiết kiệm, sự đổi mới sáng tạo và các sản phẩm hàng phù hợp với khách hàng.
AirlineRatings cũng xếp hạng Vietjet có an toàn hàng không 7 sao, mức cao nhất thế giới và hãng nhiều năm liền vào top các hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất và an toàn nhất thế giới.
Trước đó, Hãng cũng được AirlineRatings vinh danh Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu.
Ông Geoffrey Thomas, Tổng biên tập của AirlineRatings.com đánh giá, được biết đến với giá vé tốt cùng chương trình tiếp thị khéo léo trong nhiều năm qua, Vietjet tiếp tục có những chiến lược để giúp hàng triệu hành khách bay với chi phí hợp lý nhất. "Vietjet đóng vai trò quan trọng trong xu thế bùng nổ đi lại bằng đường hàng không và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam. Giá trị của hãng hàng không này không chỉ được đo bằng số lượng hành khách vận chuyển mà hoạt động của hãng còn đem lại sự tích cực cho người dân và du khách trong khu vực và quốc tế nói chung".