Aa

Vinaconex hướng đến top 3 lĩnh vực xây lắp, dự án Splendora chưa dễ triển khai

Thứ Ba, 02/04/2019 - 04:16

Ông Đào Ngọc Thanh cho biết kể từ khi tiếp quản Vinaconex, HĐQT đã tổ chức 3 phiên họp. Trong đó, phiên họp đầu tiên, 100% ý kiến biểu quyết bầu ông làm Chủ tịch.

Chiều 1/4, Vinaconex (VCG) đã tổ chức buổi trao đổi, cung cấp thông tin về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 về bầu HĐQT và ban kiểm soát.

Tại buổi trao đổi, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex cho biết các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả đại diện Star Invest, Cường Vũ, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Hữu Hà. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra bình thường nhưng bất ngờ nhóm cổ đông nói trên lại đã khởi kiện công ty.

Theo tân Chủ tịch Vinaconex, việc đồng ý bầu ông làm Chủ tịch nhưng ngay sau đó lại gửi đơn đến tòa để yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ thì "quan điểm về đạo đức kinh doanh thế là không đúng".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư đại diện cho Vinaconex cho biết Tòa án Đống Đa đang áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ, điều này có nghĩa các quyết định cần sự chấp thuận của HĐQT sẽ không thể diễn ra, cho tới khi Tòa án hủy quyết định này. Do đó, cần sự đồng lòng của các nhóm cổ đông để hoạt động công ty diễn ra bình thường. Hiện tại, Vinaconex đã có văn bản gửi Tòa án Đống Đa và sẽ được xử lý trong vòng 15 ngày.

Ông Đào Ngọc Thanh cho biết kể từ khi tiếp quản Vinaconex, HĐQT đã tổ chức 3 phiên họp. Trong đó, phiên họp đầu tiên, 100% ý kiến biểu quyết bầu ông làm Chủ tịch.

Trong phiên thứ 2, họp về thông qua quy chế tài chính Vinaconex thì đã có vấn đề khi Star Invest và Cường Vũ không thông qua. Tuy nhiên, theo luật có 5 phiếu ủng hộ nên nội dung vẫn được thông qua.

Theo ông Thanh, việc thông qua quy chế tài chính là yếu tố rất quan trọng. Trước đây, Vinaconex là cơ quan Nhà nước và quyền quyết định của Chủ tịch khá hạn chế. Giá trị tối đa mà Chủ tịch Vinaconex được ký chỉ là 5 tỷ đồng, điều này khiến các dự án khó có thể triển khai được.

Còn trong phiên họp HĐQT thứ 3 liên quan đến khu công nghiệp tại Láng Hòa Lạc, lập công ty cơ điện và thành lập công ty quản lý các trường học thì các nội dung đều được thông qua.

Liên quan đến định hướng Vinaconex sau khi chuyển giao, ông Đào Ngọc Thanh cho biết Vinaconex sẽ vươn lên thành tập đoàn kinh tế mạnh và hiện sẽ đi theo 3 hướng (1) Tổng thầu xây lắp; (2) Phát triển các dự án bất động sản, khu đô thị, nghỉ dưỡng và (3) Đầu tư tài chính.

Về lĩnh vực xây lắp, Vinaconex là tên tuổi lớn trong ngành, nhưng hiện chỉ đứng hạng 4 trong khối các Tổng công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam. Mục tiêu trong thời gian tới của Vinaconex là vòa top 3. Để hiện thực hóa điều đó, Vinaconex đang có nhiều hợp tác chiến lược với các tập đoàn lớn trên thế giới để giúp giải quyết nhiều vấn đề tài chính, giải pháp phát triển dự án…Nếu không có thay đổi lớn, trong tháng 5 Vinaconex sẽ ký hợp tác với các đối tác Nhật Bản để thực hiện nhiều gói thầu lớn tại Việt Nam.

Về vấn đề phát triển tài chính, ông Thanh cho rằng Vinaconex có khá nhiều tiền và đủ năng lực để phát triển. Vấn đề là lựa chọn cái gì có hiệu quả để đầu tư. Mới đây, Vinaconex đã triển khai đầu tư nhà máy thủy điện và đang tìm kiếm các dự án năng lượng mới. Ngoài ra, Vinaconex sẽ mua cổ phiếu quỹ, trong bối cảnh còn dư tiền mặt và lãi suất ngân hàng khá thấp và điều này sẽ giúp gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Với lĩnh vực bất động sản, tại dự án Cái Giá, ông Thanh đánh giá đây là dự án có vị trí đắc địa khi nhận được quyết định xây đô thị trên đảo Cát Bà và đã được cấp sổ đỏ nên có giá trị rất lớn.

Trong khi đó, Splendora là dự án đã được hình thành trước khi có sự thay đổi cơ cấu cổ đông Vinaconex. Dự án này hiện còn 200ha đất thương mại, trong đó Vinaconex và Phú Long nắm giữ mỗi bên 50% dự án.

Để phát triển được dự án tiềm năng này cần phải có bộ máy chuyên nghiệp. Nhưng trước đây Vinaconex đề cử ông Thân Thế Hà là chủ tịch Splendora, trong khi ông Hà là đại diện cho Phú Long. Sau đó, ông Nguyễn Quang Trung làm Chủ tịch nhưng ông Trung là "dân" chứng khoán, không có chuyên môn bất động sản. Với dự án lớn như vậy cần người nhiều kinh nghiệm để triển khai. Do đó, sau khi nắm quyền Vinaconex, ông Thanh đã trực tiếp làm chủ tịch Splendora để phát triển dự án này.

"Tuy vậy, đến nay dự án Splendora vẫn gặp không ít vướng mắc khi nhiều lần triệu tập HĐQT An Khánh JVC, nhưng phía còn lại đều không đến, báo bận", ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết sẽ không để tình trạng này tái diễn và sẽ nỗ lực biến Splendora trở thành dự án tiêu biểu của Hà Nội, là "nơi ước muốn, chốn mong về".

Cũng theo ông Thanh, dự án Splendora không có tranh chấp gì lớn, vấn đề bây giờ đang là khác nhau về ý tưởng triển khai dự án. Trong đó, vấn đề nổi cộm là cách thức xử lý hồ điều hòa trung tâm khi Vinaconex và Phú Long đều đang đưa ra những ý tưởng khác nhau.

Về ý kiến giá cổ phiếu VCG đã tăng một mạch từ vùng 18.000 đồng/cp lên 28.000 đồng/cp dù rằng ban lãnh đạo mới chỉ đến trong một thời gian ngắn và khó có thể thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp. Ông Thanh cho biết mức giá hiện nay quanh vùng 28.000 đồng/cp là giá phản ánh đúng giá trị, đây cũng là vùng giá mà nhóm An Quý Hưng đã bỏ thầu để mua lại cổ phần. Theo tính toán của ông Thanh, giá trị tài sản Vinaconex vào khoảng 13.000 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top