Aa

Vinamilk đặt kế hoạch đến 2026 lợi nhuận trước thuế có thể cán mốc 16.000 tỷ

Thứ Tư, 23/03/2022 - 15:01

Mục tiêu 5 năm (2022 - 2026) trong Báo cáo thường niên mới được Vinamilk công bố được đánh giá là “thận trọng” nhưng khá khả quan trước các diễn biến khó lường hiện nay.

Yếu tố tạo bất ngờ và động lực tăng trưởng có thể đến từ các dự án mới như bò thịt, liên doanh hay các trang trại, nhà máy đang xây dựng mới trong những năm tới.

Kết sổ năm 2021 với kỷ lục về doanh thu

Cuối năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hợp nhất quý IV/2021 đã tăng trưởng xấp xỉ 10%, là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Kỷ lục doanh thu này được đóng góp từ cả 3 mảng: Nội địa, xuất khẩu và chi nhánh nước ngoài.

Tổng doanh thu trong 5 năm của Vinamilk.

Tại thị trường nội địa, kênh hiện đại tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng hai chữ số. Bên cạnh việc các đối tác phân phối đẩy mạnh mở rộng điểm bán thì chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt của Vinamilk cũng đã mở mới 120 cửa hàng trong năm 2021 và nâng tổng số cửa hàng tại thời điểm cuối năm lên gần con số 600. Kênh trực tuyến đã ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, một phần do xu hướng này gia tăng khi đại dịch diễn ra và cũng xuất phát từ nền tảng đã được Vinamilk đầu tư nhiều năm qua. 

Hệ thống cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt của Vinamilk đã cán mốc 600 cửa hàng trong năm 2021.

Mặt khác, Vinamilk hiện vẫn đang là doanh nghiệp sữa “nội” năng động nhất trong mảng xuất khẩu. Với 2 thị trường xuất khẩu mới được khai thác trong năm, tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế của doanh nghiệp này đã tăng lên 57. 

Trong năm 2021, doanh thu thuần xuất khẩu trực tiếp đã đạt 6.128 tỷ đồng. Tuy đóng góp trong tổng doanh thu còn ít nhưng tốc độ tăng trưởng rất đáng ghi nhận khi đạt 10,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Vinamilk đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm cho liên doanh tại Philippines từ cuối quý III/2021 với những đánh giá khá tích cực từ người tiêu dùng. 

Vinamilk chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường quốc tế ngay sau khi các chuyến bay thương mai được hoạt động trở lại vào đầu năm 2022.

Yếu tố được cho là giúp Vinamilk duy trì được hoạt động và tăng trưởng về doanh thu trong năm dịch bệnh diễn ra nặng nề là hệ thống trang trại và nhà máy “khủng” ở cả trong và ngoài nước. Điều này tạo ra thế mạnh lớn cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và góp phần lớn để duy trì và gia tăng thị phần khi kết hợp cùng hệ thống bán lẻ lớn, bao phủ tất cả các kênh.

Kỳ vọng tăng trưởng và phục hồi trong giai đoạn 2022 - 2026

Theo Báo cáo thường niên vừa mới được công bố, giai đoạn 2022 - 2026, Vinamilk dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% và doanh thu lên 5% đạt 64.070 tỷ đồng, cao hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2021 mặc dù bức tranh kinh doanh còn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, đáng kể đến là việc sức mua của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng lớn do tình hình lạm phát liên quan đến các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu chưa thể sớm hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) cả năm thu về dự kiến đạt mức 12.000 tỷ đồng. 

Xa hơn, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào năm 2026. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận. Mục tiêu này xây dựng trên kỳ vọng ngành hàng tiêu dùng phục hồi nhanh từ sau năm 2022, khi mà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2026 có thể tăng tốc lên mức 7,7% và 7,5%/năm.

Động lực tăng trưởng đến từ các dự án tiềm năng

Năm 2022 cũng được dự báo sẽ là năm mà nhiều dự án của Vinamilk sẽ được khởi động mạnh mẽ. Về bò sữa, dự án trang trại tại Lào dự kiến đi vào hoạt động sẽ tiếp tục giúp Vinamilk duy trì thế mạnh là công ty có vùng nguyên liệu sữa lớn (hiện Vinamilk đang quản lý đàn bò sữa gần 160.000 con). Kết hợp với dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên có tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm được xây dựng, năng lực sản xuất sữa của doanh nghiệp này trong ít nhất 5 năm tới là khó có thể bắt kịp.

Ngoài ngành sữa, Dự án về bò thịt tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 500 triệu đô la Mỹ, với giai đoạn 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 có quy mô công suất là khoảng 30.000 bò thịt/năm. Theo đánh giá của Bộ phận phân tích Vietcombank Securities, việc mở rộng kinh doanh mảng khác như thịt bò sẽ thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng từ hai con số từ 2023 - 2024 trở đi. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên của Vinamilk dự kiến sẽ đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động.

Sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk đạt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới.

Liên doanh Vibev giữa Vinamilk và Kido đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên “Oh Fresh” bao gồm sữa đậu xanh tươi và sữa bắp tươi, tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng từ những ngành hàng mới là thức uống tươi với các thế mạnh sẵn có. Liên doanh tại Philippines cũng nhận được các đánh giá khả quan, khi khai thác tốt tiềm năng từ thị trường lớn nhất nhì khu vực này.

Vào đầu tháng 4/2022, Vinamilk sẽ công bố tài liệu đại hội cổ đông trên website công ty, trong đó có kế hoạch kinh doanh chính thức trình đại hội phê duyệt. Dự kiến đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 26/4/2022 theo hình thức trực tuyến./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top