Aa

Vinataba lại nổi tiếng!

Thứ Năm, 28/03/2019 - 21:51

Khi ngành công thương "tối mặt" với 12 dự án ảm đạm thì Vinataba lại là doanh nghiệp "lấy lại danh dự" cho ngành này khi nộp ngân sách vượt mức 10.000 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh xám màu

Cũng như bia rượu, ngành thuốc lá bên cạnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao, còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác như nạn buôn lậu chưa từng có xu hướng dừng lại.

Từ 1/5/2013, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam bắt buộc phải in cảnh báo sức khỏe với diện tích tối thiểu 50% diện tích mỗi mặt chính của bao thuốc. Việc này đã tác động ngay lập tức đến sản lượng tiêu thụ năm 2014, giảm xuống còn 3,1 tỷ bao từ mức gần 3,5 tỷ bao năm 2013.

Sản xuất sản phẩm đặc thù, Vinataba phải chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao cho sản phẩm thuốc lá điếu. Từ ngày 1/1/2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sản phẩm thuốc lá tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mức 70% . Ngoài ra, phí đóng góp cho Quỹ Phòng chóng tác hại thuốc lá cũng chính thức tăng lên mức 1,5% từ ngày 1/5/2016.

Thuốc lá của Vinataba phải gồng mình để cạnh tranh với thuốc lậu dù Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74B) liên tục tăng các biện pháp phòng chống và tiêu hủy thuốc lá lậu.

Vinataba có lẽ là doanh nghiệp đặc thù duy nhất vừa nỗ lực làm, vừa buộc phải "đánh" mình; vừa nỗ lực sản xuất vừa phải cảnh báo người mua không nên dùng sản phẩm của mình. Thế mới thấy cái khó của Vinataba và Bộ Công Thương trong thời gian qua.

Tuy vậy, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty đều có tăng trưởng và vượt so với kế hoạch. Trong đó thị phần tiêu thụ thuốc lá nội địa của Tổng công ty tiếp tục tăng trưởng, chiếm trên 65% thị phần nội tiêu toàn ngành.

Năm 2017, Vinataba nộp ngân sách Nhà Nước lên 10.900 tỷ đồng, vượt trên 25% kế hoạch, tăng xấp xỉ 13% so với năm trước. Tổng doanh thu đạt trên 25.600 tỷ đồng, vượt gần 10% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế lần đầu tiên đạt và vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn Tổ hợp Tổng công ty tăng 24% so với năm 2016.

Xuất khẩu của Vinataba đạt xấp xỉ 178 triệu USD, đều vượt kế hoạch và tăng so với năm trước đó.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực lớn từ Lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, các công ty con, công ty liên doanh cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên để có được thành quả lớn.

Kết quả kinh doanh năm 2017 của Vinataba là điểm nhấn khi trong năm 2017, ngành công thương đã phải “tối mặt” với 12 dự án rất ảm đạm với những khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng, hoặc chậm tiến độ, hoặc “chết lâm sàng”. Chẳng hạn như Dự án đạm Ninh Bình với số vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2016, con số thua lỗ của dự án này là 2.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2016, PVTex lỗ lũy kế hơn 3.209 tỷ đồng và dự án tiếp tục âm vốn chủ sở hữu do phải tính khấu hao tài sản cố định,…

Còn với Vinataba, không thể phủ nhận tác hại của sản phẩm thuốc lá đối với người hút thuốc, nhưng nhìn ở góc độ kinh tế, Vinataba là doanh nghiệp nổi bật nhất của Bộ Công Thương khi kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng. Hàng năm ngân sách nhà nước thu hàng nghìn tỷ đồng từ Vinataba. Số lao động tại Vinataba cũng duy trì trên 13 nghìn người.

Vinataba là một trong những doanh nghiệp top đầu nộp Ngân sách Nhà nước

Vinataba là một trong những doanh nghiệp top đầu đóng góp lớn vào Ngân sách Nhà nước

Có chăng nhầm lẫn?

Dưới sự quản lý của Bộ Công Thương, Vinataba đã nỗ lực vượt nhiều khó khăn để đạt kết quả kinh doanh sáng. Điều này khiến dư luận những ngày gần đây phải đặt câu hỏi, không hiểu vì sao Bộ công thương và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lại giới thiệu cán bộ không đủ tiêu chuẩn về làm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

Ban chấp hành Đảng ủy Vinataba mới đây tổ chức họp lấy phiếu thăm dò tín nhiệm chức danh Tổng giám đốc Vinataba đối với ông Nguyễn Thành Nam (cựu Tổng giám đốc Sabeco). Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm có 34 Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Vinataba và chỉ đạt 8,8% (3/34) phiếu tín nhiệm.

Việc lấy ý kiến bầu trên là do đề cử từ phía Bộ Công Thương. Trước đó, Nghị quyết số 10-NQ/BCĐ ngày 30/7/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ này tiến hành quy trình điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam giữ chức thành viên HĐTV Vinataba và giới thiệu để HĐTV Vinataba bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 1/10/2018.

Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2018, Vinataba đã được Bộ Công Thương bàn giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vào cuối năm 2018, Bộ Công Thương ban hành văn bản đề nghị Ủy ban quản lý vốn tiếp quản và chỉ đạo thực hiện quy trình bổ nhiệm thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Vinataba.

Theo thông tin từ cán bộ nhân viên Vinataba, việc cựu Tổng giám đốc Sabeco có quá ít phiếu tín nhiệm ở Vinataba được cho rằng ông chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 97/2015 về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, Mục 9 (điều 100,Luật Doanh nghiệp 2014) quy định tiêu chuẩn, điều kiện chức danh Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước thì ngoài những yêu cầu chung còn phải căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại điều lệ công ty.

Điều lệ của Vinataba do Bộ Công thương phê duyệt nêu rõ: Tổng Giám đốc phải là người có ít nhất 3 năm kinh nghiệm quản lý, điều hành trong doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinantaba.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1970 tại Hà Nội) bắt đầu làm việc tại Sabeco với chức vụ là nhân viên Phân xưởng Cơ khí vào năm 1991. Ông Nguyễn Thành Nam rời chức vụ Tổng giám đốc Sabeco sau một năm được Bộ Công Thương bổ nhiệm kể từ tháng 5/2017. Hiện, ông Nguyễn Thành Nam vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp là Cty CP bia Sài gòn miền Tây và Cty Cp bia Sài gòn Lâm Đồng.

Hiện tại, trên website của Vinataba, ông Nguyễn Thành Nam vẫn chưa có tên trong HĐTV cũng như Ban Tổng giám đốc đơn vị này.

Thực tế, câu chuyện bổ nhiệm cán bộ cấp cao tại Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc đã từng có nhiều vấn đề. Đó là lý do mà hồi tháng 7/2018, báo cáo trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đối với các sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương giai đoạn trước năm 2016 theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

"Để khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, Ban Cán sự Đảng bộ Công Thương đã thực hiện một số công việc. Cụ thể, sửa đổi các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo hướng cụ thể hóa các nguyên tắc quan trọng như "tập trung dân chủ", "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Như vậy, trong giai đoạn này, Bộ Công Thương vẫn đang phải nỗ lực để khắc phục hậu quả do bổ nhiệm sai phạm trong giai đoạn trước. Thì việc bổ nhiệm nếu chưa đúng quy định đối với trường hợp ông Nguyễn Thành Nam nếu có, chắc là sự nhầm lẫn nào chăng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top