Sáng 25/6, tại Hội nghị "Hà Nội 2017- Hợp tác đầu tư và Phát triển", thành phố đã trao bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn.
Trong đó, đáng chú ý việc Vingroup rót khoảng 100.000 tỷ đồng xây dựng một tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, bên cạnh những tuyến đang xây dựng bằng vốn ngân sách.
Việc trao ghi nhớ được thực hiện với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo đó, dự án mà Vingroup định triển khai là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân. Tuy nhiên, cụ thể là đoạn đường nào thì chưa được công bố cụ thể. Tập đoàn vẫn đang đợi thành phố phê duyệt.
Hiện Vingroup đang đề xuất thành phố cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị.
Cụ thể, ở tuyến số 2, tập đoàn muốn tham gia đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long. Với tuyến số 3, Vingroup quan tâm 2 đoạn là Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây. Với tuyến số 5, hai đoạn được đề xuất là đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc. Tuyến số 6, Vingroup muốn đầu tư đoạn Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi. Trong khi đó, tuyến số 8 tập đoàn này muốn đầu tư 2 đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.
Đây đều là các tuyến mới trong quy hoạch, do thành phố giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia theo hình thức BT. Ngoài Vingroup, các tuyến trên cũng có nhiều nhà đầu tư khác đăng ký tham gia.
Đây là lần thứ 2 Vingroup tham gia vào một dự án về giao thông tại Hà Nội. Trước đó, tháng 8/2015, UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương cho phép Vingroup ứng trước kinh phí 1.000 tỷ đồng (không tính lãi) để phục vụ dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Mai Động.
Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng do Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2012. Khi dự án được hoàn thành sẽ kết nối toàn bộ trục đường Vành đai 2 theo quy hoạch, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực trung tâm.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản đề nghị ứng trước cho Hà Nội số tiền 1.000 tỷ đồng trong năm 2015 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động (đường dưới đất).
UBND. TP. Hà Nội cho biết việc triển khai, giải ngân số tiền 1.000 tỷ sẽ theo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Khoản ứng trước này sẽ được hoàn trả từ các khoản nghĩa vụ tài chính mà tập đoàn này phải nộp cho thành phố Hà Nội nếu còn nợ hiện nay hoặc phát sinh sau này từ các dự án mới.