Các doanh nghiệp, đơn vị được vinh danh tại lễ trao giải lần này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: bao gồm: 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đón khách du lịch vào Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đưa khách đi quốc tế; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hàng đầu; 30 khách sạn hàng đầu Việt Nam từ 3 đến 5 sao; 5 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô; 10 nhà hàng ăn uống; 2 điểm dừng chân; 7 điểm tham quan du lịch; 5 khu du lịch; 10 sân golf; 1 hãng hàng không vận chuyển khách du lịch nhiều nhất; 1 hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị từng có tên trong danh sách này nhiều năm, như Saigon Tourist, Viettravel, Fiditour, các khách sạn J.W Mariott, Pullman Hà Nội, Sheraton Hà Nội, các khu du lịch Vinpearl, Hạ Long, Bà Nà Hill… Đáng chú ý, trong số bảy điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam, có tới bốn điểm thuộc địa bàn Hà Nội, bao gồm Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ba điểm tham quan còn lại bao gồm Địa đạo Củ Chi, Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt) và Hoàng cung Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 8/2016), Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch, tạo nền tảng vững chắc đối với sự phát triển của ngành du lịch trong những năm tới đây.
Đi cùng với đó là những trách nhiệm hết sức nặng nề từ mục tiêu tăng tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP đến việc phát huy hiệu quả các giá trị thiên nhiên, các di tích, di sản văn hoá, nâng cao thứ hạng của du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới, cải thiện môi trường du lịch, khắc phục nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế…
“Xét về năng lực cạnh tranh du lịch, Việt Nam mới xếp thứ 67/134 nước. Trong khi ai cũng nói rằng Việt Nam có điều kiện thiên nhiên, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, con người Việt Nam thân thiện, nhiệt thành với du khách và có nền văn hóa đậm đà bản sắc, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại. Vậy làm sao để du lịch Việt Nam xét ở trên thế giới đừng có ở mức trung bình, yếu?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
“Sứ mệnh, nhiệm vụ mà nhân dân, đất nước giao cho và trông chờ vào sự nỗ lực của ngành du lịch là rất lớn, đòi hỏi các đồng chí đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, đã sáng tạo rồi thì phải sáng tạo hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và ghi nhận nỗ lực, trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền các cấp trong xử lý những công việc cần thiết giúp cho ngành du lịch tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc và có bước phát triển tốt hơn trong những năm vừa qua.
Không chỉ có vậy, những người trực tiếp làm các dịch vụ liên quan tới du lịch và tất cả mọi người dân Việt Nam, bằng lòng mến khách của mình và trách nhiệm với xã hội cũng đã có những nỗ lực hết sức thiết thực để môi trường du lịch của Việt Nam luôn luôn được cải thiện, khắc phục được một phần đáng kể những tồn tại, khiếm khuyết mà nhiều du khách đã góp ý một cách rất thẳng thắn và chân thành.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao mọi nỗ lực, sáng kiến của DN, người dân, chính quyền các cấp, các ngành cùng chung tay phát triển du lịch với những kết quả hết sức ấn tượng”, Phó Thủ tướng nói.
Chúc mừng các DN tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn thời gian tới Giải thưởng Du lịch Việt Nam sẽ xuất hiện cả các DN dù rằng quy mô chưa lớn, chất lượng chưa thật ở vào đỉnh cao nhưng có rất nhiều sáng tạo nỗ lực, có những bước tiến vượt bậc; những DN tham gia không chỉ kinh doanh dịch vụ du lịch mà tham gia vào những hoạt động hỗ trợ cho du lịch như đào tạo nhân lực… Đặc biệt là những sáng kiến, ý tưởng, DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam dù quy mô rất nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa.
“Ngành du lịch phát triển góp phần hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước nhưng điều quan trọng là làm sao để nhiều người dân được thụ hưởng, cải thiện đời sống của mình, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu nhờ các dịch vụ du lịch thì xóa đói giảm nghèo thuận lợi. Và thông qua du lịch làm cho hình ảnh Việt Nam, những nét văn hóa rất đáng tự hào của dân tộc được lan tỏa, thấm sâu trong lòng mọi du khách từ khắp bốn phương đến với Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Với mong muốn đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thiết thực, “xắn tay làm”, “vướng đâu gỡ đó”.
Nhắc lại cuộc làm việc mới đây về đào tạo nhân lực du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều thứ “nghe chung thì tất cả đều tốt, đều hợp lý nhưng thực tế vẫn kém vì khi bàn cụ thể lại có những thứ tưởng chừng rất nhỏ - nhưng nếu tháo gỡ được sẽ có tiến bộ thực sự”.
Vì vậy, một mặt các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa để môi trường du lịch của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhanh, vững chắc từ vệ sinh môi trường đến quản lý giá cả, an ninh, an toàn… đồng thời tạo điều kiện để cho các DN đầu tư phát triển du lịch một cách bền vững.
Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hiệp hội nghề nghiệp có liên quan đến du lịch phải thực sự là đầu mối của các thành viên, là “người giúp nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi và ban hành chủ trương chính sách thật thiết thực cho cộng đồng DN du lịch”.
“Đối với mỗi người Việt Nam, phát triển du lịch không chỉ vì kinh tế mà còn vì phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nét đẹp tưởng chừng như mộc mạc, đơn sơ nhưng lại được du khách nước ngoài mong muốn trải nghiệm, chiêm nghiệm nhất. Đó là nghĩa cử tri ân thiết thực nhất đối với công lao của cha ông đã làm nên nền văn hiến Việt Nam”, Phó Thủ tướng bày tỏ./.