Aa

Vĩnh Long: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để phát triển logistics của vùng ĐBSCL

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Hai, 25/03/2024 - 08:41

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 1 và 2 là những công trình quan trọng tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Vĩnh Long, nhất là thế mạnh trở thành một trung tâm logistics của vùng ĐBSCL trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.

Ngày 23/3, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 là 7%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Khu vực nông nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 26%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 25%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45%; Thuế sản phẩm - (trừ) trợ cấp sản phẩm khoảng 4%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Vĩnh Long: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để phát triển logistics của vùng ĐBSCL- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long

Để chủ động mục tiêu và tầm nhìn, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể hóa với 3 đột phát để phát triển.

Một là tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Hai là tập trung nguồn lực phát triển trục động lực, các hành lang kinh tế và các ngành kinh tế, lĩnh vực chủ lực của tỉnh gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại, đô thị và công nghiệp chế biến.

Ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực quản lý và nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Vĩnh Long: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để phát triển logistics của vùng ĐBSCL- Ảnh 2.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, phối hợp, liên kết chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn dành cho Vĩnh Long; sự đoàn kết, quyết tâm của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở 3 lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xúc tiến đầu tư.

Thứ nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển, nâng cao sản lượng lúa (gần 700.000 tấn/năm) và chất lượng các loại cây ăn trái, rau màu như cam sành, chôm chôm, bưởi, khoai lang,…(trên 1,2 triệu tấn/năm), từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc; toàn tỉnh hiện có 75/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 86,21%, vượt 1,21 điểm % so với Kế hoạch), trong đó có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, (chiếm tỷ lệ 42,67%, vượt 2,67 điểm % so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025); 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Thứ hai là về lĩnh vực thương mại, với vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước. 

Đặc biệt, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 1 và 2 là những công trình quan trọng tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Vĩnh Long, nhất là thế mạnh trở thành một trung tâm logistics của vùng ĐBSCL trong tương lai gần, đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.

Thứ ba là về lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch sẵn có về văn hóa, về vùng đất và con người Vĩnh Long để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tỉnh đang phát huy hiệu quả loại hình "du lịch homestay" với hơn 40 năm được hình thành và phát triển; đồng thời đang tập trung mời gọi đầu tư Dự án bảo tồn làng gạch gốm Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để phát triển logistics của vùng ĐBSCL- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để phát huy những kết quả đạt được, định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiện thực hóa những khát vọng, mục tiêu phát triển của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, quy định quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND Vĩnh Long và các Bộ, ngành liên quan; đảm bảo thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đã được phê duyệt./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top