Aa

Vĩnh Long: Kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024.

Thứ Tư, 27/12/2023 - 11:44

Ngày 26/12/2023, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chủ trì Hội nghị giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024; Kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024. Tham dự Hội nghị còn có bà Lê Thị Thúy Kiều- Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Lê Hồng Đào – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023 cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh; nhất là sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Tỉnh thực hiện đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt Kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 2,61% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 75,3 triệu, cao hơn 0,5 triệu đồng so với cả nước (cả nước ước đạt 7,1 triệu). An sinh xã hội, giải quyết việc làm và các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường được thực hiện hiệu quả, quốc phòng – an ninh được đảm bảo.

Vĩnh Long: Kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024.- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị. ảnh CTTĐT

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định, như: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp sụt giảm; thu hút đầu tư vào tỉnh còn chậm; tín dụng tăng trưởng còn thấp; tỷ lệ nợ xấu tăng cao; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm một lần gia tăng cục bộ, ....

Năm 2024, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của năm 2023, kết hợp với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu để triển khai thực hiện trong năm 2024. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 83,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt hơn 5.947 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.000 tỷ đồng…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đề xuất những giải pháp, biện pháp nhằm triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 đạt kết quả cao nhất.

Vĩnh Long: Kế hoạch vốn đầu tư công và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024.- Ảnh 2.

Ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chi đạo tại Hội nghị. ảnh CTTĐT

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng năm 2024, dự báo kinh tế - xã hội trong tỉnh sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh cũng quyết tâm tăng tốc bứt phá trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá chiến lược. Tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế,... chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế; chủ động bám sát công việc, tiếp tục đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong tổ chức, điều hành, để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Trong đó cần tập trung chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt để phục vụ Nhân dân đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn với tinh thần vui tươi, an toàn, tiết kiệm, mọi nhà đều có Tết. Tổ chức tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hướng kết hợp, gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả. Khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Song song đó cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt là, tập trung thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực và của tỉnh.

Đồng thời cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng. Chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là tình hình thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024; thực hiện tốt công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; kịp thời, ứng phó, khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai; xử lý kịp thời các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường giám sát, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên người. Kịp thời khắc phục vướng mắc trong quản lý giá, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...; giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách; những gương người tốt, việc tốt, những việc làm tích cực, mô hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân.

Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2890/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính. Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức đúng quy định, phù hợp thực tiễn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin để cải tiến phương thức, lề lối làm việc và nâng cao năng lực điều hành, quản lý.

Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, tội phạm về công nghệ cao; thực hiện các biện pháp kéo giảm tội phạm về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện các giải pháp mạnh bảo đảm trật tự đô thị, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các cấp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng dự toán, lập kế hoạch chi tiêu đúng quy định, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong năm 2024.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top