Năm 2023, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những ảnh hưởng sau đại dịch Covid - 19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, song nhờ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Phúc đã tập trung điều hành linh hoạt chính sách tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Phúc tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, bám sát định hướng phát triển KT - XH của tỉnh để triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị định số 31/ của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất; các Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường công tác tín dụng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...
Chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay. Đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có đảm bảo bằng tài sản...
Năm 2023, các TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 1,5%/năm đối với các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (mức giảm từ 1,5 - 2%/năm) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển SXKD.
Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Tính đến hết tháng 12/2023, dư nợ cho vay toàn tỉnh ước đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng khá, song vẫn còn thấp so với mức tăng trưởng của các năm 2021, 2022 và cho thấy sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như nhu cầu đầu tư, SXKD, tiêu dùng có xu hướng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng được điều kiện hoặc vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp bất động sản...
Cơ cấu nguồn vốn tín dụng trong năm 2023 chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ trên 86% tổng dư nợ); tỷ lệ vốn vay phục vụ đời sống và dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản trong tầm kiểm soát, lần lượt là hơn 11% và trên 13% tổng dư nợ.
Các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) đều có mức tăng trưởng khá. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, cải thiện kinh tế hộ gia đình, hạn chế tình trạng cho vay tín dụng đen, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng huy động nguồn vốn nhàn rỗi được các TCTD triển khai tích cực, tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, lượng tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp hạn chế, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận ra nước ngoài về công ty “mẹ” hoặc chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài... khiến việc huy động vốn khó khăn.
Ước cả năm, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Công tác xử lý nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả thông qua việc tăng cường giám sát sau cho vay, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng...
Nợ xấu tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm đều được kiểm soát ở mức an toàn (dưới 2% trên tổng dư nợ). Đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước chiếm gần 0,8% trên tổng số dư nợ.
Trải qua một năm đầy gian khó, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với cơn bão suy thoái toàn cầu về tài chính tiền tệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chất lượng tín dụng.
Song, bằng những giải pháp tháo gỡ kịp thời, thiết thực, sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp dần vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định trở lại và đóng góp vào sự phục hồi, phát triển KT - XH của tỉnh.
Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, người dân, ngành ngân hàng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ tín dụng để việc tiếp cận vốn vay ưu đãi thuận lợi hơn. Nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tích cực triển khai các chương trình, gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng thụ hưởng và hạn chế tối đa các rủi ro.