Aa

Vĩnh Phúc: Hiểm hoạ khi giao đất cho doanh nghiệp thiếu năng lực

Quốc Huy - Nam Khánh
Quốc Huy - Nam Khánh hienhd@reatimes.vn
Thứ Ba, 13/04/2021 - 10:56

Chủ trương trong việc xoá đói giảm nghèo lại để doanh nghiệp ngang nhiên mua bán, chuyển nhượng trái quy định. Và rồi ngân sách bị nhóm lợi ích gây thất thoát khiến câu chuyện khiếu kiện kéo dài gần nửa thập kỷ?

Lời toà soạn:

Năm 1994, Chính phủ có Nghị định 2-CP quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp là một trong những chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm phát triển lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng tự ý phân lô bán nền đất lâm nghiệp rồi bán cho người dân, không đảm bảo tính pháp lý, đã diễn ra rầm rộ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Điển hình tại Vĩnh Phúc, một doanh nghiệp không những không thực hiện dự án như cam kết mà lại ngang nhiên mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định. Đau lòng hơn, ngân sách để chi trả bồi thường GPMB từ một dự án kém hiệu quả, bỏ hoang lại bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích, khiến đơn thư kéo dài nhiều năm.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Vĩnh Phúc: Hiểm hoạ khi giao đất cho công ty thiếu năng lực.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thiếu trách nhiệm trước chủ trương đầy nhân văn

Ngày 15/1/1994, Chính phủ có Nghị định 2-CP quy định về việc giao đất lâm nghiệp. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm phát triển lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam qua rất nhiều năm.

Ngày 12/8/1994, UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) ban hành Quyết định số 1096/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất sản xuất trồng rừng và phát triển vườn rừng cho Công ty TNHH Nhân Nghĩa (Công ty Nhân Nghĩa), tổng diện tích 127ha đất đồi rừng tại xã Định Trung và phường Liên Bảo, thị xã Vĩnh Yên trong vòng 50 năm (từ năm 1994 đến 2044) để triển khai dự án. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 6 năm.

Tuy nhiên, sau 10 năm được Nhà nước giao đất, Công ty Nhân Nghĩa không những không thực hiện dự án như cam kết mà lại ngang nhiên mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

Trước thực trạng nhức nhối này, ngày 06/01/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 05/QĐ-CT về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình sử dụng đất của Công ty Nhân Nghĩa. Đoàn kiểm tra có kết quả xác định: Trong tổng số 127ha đất được giao, Công ty Nhân Nghĩa đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và đền bù với tổng số tiền là: 484.100.000 đồng và thực tế Công ty Nhân Nghĩa chỉ nhận 101,29ha vì năm 1994, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi lại 25,71ha xây dựng nghĩa trang và trung tâm thể dục thể thao quốc gia.

Nhưng trong Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành nêu rõ: “Vào thời điểm kiểm tra, Công ty Nhân Nghĩa không thực hiện đầu tư xây dựng, trồng cây, lập trang trại theo mô hình dự án được phê duyệt. Công ty đã tự ý phân chia đất đai, chia nhỏ dự án thành 5 khu, giao cho 5 cá nhân, hộ gia đình không phải là thành viên của công ty quản lý với tư cách là tổ trưởng của khu kinh tế…”.

“Sau 10 năm được giao đất, công ty chưa thực hiện được dự án. Chủ dự án là ông Trần Văn Kiếm - Giám đốc công ty không có khả năng kiểm soát, quản lý đất đai, sử dụng đất sai mục đích được giao, vi phạm quy định pháp luật đất đai… Công ty đã tự ý phân chia đất đai, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép cho các cá nhân khác không phải thành viên của công ty với danh nghĩa hợp đồng giao khoán để thu lợi sai quy định”, báo cáo chỉ rõ.

Chỉ sau 08 tháng, ngày 13/9/2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2389/QĐ-UBND “Về việc thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Vĩnh Phúc quản lý theo quy định của Luật Đất đai. Trong Quyết định nêu rõ: “Thu hồi 851.170,3m2 đất Nông nghiệp (lâm nghiệp) của Công ty Nhân Nghĩa đang quản lý sử dụng được giao tại Quyết định số 1069/QĐ-UB ngày 12/8/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tại phường Liên Bảo và xã Định Trung, bao gồm: Diện tích tại phường Liên Bảo 99.287,7m2, tại xã Định Trung 751.882,6m2 để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Hoạt động xây dựng sai quy định, diễn ra công khai nhưng không được ngăn chặn, giải quyết dứt điểm
Hoạt động xây dựng sai quy định diễn ra công khai nhưng không được ngăn chặn, giải quyết dứt điểm.

Tiếp đến, ngày 05/10/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2784/QĐ-UBND “về việc điều chỉnh điều I, Quyết định số 2839/QĐ-UBND ngày 13/9/2005 thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Vĩnh Phúc quản lý theo quy định của pháp luật”. Trong Quyết định nêu rõ: “Thu hồi 865.401,6m2 đất (làm tròn 86,5ha) của Công ty Nhân Nghĩa đang quản lý sử dụng được giao tại Quyết định số 1069/QĐ-UB ngày 12/8/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tại phường Liên Bảo và xã Định Trung.

Căn cứ vào các Quyết định thì Trung tâm phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập phương án bồi thường và bồi thường cho các chủ sử dụng có đất bị thu hồi theo phương án được phê duyệt. UBND địa phương có diện tích đất trên có trách nhiệm phối kết hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất thi hành quyết định. Và rồi từ đây, việc xác minh nguồn gốc đất, kiểm kê lập phương án bồi thường đã phát sinh nhiều điều bất thường, mâu thuẫn dẫn đến khiếu kiện kéo dài trong suốt thời gian qua.

Hàng chục hécta đất bỗng… “biến mất”?

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra ngày 07/3/2005 thì tổng diện tích đất Công ty Nhân Nghĩa trả lại cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc là: 101,29ha, tuy nhiên tại Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 05/10/2007 của UBND tỉnh lại chỉ giao cho Trung tâm quỹ đất tỉnh thu hồi của Công ty Nhân Nghĩa diện tích 86,54ha và trên thực tế, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi trong cả 2 đợt là 75,1ha. Như vậy, diện tích còn lại là 26,19ha đất của Công ty Nhân Nghĩa không hề được tỉnh nhắc đến? Dư luận đặt ra một dấu hỏi: Tại sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa thu hồi? Hiện nay, khu đất này do ai quản lý? Vì sao Trung tâm phát triển quỹ đất lại không quản lý theo quy định của pháp luật?

Trong thông báo số 59/TB-UB ngày 24/3/2005 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, kết luận: “Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đề xuất kinh phí bằng nguồn ngân sách tỉnh bồi thường cho Công ty Nhân Nghĩa tại những khu vực dự án không hiệu quả của Công ty, những khu vực này UBND các xã, phường có trách nhiệm quản lý theo địa giới để thực hiện quy hoạch chung của tỉnh. Đối với những khu vực của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng có hiệu quả, phù hợp với dự án của Công ty Nhân Nghĩa trong phạm vi khu vực thu hồi tiếp tục sử dụng…”.

Tại văn bản ngày 21/4/2005, 06 thành viên thuộc vùng kinh tế 2 của Công ty Nhân Nghĩa cho biết, thành viên được giao 12ha đất nhưng đã bị lấy 2,5ha để làm Nghĩa trang Vĩnh Yên nên còn 9,5ha. Từ năm 1996 cho đến thời điểm bị thu hồi, các thành viên đã nghiêm chỉnh thực hiện dự án của Công ty Nhân Nghĩa về trồng cây ăn quả. Dù năm 2002, Công ty Kim Long chiếm đất, phá hoại sản xuất… nhưng các thành viên vẫn giữ trọn vẹn.

“Tuy nhiên, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và UBND xã, phường không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện kê khai thu hồi cả những diện tích đất của cá nhân, tổ chức đang sử dụng có hiệu quả như Tổ Hà Nội 2 và một số cá nhân khác đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các khu đồi rừng, vườn cây ăn quả đang trong thời kỳ cho thu hoạch, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, một chủ hộ khai hoang, sử dụng đất trồng rừng, trồng cây tại đây cho biết.

Đất rừng được thay thành nhiều công trình sai phép.
Múc đất, hạ cốt, bán đất, sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng đất trái quy định… gây bất bình đẳng, tạo bức xúc, khiếu kiện kéo dài tại địa phương.

Không những thế, nhiều người cho biết, sau khi thu hồi đất, UBND xã, phường đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, tiếp tay cho các đối tượng chiếm đất, tái lấn chiếm đất trái pháp luật, hình thành lợi ích nhóm trong xã hội: Múc đất, hạ cốt, bán đất, sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng đất trái quy định… gây bất bình đẳng, tạo bức xúc và khiếu kiện kéo dài tại địa phương.

Lập danh sách “ma” để trục lợi tiền bồi thường hỗ trợ GPMB?

Ngày 7/5/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 1443/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Theo đó, tổng số diện tích đất được thu hồi là 86,54ha được chia làm 2 đợt để bồi thường (đợt 1 là 7,3ha; đợt 2 là 67,84ha). Được biết, tổng kinh phí hỗ trợ đợt 2 được trên 15,5 tỷ đồng. Kèm theo đó là Bảng kê danh sách của 24 chủ hộ đã từng sử dụng trên khu đất mà Công ty Nhân Nghĩa được giao trước đó.

Theo tìm hiểu của Reatimes, chỉ riêng tại vị trí đồi Con Cóc thuộc xã Định Trung, các hợp đồng giao khoán sử dụng đất mà Công ty Nhân Nghĩa ký cho các hộ từ tháng 6/1995 và hoạt động liên tục, có hiệu quả đến tháng 4/2005 (đến khi UBND tỉnh có Thông báo quyết định thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa) gồm có 06 thành viên: Ông Nguyễn Vinh: P209 H2 - Thành Công, Ba Đình, Hà Nội; bà Bùi Thị Hạnh: P307 C1, Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội; ông Cao Xuân Tâm: 163 đường Thanh Bình, thị xã Hà Đông, Hà Tây; ông Nguyễn Văn Cửu: Nhà V2-207 Ngọc Khánh, Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Vinh: P502-C17 Thanh Xuân Bắc, Đống Đa, Hà Nội; bà Doãn Thị Thanh Thục: 128 Lạc Trung, Hà Nội.

Nhưng, danh sách tổng hợp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa không hề có tên các ông bà nêu trên, mà lại được thay thế bằng những cái tên khác. Theo chia sẻ của người đã từng tham gia trồng rừng nơi đây, thì đó là những cái tên lạ hoắc được lập ra hòng trục lợi từ tiền GPMB. 

Hay như, một trường hợp là ông Trịnh Minh Thắng có hộ khẩu thường trú tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo đó, ông Trịnh Minh Thắng công tác tại Trường dạy nghề số 11 từ năm 1986 - 2006, không thuộc diện giao khoán đất để trồng rừng trong dự án Công ty Nhân Nghĩa. Thế nhưng ông Trịnh Minh Thắng lại xuất hiện trong danh sách đền bù được phê duyệt theo Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 07/5/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, ông Thắng bị thu hồi 4.055,2m2 và số tiền được đền bù hỗ trợ GPMB là 415 triệu đồng.

Điều kỳ lạ là tất cả các biên bản về việc kiểm kê, phương án bồi thường GPMB khu vực thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa tại xã Định Trung và phường Liên Bảo lập ngày 14/8/2007, phần đại diện gia đình ký đều không thống nhất về tên. Cụ thể: Hộ gia đình sử dụng đất là Nguyễn Minh Thắng nhưng ký tên lại là Trịnh Minh Thắng. Và rồi vị Chủ tịch UBND xã Định Trung, ông Hoàng Duy Hân (nguyên Chủ tịch xã Định Trung) vẫn đặt bút ký xác nhận…

Việc một dự án của Công ty Nhân Nghĩa không được thực hiện theo đúng cam kết từ những năm 1994 đã kéo theo nhiều hệ lụy, xảy ra kiện tụng cho đến ngày hôm nay. Nguyên nhân chính cũng là do sự buông lỏng trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập, kiện cáo kéo dài… Không chỉ vậy, dư luận có nhiều băn khoăn, phải chăng đất đai, ngân sách của Nhà nước đã bị một số cá nhân nào đó lợi dụng để chia chác và trục lợi? Đặc biệt, UBND TP. Vĩnh Yên cũng như UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện về công tác quản lý tại xã Định Trung trong thời gian vừa qua; xử lý quyết liệt và triệt để những sai phạm của các cá nhân, tập thể để lấy lại niềm tin trong nhân dân./.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top