Vinh quang từ dám bắt đầu
Tôi có đứa cháu dâu con bà chị tên là Duyên, nhưng sự nghiệp của cháu, dẫu khởi nghiệp chưa lâu, không phải do “duyên”. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương “Bằng đỏ”, Duyên “theo chàng” về quê Hà Tĩnh. Ban đầu Duyên trúng tuyển vào làm kế toán tại Vietcombank Hà Tĩnh. Với người khác, có thể gọi là mơ ước và an phận. Duyên nghĩ khác.
Bản thân từng được đi Vương quốc Bỉ 6 tháng trong thời gian đang là sinh viên Ngoại thương, Duyên muốn góp phần vào việc tạo ra những thế hệ học sinh nơi quê nhà vốn có truyền thống hiếu học những kiến thức và kỹ năng, hướng đến thế hệ “công dân toàn cầu”. Nên Duyên xin nghỉ “chân” kế toán ngân hàng. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” (ca dao), Duyên lao vào đầu tư cơ sở dạy học Anh văn cho học sinh phổ thông cơ sở. Mới ba năm nhưng bây giờ học sinh của Duyên đã khá đông, “Trung tâm ngoại ngữ cô Duyên” đã và đang thành thương hiệu.
“Khởi nghiệp” theo Từ điển Tiếng Việt, có nghĩa là bắt đầu sự nghiệp, như cháu Duyên. Tất nhiên, định nghĩa luôn được làm mới. Đầu thế kỷ 20, “khởi nghiệp” với tư cách khái niệm được thế giới hoàn thiện và diễn đạt là quá trình tạo dựng một tổ chức kinh doanh, người khởi nghiệp là người sáng lập nên doanh nghiệp đó. Để phân biệt “khởi nghiệp” với hoạt động “lập nghiệp” thông thường, khái niệm khởi nghiệp được gắn với đặc thù là dựa trên sáng tạo, vì vậy có tên “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Theo các tài liệu học thuật quốc tế, Startup là doanh nghiệp hoặc một tổ chức tạm thời, được thiết kế để tìm ra một mô hình hoạt động có thể lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng. Trong văn bản hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được mô tả là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”.
Đây là vấn đề lớn, được Chính phủ từ nhiệm kỳ 2016 – 2020 quan tâm, cổ vũ. Văn bản pháp lý đầu tiên có thể kể đến, cách đây 5 năm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 844/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, gọi tắt là Đề án 884. Sau đó có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác từ Nghị định đến Thông tư về đổi mới sáng tạo. Trong học sinh sinh viên thì cách đây 5 năm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, gọi tắt là Đề án 1665.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện không đơn thuần là một “tinh thần” nữa mà trở thành cảm xúc, lan tỏa trong xã hội. Nó như cô gái đẹp, nết na, hấp dẫn được các chàng trai dòm ngó. Vì thế, nó thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng với “từ khóa” là sự xuất hiện rất nhiều giao diện về khởi nghiệp.
Ở tầm quốc gia, Việt Nam đã ra mắt “Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo Quốc gia” startup.gov.vn do Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu cách đây gần 4 năm trong khuôn khổ Techfest 2017 Hà Nội. Cũng xin nói thêm, từ năm 2016 Techfest trở thành sự kiện quốc gia thường niên lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhiều Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội cùng phối hợp tổ chức. Những ai quan tâm, có thể rất dễ dàng tìm hiểu.
Từ khởi đầu (Techfest) đến thành công “bàn chân” Startup phải đi trên “xa lộ” sáng tạo. Tất nhiên gian nan. Theo tổ chức Global Entrepreneurship Monitor thì một doanh nghiệp khi vừa thành lập sẽ trải qua 3 giai đoạn từ hình thành, phát triển ý tưởng đến thành lập doanh nghiệp và cuối cùng là duy trì và phát triển doanh nghiệp. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nghiên cứu đề tài tiềm năng khởi nghiệp rất nhiều. Các quốc gia này có tầm nhìn hướng về một xã hội, đất nước tốt đẹp, giàu mạnh khi có những doanh nghiệp mới được thành lập để cung cấp các giá trị mới cho toàn xã hội.
Từ một đến muôn, quốc gia sẽ hình thành “Hệ sinh thái khởi nghiệp”. Nó bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tạo đà tăng trưởng. Từ chính sách vĩ mô cũng như thực tiễn của các Startup cho thấy, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công. Tất nhiên, để có nó, rất nhiều việc phải làm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì “Hệ sinh thái khởi nghiệp” hội đủ các yếu tố: Thị trường, Nguồn nhân lực, Nguồn vốn và tài chính; Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (tư vấn); Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; Giáo dục và đào tạo; Các trường đại học, học viện; và Văn hóa quốc gia. Không thể chỉ một vài Starup cộng sinh, chia sẻ và bổ sung mà có hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này cho thấy, nó là kết quả của sự nỗ lực, cùng đồng hành của Chính phủ và cộng đồng Sartup.
Cuộc đời làm báo chí trao cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực đa dạng sinh học như GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, GS. SKH Võ Quý - người được xem là nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam. Cả hai ông đều dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu khoa học, đóng góp cho lĩnh vực đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.
Họ giải thích cho tôi, đa dạng sinh học vốn là sự cân bằng vĩnh cửu, con người nhận thức ra điều đó, đáng tiếc xã hội thực dụng, tiêu dùng “tấn công”, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên gây ra nguy hiểm cho chính con người. Dịch, bệnh từ trước đến nay, đặc biệt Covid-19 cho thấy sự sống trở nên mong manh quá đỗi. Covid-19, trước hết là “cáo trạng” về không gian sống bị hủy hoại.
Chắc các bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết, “SoBanHang” do hai anh em Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long sáng lập, ứng dụng này giúp các cửa hàng "số hóa" cuốn sổ cái truyền thống của mình. Mới thành lập cách đây hơn 4 tháng nhưng đã có hàng chục ngàn người đã đăng ký SoBanHang (Sổ Bán Hàng), nhiều người trong số đó lần đầu bán hàng qua mạng. Bùi Hải Nam là cái tên không lạ, anh chính là Quán quân tại Cuộc thi Startup Việt 2018, một cái tên nổi tiếng của “làng” thương mại điện tử Việt Nam. Cảm hứng sáng tạo mãnh liệt của Bùi Hải Nam, được đền đáp chính anh cũng bất ngờ. SoBanHang vừa gọi được vừa gọi được 1,5 triệu USD trong vòng “hạt giống”. Các nhà đầu tư như rót vốn vào là FEBE Ventures, Class 5, Kevin P.Ryan – nhà sáng lập Gilt Groupe, Business Insider và MongoDB.
Điều đáng mừng là những năm gần đây tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nắm bắt được xu thế vận động. Bạn có nghĩ là sự trùng hợp ngẫu nhiên không, khi mà ở “năm Covid thứ nhất”, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”? Covid-19 thành “cú hích” đổi mới sáng tạo từ thương mại điện tử đến lĩnh vực rộng lớn, vĩ mô như kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD, thực sự là con số ấn tượng.
Nhiều khái niệm tưởng lạ đã thành quen như kinh tế Internet, rồi sẽ quen như kinh tế số... Theo dự báo Google, Temasek và Brain & Company, vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet Việt Nam có khả năng đạt giá trị 52 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%. Thật khó hình dung, đúng không? Theo World Bank, số hóa là con đường giúp Việt Nam “thoát hiểm” đại dịch và tự chủ về kinh tế trước các rủi ro tương tự như Covid-19. Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu kinh tế số phải đóng góp 1/3 GDP của đất nước vào cuối thập niên, so với mức chỉ 5% hiện nay. Tất cả phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo, nắm chắc vận hội cách mạng 4.0 mang đến.
Và nữa, tùy theo lĩnh vực hoạt động của mình, nhiều doanh nhân đã hướng đến hình thành hệ sinh thái riêng của doanh nghiệp mình. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, CEO Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land đang phấn đấu hình thành nên “Hệ sinh thái Meey Land”. Tôi nghĩ các bạn trẻ đam mê sáng tạo sẽ được truyền cảm hứng từ Startup công nghệ tham vọng và triển vọng này. Ví dụ khác, về dự báo, có thể nay mai Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) sẽ hình thành nên “Hệ sinh thái Reatimes” lắm chứ? Từ tự nhiên vào xã hội, vào kinh tế... “Hệ sinh thái khởi nghiệp” trở nên gần gũi hơn nếu nhìn vào góc độ cộng sinh, chia sẻ và bổ sung trong đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái tự nhiên.
Việt Nam, dẫu thiên tạo ban tặng “Rừng vàng, biển bạc”, nhưng như chúng ta chứng kiến, đã cạn kiệt. “Người đẻ đất không đẻ” (thành ngữ xứ Nghệ), cũng là điều dễ thấy. Chúng ta đã nhận ra, chỉ có trí tuệ của người Việt là nguồn lực không bao giờ cạn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy nguồn lực vật chất (tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng…) là hữu hạn; còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người, của quần chúng nhân dân là vô hạn.
Đối với Việt Nam để phát triển, tránh rơi vào “bẫy trung bình”, phải khắc phục cho được các điểm yếu về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Khởi nghiệp giúp phát huy tiềm năng con người, phát triển nhanh nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, số lượng khởi nghiệp và ngược lại, đó cũng là lý do đầu tư nâng cấp hạ tầng.
Tôi nhớ tại lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói, sau mỗi lần cách mạng công nghiệp đều tạo ra thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp mới, đồng nghĩa với những thế hệ khởi nghiệp hoàn toàn mới. Do vậy, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cuộc cách mạng 4.0, của cuộc sống hiện nay.
Tôi nhắc đến cháu Duyên, bởi đó là ví dụ gần gũi minh chứng rằng, để hiện thực hóa khát vọng, trước hết phải vượt qua được bản thân mình. Bất giác tôi nhớ câu danh ngôn “Tất cả vinh quang đều đến từ sự dám bắt đầu” (Eugene F Ware). Hình như nhà chính trị Hoa Kỳ Eugene F Ware (1841 – 1911) dành câu nói này cho các bạn khởi nghiệp, sau ông hơn một thế kỷ?/.