Aa

VN-Index tăng điểm tuần thứ 3 liên tiếp, cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh

Thứ Hai, 25/05/2020 - 06:30

Thêm một tuần giao dịch nữa, VN-Index tăng điểm tốt dù phải chịu áp lực rung lắc khá mạnh. HNX-Index giảm sâu do "tội đồ" SHB bất ngờ bị bán tháo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực trong tuần từ 18 - 22/5, dù vậy, áp lực rung lắc vẫn còn xuất hiện và tạo áp lực khá lớn lên thị trường chung. VN-Index có 4 phiên tăng điểm tốt trong khi điều chỉnh trở lại ở phiên cuối tuần. HNX-Index giảm điểm do chịu ảnh hưởng bởi biến động mạnh của cổ phiếu SHB.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 952,74 điểm, tăng 3,11% so với tuần trước đó, HNX-Index giảm 1,82% xuống còn 107,04 diểm. UPCoM-Index tăng 2% lên 54,24 điểm.

Với việc thị trường tiếp tục hồi phục trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng. Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng mà đặc biệt là thép tăng giá rất mạnh, trong đó, HPG tăng đến gần 16% từ 23.500 đồng/cp lên thành 27.250 đồng/cp. HSG tăng 9,6% từ 8.850 đồng/cp lên thành 9.700 đồng/cp.

Trong top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ có 5 cổ phiếu giảm giá so với tuần trước đó là SHB, HVN, VIC, MCH và MSN. Trong đó, SHB giảm đến gần 15% và là nhân tố chủ chốt khiến HNX-Index có một tuần giao dịch tiêu cực khi có đến 3 phiên giảm điểm. Mức giảm của HVN, VIC, MCH và MSN là khá khiên tốn.

Biến động giá của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tuần từ 18-22/5.

Ở chiều ngược lại, HPG cũng chính là mã dẫn đầu về mức tăng giá của top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Tiếp sau đó, cổ phiếu VGI cũng để lại ấn tượng khi tăng gần 9,8% trong tuần qua. Trong tuần, VGI đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế quý tăng trưởng xấp xỉ 600%, từ 166 tỷ lên 1.157 tỷ đồng.

VEA và CTG cũng là 2 cái tên đáng chú ý khi tăng mạnh sau 1 tuần giao dịch, trong đó, VEA tăng 9,3% còn CTG tăng 9%. Ngày 23/5, CTG đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, trong đó, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận của VietinBank đang theo kế hoạch, dự kiến hết quý II đạt 6.000 tỷ đồng.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa tiếp tục diễn ra rõ nét, trong đó, một số cổ phiếu bứt phá rất mạnh như V11, TEG, DRH, FDC hay TIX. Trong đí, V11 tăng đến 51% từ 100 đồng/cp lên 151 đồng/cp, TEG tăng 40% từ 3.630 đồng/cp lên thành 5.080 đồng/cp, DRH cũng tăng hơn 15% chỉ sau 1 tuần giao dịch.

Chiều ngược lại, các mã như LMH, HRB, EFI hay VCR đều giảm trên 10%, trong đó, LMH giảm mạnh nhất với hơn 23% từ 1.210 đồng/cp xuống chỉ còn 930 đồng/cp. Trong tuần, LMH giảm sàn 3 phiên liên tiếp sau khi nhận quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của HoSE. Theo đó, 25,63 triệu cổ phiếu LMH của CTCP Landmark Holding từ ngày 19/6/2020. Lý do hủy niêm yết do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 của công ty – thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Đơn vị kiểm toán – Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) đã từ chối đưa ra ý kiến với 2 vấn đề trên BCTC năm 2019 của công ty này.

5 “ông lớn” trong ngành bất động sản là VIC, VHM, VRE, NVL và BCM diễn biến tương đối tích cực. Ngoài trừ việc VIC giảm nhẹ trong tuần qua thì cả 4 cổ phiếu còn lại đều tăng giá, trong đó, VHM tăng 6,8% từ 71.600 đồng/cp lên thành 76.500 đồng/cp, VRE tăng 7,05% từ 24.100 đồng/cp lên thành 25.800 đồng/cp.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất từ từ 18-22/5.

Thanh khoản thị trường tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thế, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 10,7% xuống 26.534 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 8,4% xuống 1.510 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 14% lên 3.201 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,2% xuống 315 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại có một tuần giao dịch không quá sôi động do không xuất hiện giao dịch thoả thuận đột biến. Tính chung cả 3 sàn, khối ngoại bán ròng hơn 160 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 122,5 tỷ đồng. Có đến 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top bán ròng là VRE, VIC và CII, trong đó, VRE bị bán ròng 85 tỷ đồng, VIC và CII có giá trị bán ròng lần lượt 59 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, VHM và KBC lọt vào top mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị lần lượt 114 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được khối ngoại mua (bán) ròng lớn nhất sàn HoSE trong tuần từ 18-22/5. Nguồn: Fialda

Đối với giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, khối này mua ròng trở lại hơn 185 tỷ đồng. Trong top bán ròng của khối tự doanh tuần qua chỉ có duy nhất cổ phiếu CRE năm trong nhóm bất động sản nhưng giá trị cũng chỉ là gần 11 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC được tự doanh CTCK mua ròng khá mạnh với gần 28 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5 đáo hạn vào thứ 5 với nhiều sự bất ngờ. Trong phiên hôm đó, hợp đồng này bất ngờ được đánh “thốc” cuối phiên ATC và chốt phiên basis dương (chênh lệch) đến 48,5 điểm so với thị trường cơ sở VN30 và điều này khiến lượng lớn hợp đồng khớp vào cuối phiên ở mức giá rất cao đều rơi vào trạng thái “lỗ” nặng.

Trong khi đó, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 lại duy trì mức basis âm lớn 34,24 điểm, cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn nghiêng về khả năng điều chỉnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top