Aa

VNCS hứa hẹn là cầu nối số 1 “dẫn dắt” vốn ngoại vào Việt Nam

Thứ Sáu, 19/04/2019 - 03:00

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết khẳng định HĐQT rất tham vọng vì các mục tiêu của VNCS rất triển vọng...

vgd

Sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

Đây là mục tiêu đầy tham vọng được ông Nguyễn Thành Lê, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS), có mã chứng khoán là CSI, chia sẻ sau khi tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019.

PV: Thưa ông, VNCS vừa tổ chức thành công ĐHCĐ lần thứ nhất sau khi chính thức giao dịch trên UPCoM, với nhiều kế hoạch, chỉ tiêu lớn được cổ đông đồng thuận và thông qua. Xin ông chia sẻ thêm về một số nội dung quan trọng được thông qua tại đại hội năm nay?

Ông Nguyễn Thành Lê: Ngày 31/3 vừa qua, VNCS đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2019. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường sắp tới của công ty, bởi vừa là đại hội đầu tiên sau khi chính thức lên sàn (cổ phiếu CSI chào sàn UPCoM ngày 15/3), vừa là đại hội thông qua được nhiều chiến lược, kế hoạch lớn trong năm 2019 và những năm tiếp theo của công ty.

Theo đó, tại ĐHCĐ lần này, nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng đã được thông qua, trong đó, điển hình là việc VNCS đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận lần lượt tăng hơn 360% và 160% trong năm 2019 – đây là mức tăng khá ấn tượng so với xuất phát điểm và cũng là bước nền tảng cho chặng đường phát triển kinh doanh những năm tiếp theo.

Cùng với đó, đại hội cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên mức 400 tỷ đồng ngay trong đầu quý II này, nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.

Chúng tôi kỳ vọng, khi nền tảng tài chính được bổ sung, công ty sẽ có nhiều sức mạnh để đẩy mạnh hiệu quả các mảng kinh doanh vốn có lợi thế và phát triển các lĩnh vực mới, gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho công ty, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.

Chưa dừng ở đó, ĐHCĐ lần này còn thể hiện sự quyết tâm lớn cũng như kiên định mục tiêu gắn bó lâu dài của cổ đông khi bày tỏ sự đồng thuận rất cao trong các vấn đề kiện toàn nhân sự hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực quản trị và quản lý rủi ro...

Có thể nói rằng, VNCS có thể còn “nhỏ và mới” nhưng chắc chắn sẽ “mạnh” trong thời gian tới, bởi chúng tôi tự tin với chiến lược và thế mạnh riêng có của mình.

Ông Nguyễn Thành Lê

Đây là những giải pháp để VNCS có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu Top 20 về vốn, Top 10 về thị phần và phát triển bền vững trong thời gian tới.

PV: Dù đã tồn tại trên TTCK Việt Nam từ khá lâu, nhưng VNCS mới thực sự hồi sinh mạnh mẽ sau khi các cổ đông lớn mua lại và cải tổ hoàn toàn từ Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng trước đây. Trên cương vị là tổng giám đốc công ty, ông có chia sẻ gì về áp lực của ban lãnh đạo khi hội đồng quản trị lại tiếp tục hành trình “làm lại từ đầu”, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Lê: Không phủ nhận rằng, những mục tiêu mà hội đồng quản trị đặt ra trong tương lai là rất tham vọng, song theo tôi, các mục tiêu đó là rất triển vọng. Bởi các mục tiêu đó đều đã được chúng tôi xây dựng và tính toán rất kỹ lưỡng dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển bài bản trong tương lai.

Nhìn lại quá khứ, dù đã tồn tại trên TTCK Việt Nam từ khá lâu, nhưng VNCS mới thực sự hồi sinh mạnh mẽ sau khi các cổ đông lớn mua lại và cải tổ hoàn toàn từ Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng trước đây.

Ông Nguyễn Thành Lê (bên phải) trao biên bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) với đại diện CTCP Tầm nhìn Tài chính (Fivision) hồi tháng 1/2019

Ông Nguyễn Thành Lê (bên phải) trao biên bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) với đại diện CTCP Tầm nhìn Tài chính (Fivision) hồi tháng 1/2019

Trên thực tế, với tiềm lực và chiến lược các cổ đông lớn, sức khỏe của công ty đã hồi phục thực sự khi năm 2017, VNCS đã bắt đầu có lãi. Quả thực, nếu so sánh trên bình diện chung, con số lợi nhuận dù chưa lớn, nhưng đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hồi sinh của VNCS từ một công ty dường như “đang ngủ” trước đó.

Với chúng tôi, dù chặng đường phía trước có thể còn chông gai, nhưng hiệu quả từ quá trình tái cơ cấu là nền tảng và động lực để bước tiếp vì phần nào đã cho thấy kết quả bước đầu của một chiến lược dài hạn.

Mục tiêu lớn chắc chắn sẽ đi kèm với đó là áp lực lớn dành cho ban lãnh đạo, nhưng chúng tôi tin tưởng vào con đường mà VNCS đã chọn nhờ chiến lược, tiềm năng và lợi thế riêng có của mình.

Theo đó, VNCS sẽ phát triển tất cả các mảng kinh doanh như dịch vụ ngân hàng đầu tư, môi giới, tự doanh, trong đó coi mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư mà mảng kinh doanh trọng tâm.

Với mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), VNCS sẽ triển khai trên cả 3 nghiệp vụ chính: dịch vụ thị trường vốn, dịch vụ thị trường nợ, tư vấn M&A. Chúng tôi sẽ tập trung khai thác các đối tác định chế tài chính, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc và Hồng Kông, hướng tới là cầu nối hàng đầu dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam.

Mảng môi giới cũng sẽ phát triển theo chiến lược “tối ưu hóa”, theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý, hiện đại hóa mô hình và phương thức kinh doanh,... nhằm tăng cường cạnh tranh lành mạnh về phí giao dịch và lãi suất cho vay ký quỹ (margin) để tạo ra điểm đến hấp dẫn cho khách hàng.

Mảng tự doanh sẽ được triển khai gắn chặt với hoạt động của khối dịch vụ ngân hàng đầu tư và cũng sẽ được đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới.

Ngoài ra, mảng nghiên cứu và tư vấn cũng sẽ tiếp tục được đầu tư lớn để phát triển các sản phẩm nghiện cứu và tư vấn có chất lượng cao, tìm ra nhiều cơ hội đầu tư vào ngành và doanh nghiệp tại Việt Nam.

PV: Phải chăng việc đưa công ty lên sàn UPCoM vừa qua của công ty cũng là cách mà ban lãnh đạo VNCS đặt mình vào “áp lực” để tạo ra “động lực” mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Lê: Đúng vậy, việc đưa CSI lên chính thức giao dịch trên sàn UPCoM cũng đồng nghĩa với yêu cầu về “hiệu quả hơn, chuẩn mực hơn và minh bạch hơn” trong chặng đường tiếp theo của VNCS. Điều này vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để hội đồng quản trị và ban lãnh đạo CSI phát triển doanh nghiệp một cách bài bản và nâng tầm quản trị một cách chuyên nghiệp.

Như chia sẻ ở trên, hiện tại, VNCS đã định hình rõ về chiến lược của công ty phát triển trên các mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư, môi giới, tự doanh, trong đó lấy mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư làm dịch vụ trọng tâm.

VNCS sẽ tập trung khai thác các đối tác định chế tài chính, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, hướng tới là cầu nối hàng đầu dòng vốn đầu tư (cả gián tiếp và trực tiếp) từ các thị trường này vào Việt Nam.

Hay nói một cách khác, việc đưa cổ phiếu lên sàn là chúng tôi xác định đặt mình vào một sân chơi lớn – sân chơi của chuẩn mực, của minh bạch, để từ đó mang lại hiệu quả phát triển bền vững trong tương lai.

Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo và cổ đông của VNCS cũng định hướng rõ, việc gia nhập UPCoM chỉ là bước khởi đầu, khi các điều kiện cho phép, VNCS sẽ hướng tới các sàn niêm yết lớn hơn.

Nói tóm lại, áp lực sẽ luôn hiện hữu và chúng tôi sẽ đồng hành để biến “áp lực thành động lực”. Có thể nói rằng, VNCS có thể còn “nhỏ và mới” nhưng chắc chắn sẽ “mạnh” trong thời gian tới, bởi chúng tôi tự tin với chiến lược và thế mạnh riêng có của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiện nay VNSC là công ty chứng khoán Việt Nam giữ vị thế số 1 trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ của TTCK Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường vai trò cầu nối tại hai thị trường trọng điểm quốc tế đó, tại Việt Nam, VNSC cũng đặt mục tiêu đi đầu trong việc hình thành các sản phẩm nghiên cứu đa dạng bằng cả audio và video - đây là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai của TTCK Việt Nam.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top