
VNPAY và vị thế kiến tạo "đời sống số", đưa Fintech Việt vươn tầm châu Á
Gần 2 thập kỷ hoạt động, bằng tầm nhìn vượt thời gian và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) từ một "người chơi mới" trên thị trường fintech đã vươn lên vị thế "kỳ lân" tỷ đô, thay đổi sâu sắc đời sống số của hàng triệu người Việt.
Từ giải pháp VNPAY-QR mang tính cách mạng đến ứng dụng VNPAY toàn năng, VNPAY đã vẽ lại bản đồ thanh toán tại Việt Nam. Không dừng lại ở thành công trong nước, VNPAY nay đã sẵn sàng cho một sân chơi lớn hơn, mang trí tuệ Việt ghi danh trên đấu trường công nghệ tài chính châu Á.
*****
Các giải pháp thanh toán số đang trở thành xương sống của nền kinh tế hiện đại, mang lại những lợi ích toàn diện cho cả xã hội, doanh nghiệp và hệ thống tài chính. Trước hết, phương thức này giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh tế bằng cách loại bỏ các chi phí khổng lồ liên quan đến việc in ấn, kiểm đếm, vận chuyển và bảo quản tiền mặt, đồng thời tăng tốc độ luân chuyển vốn. Giao dịch tức thời cho phép doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh hơn, tối ưu hóa dòng tiền và đẩy nhanh chu kỳ sản xuất - kinh doanh. Quan trọng hơn, mọi giao dịch số đều được ghi nhận, tạo ra sự minh bạch cần thiết để góp phần chống các hoạt động phi pháp như rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế.
Đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, thanh toán số đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng nguồn vốn huy động. Khi người dân và doanh nghiệp sử dụng tài khoản để thanh toán, lượng tiền gửi không kỳ hạn sẽ tăng lên, tạo ra nguồn vốn giá rẻ dồi dào để các ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng. Song song đó, việc giảm lượng tiền mặt trong lưu thông giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), các nền kinh tế thâm dụng tiền mặt thường tăng trưởng chậm và bỏ lỡ các lợi ích tài chính lớn. Ngược lại, việc chuyển đổi sang thanh toán số có thể giúp các quốc gia phát triển tăng thêm 1 điểm phần trăm GDP mỗi năm, và với các nền kinh tế mới nổi, con số này có thể lên tới 3 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, vai trò của thanh toán số đã vượt ra khỏi khuôn khổ một nghiệp vụ đơn lẻ để trở thành trung tâm của hệ sinh thái dịch vụ hiện đại, làm nền tảng cho ngân hàng số, ví điện tử và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Do đó, việc phát triển các giải pháp này không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một công cụ chiến lược để nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) ra đời dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập - doanh nhân Trần Trí Mạnh cùng các cộng sự. Sự xuất hiện của VNPAY vào thời điểm đó được đánh giá là một bước đi ngược dòng đầy mạo hiểm, bởi tiền mặt gần như đang chi phối toàn bộ dòng chảy của nền kinh tế và thói quen xã hội, trong khi khái niệm "thanh toán điện tử" vẫn còn xa lạ, mơ hồ với phần lớn người dân và doanh nghiệp.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2003 cho thấy, ngay cả trong khối doanh nghiệp tư nhân lớn (trên 500 công nhân), cũng chỉ có khoảng 63% giao dịch được thực hiện qua ngân hàng. Với các doanh nghiệp nhỏ (ít hơn 25 công nhân), con số này thấp hơn nhiều, chỉ còn 47%. Đáng chú ý, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, họ đều chọn trả lương cho người lao động bằng những cọc tiền mặt.
Trong đời sống dân sinh, sự lệ thuộc tiền mặt còn rõ nét hơn. Có đến 86,2% hộ kinh doanh chi trả hàng hóa bằng tiền mặt, 75% thanh toán dịch vụ và 72% nộp thuế cũng bằng tiền mặt. Đến tận năm 2006, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán (M2) vẫn ở mức cao ngất ngưởng, lên tới 18,5%, phản ánh một thực tế rằng tiền mặt gần như là công cụ không thể thay thế.
Tiền mặt trở thành một công cụ thanh toán không hạn chế về đối tượng và phạm vi sử dụng. Cùng với đó, phần lớn chi phí liên quan đến lưu thông tiền mặt như in ấn, phát hành, thu huỷ, vận chuyển, bảo quản, an ninh… đều là chi phí xã hội do Nhà nước gánh chịu. Người tiêu dùng chỉ phải chi trả một phần nhỏ như chi phí kiểm đếm, trong khi lại được hưởng những ưu điểm nổi bật như thanh toán tức thời, tính ẩn danh cao và thủ tục cực kỳ đơn giản. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi tiền mặt trở thành lựa chọn ưa thích của đại đa số người dân và doanh nghiệp, ăn sâu vào thói quen xã hội suốt nhiều năm liền. Đó cũng chính là lực cản lớn nhất đối với bất kỳ nỗ lực nào muốn thay đổi cục diện thanh toán tại Việt Nam. Bởi mọi nỗ lực thay đổi không chỉ đòi hỏi công nghệ, mà còn cần bản lĩnh vượt qua sự hoài nghi phổ quát. Thách thức lớn nhất không nằm ở kỹ thuật, mà ở việc chạm tới niềm tin của hàng triệu người đã quen với sự tiện lợi của tiền mặt.
Giai đoạn đầu thập niên 2000, tiền mặt gần như chi phối toàn bộ dòng chảy của nền kinh tế và thói quen xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Giữa "pháo đài tiền mặt" tưởng như bất khả xâm phạm ấy, những người sáng lập VNPAY vẫn nhìn thấy một con đường khác. Họ không bị choáng ngợp bởi những con số thống kê lạnh lùng hay bị khuất phục trước rào cản tâm lý của thời điểm hiện tại. Ngược lại, họ chọn đặt niềm tin vào một tương lai được kiến tạo bởi quốc gia có cơ cấu "dân số vàng", với thế hệ trẻ năng động, học hỏi nhanh, tỷ lệ người dùng smartphone ngày một gia tăng và sự cởi mở với công nghệ hiện đại.
Tầm nhìn chiến lược đó đã trở thành nền tảng để VNPAY đặt những viên gạch đầu tiên cho một cuộc cách mạng âm thầm nhưng kiên định trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Không chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ hiện đại, VNPAY còn góp phần làm thay đổi tư duy thanh toán của người tiêu dùng, kéo thị trường tiến gần hơn đến mục tiêu không dùng tiền mặt.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, tổng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 17,7 tỷ giao dịch, với giá trị 295 triệu tỷ đồng, tăng 56% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đằng sau những con số ấn tượng này là sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp công nghệ tài chính, trong đó VNPAY đóng vai trò nổi bật.
Sau gần hai thập kỷ phát triển, VNPAY đã vươn mình trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam, nằm trong top 100 sản phẩm, dịch vụ được tin dùng và được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng cấp quốc gia. Nhưng hơn tất cả những danh hiệu ấy, thành tựu lớn nhất mà VNPAY khẳng định chính là vai trò tiên phong, dám chọn con đường khó để mở ra một lối đi mới cho mục tiêu phát triển kinh tế số của quốc gia.
Sau gần hai thập kỷ phát triển, VNPAY đã vươn mình trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Sau khi đặt những viên gạch đầu tiên giữa thị trường tiền mặt là "vua", VNPAY không dừng lại ở vai trò người mở đường mà tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa dịch vụ để từng bước xây nền cho hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam.
Ngay từ tháng 3/2009, VNPAY đã trở thành một trong những công ty đầu tiên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán Ví điện tử theo Quyết định số 675/QĐ-NHNN. Sau 7 năm triển khai, không chỉ chứng minh hiệu quả của mô hình mới, VNPAY còn tạo tiền đề cho làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt lan rộng.
Nhờ những đóng góp tích cực, đến năm 2016, VNPAY chính thức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với đầy đủ các mảng: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử, Dịch vụ hỗ trợ thu hộ - chi hộ, Dịch vụ chuyển tiền điện tử và Ví điện tử.
Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến vào năm 2017, khi VNPAY ra mắt thành công giải pháp thanh toán bằng mã QR đầu tiên tích hợp trực tiếp trên nền tảng Mobile Banking. Ý tưởng tưởng chừng đơn giản này lại tạo ra một cuộc cách mạng trong hành vi tiêu dùng. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng, quét mã QR tại điểm bán là có thể hoàn tất giao dịch nhanh chóng, an toàn mà không cần tiền mặt hay thẻ vật lý.



VNPAY-QR hiện đã tiếp cận khoảng 20 triệu người dùng.
Từ vài điểm thử nghiệm ban đầu, chỉ sau vài năm, mã VNPAY-QR đã phủ sóng tại hàng trăm nghìn điểm thanh toán trên khắp cả nước, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, quán cà phê, đến trạm xăng, bệnh viện, trường học… Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng số giao dịch thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam hằng năm tăng trưởng trên 100%, như năm 2024 tăng 104% về mặt số lượng và trên 97% về mặt giá trị. Trong đó, phần lớn thị phần thuộc về hệ thống VNPAY.
Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 năm 2021, khi thanh toán "không chạm" trở thành ưu tiên, VNPAY-QR đã chứng minh vai trò của một công cụ thanh toán "xanh", tiện lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Cũng trong giai đoạn này, lượng giao dịch thanh toán tăng trưởng đột phá với hơn 300% so với cùng kỳ năm trước, một con số cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của mô hình.
Đến nay, cổng thanh toán VNPAY-QR đã cung cấp dịch vụ tới hơn 40 ngân hàng, 8 ví điện tử và nhiều tổ chức thanh toán quốc tế như UnionPay, Visa, MasterCard, PayPal… VNPAY cũng là đối tác thanh toán tin cậy của các tập đoàn lớn như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Red Sun Group (với chuỗi nhà hàng nổi tiếng như King BBQ, ThaiExpress, Sushi Kei…), tập đoàn AEON, FPT, cùng các nhà mạng lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel…
Đặc biệt, giải pháp này hiện đã tiếp cận khoảng 20 triệu người dùng, khẳng định vị thế của VNPAY như một trụ cột trong hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.
Không chỉ chinh phục thị trường, VNPAY-QR còn khẳng định vị thế trên bình diện quốc gia, khi hai lần liên tiếp được vinh danh là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia vào các năm 2020 và năm 2022. Đặc biệt trong lần đầu tiên năm 2020, VNPAY là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực thanh toán điện tử được vinh danh, vượt qua hơn 1.000 hồ sơ và hệ thống đánh giá khắt khe của Hội đồng xét duyệt.
Giải pháp này không chỉ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của tổ chức thẻ quốc tế, mà còn thỏa mãn các yêu cầu của "tiêu chuẩn QR Code" do Ngân hàng Nhà nước ban hành, đồng thời ứng dụng công nghệ AI để xác thực người dùng, ngăn ngừa rủi ro và dần hình thành thói quen tiêu dùng thông minh.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Tổng Giám đốc VNPAY cho biết, giải pháp thanh toán VNPAY-QR hai lần được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia là một vinh dự rất lớn, tiếp thêm động lực cho VNPAY trong hành trình phát triển.
"Khi có thêm danh hiệu cũng đồng nghĩa sẽ có thêm áp lực, chúng tôi cần cố gắng để đưa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, bền vững hơn xứng đáng danh hiệu, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những sản phẩm, dịch vụ có giá trị, kiến tạo cho cuộc sống đơn giản hơn", bà Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, cú hích từ VNPAY-QR còn trở thành bàn đạp để doanh nghiệp gọi vốn thành công từ hai quỹ đầu tư hàng đầu thế giới là SoftBank Vision Fund và GIC vào năm 2020. Sự kiện này đánh dấu cột mốc vàng son, đưa VNPAY chính thức trở thành "kỳ lân công nghệ" thứ hai của Việt Nam, có mức định giá vượt mốc 1 tỷ USD. Trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPAY hiện đã ghi danh vào danh sách 12 "kỳ lân công nghệ", sánh vai cùng những cái tên đình đám như Grab, Gojek, Lazada, Traveloka, Bukalapak, Tokopedia…
Chia sẻ về hành trình đưa VNPAY trở thành "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam, ông Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược Kinh doanh VNPAY khẳng định, con người và công nghệ là hai trụ cột then chốt tạo nên thành công của doanh nghiệp.
"Chúng tôi may mắn có một đội ngũ nhân sự chất lượng, gắn bó suốt nhiều năm. Đồng thời, chúng tôi sớm nhận ra lợi thế công nghệ và quyết tâm đầu tư lớn, bài bản cho cả con người lẫn nền tảng kỹ thuật, công nghệ", ông Bình chia sẻ.
Theo ông, doanh nghiệp luôn đi theo giá trị cốt lõi đã được đặt ra, đó là việc sẵn sàng đầu tư. Đồng thời, VNPay cũng có những chiến lược đầu tư dài hạn và ngắn hạn một cách rõ ràng, uyển chuyển. Chính vì vậy, doanh nghiệp không ngại "chi tiền" để đầu tư vào con người và công nghệ.
Nhưng điều làm nên khác biệt chính là cách VNPAY đồng hành cùng các đối tác. "Chúng tôi luôn xem mình như một phần trong gia đình đối tác cùng chia sẻ lợi nhuận và doanh thu. Nếu sản phẩm không đủ tốt, không mang lại hiệu quả, chính chúng tôi cũng không có lợi nhuận. Mọi khoản đầu tư khi đó đều trở nên vô nghĩa", ông Bình nhấn mạnh.
Khác với mô hình cung ứng dịch vụ thuê ngoài (outsourcing), VNPAY lựa chọn con đường hợp tác giá trị, xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng phát triển. Thay vì chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ đơn thuần, VNPAY chủ động tham gia vào quá trình đồng kiến tạo giải pháp cùng ngân hàng và đối tác. Mỗi sản phẩm không chỉ mang dấu ấn công nghệ, mà còn được "may đo" để phù hợp với đặc thù hoạt động của từng tổ chức tài chính. Mô hình hợp tác này giúp các bên không chỉ chia sẻ rủi ro, mà còn cùng hưởng lợi từ giá trị gia tăng và sự mở rộng hệ sinh thái số. Chính tư duy "đồng hành thay vì cung ứng" đã tạo nên sự gắn kết dài hạn và là nền tảng để VNPAY mở rộng bền vững trong một thị trường đầy cạnh tranh.
"Chúng tôi hiểu rằng, các ngân hàng và doanh nghiệp lớn cần một đối tác đồng hành, không chỉ là nhà cung cấp giải pháp. Chính tư duy chia sẻ, gắn bó này đã đưa VNPAY đến thành công ngày hôm nay", ông Ôn Như Bình chia sẻ.
Với tư duy chiến lược, năng lực công nghệ vững vàng và văn hóa đồng hành cùng đối tác, VNPAY không chỉ mở lối đi riêng trong lĩnh vực thanh toán số, mà còn góp phần khẳng định vị thế công nghệ Việt trên bản đồ đổi mới toàn cầu.
Mới đây tại Singapore, VNPAY được xướng tên tại Asia Banking & Finance (ABF) FinTech Awards 2025 với hai giải thưởng danh giá: Blockchain Innovation Award (Đổi mới sáng tạo Blockchain) và Ecosystem Collaboration Award (Hợp tác Hệ sinh thái).
Trong đó, Blockchain Innovation Award là giải thưởng vinh danh việc VNPAY tích hợp thành công công nghệ blockchain vào ứng dụng VNPAY (VNPAY app), giúp mã hóa và ghi nhận mọi giao dịch với tính bất biến, hạn chế tối đa rủi ro gian lận. Dữ liệu người dùng, thông tin giao dịch và lịch sử tiêu dùng được lưu trữ phân tán, bảo đảm tính năng bảo mật ở mức cao nhất nhưng vẫn đáp ứng khả năng truy xuất minh bạch khi cần thiết.
VNPAY được xướng tên tại Asia Banking & Finance (ABF) FinTech Awards 2025 với hai giải thưởng danh giá: Blockchain Innovation Award và Ecosystem Collaboration Award.
Không dừng lại ở ứng dụng thanh toán cho người dùng cuối, VNPAY còn đưa công nghệ blockchain vào các giải pháp tích hợp với ngân hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán và các bên liên kết trong hệ sinh thái. Đây là bước đi hiếm thấy tại Việt Nam, thể hiện tư duy đổi mới trong ứng dụng công nghệ lõi vào thực tiễn.
Trong khi đó, giải thưởng Ecosystem Collaboration Award là sự khẳng định tầm nhìn xây dựng một nền tảng mở của VNPAY, giúp kết nối người dùng với mọi nhu cầu từ giao thông, du lịch, giải trí đến y tế, giáo dục… nhằm tạo ra một hệ sinh thái nơi các bên cùng cộng hưởng giá trị.
"Chúng tôi mong muốn mỗi lần mở ứng dụng VNPAY, người dùng sẽ tìm thấy những giải pháp hữu ích, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Đây là cách VNPAY đồng hành bền vững cùng người Việt trong hành trình tiêu dùng số thông minh và hiện đại", bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Tổng Giám đốc VNPAY chia sẻ.
Việc được vinh danh tại 2 giải thưởng Asia Banking & Finance FinTech Awards 2025 không chỉ là ghi nhận quốc tế cho nỗ lực đổi mới công nghệ và chiến lược phát triển hệ sinh thái số của VNPAY, mà còn là dấu mốc thể hiện sự trưởng thành và bản lĩnh vươn xa của fintech Việt Nam.
Trong bối cảnh các nền kinh tế số tại châu Á đang cạnh tranh khốc liệt, nơi những cái tên đến từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn thường chiếm thế thượng phong, việc một doanh nghiệp Việt như VNPAY được xướng tên cho thấy năng lực nội tại và tư duy chiến lược của các công ty công nghệ trong nước đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ, dần định vị được thương hiệu trên bản đồ số châu Á và thế giới.
Một dấu ấn quan trọng khác trong hành trình nâng tầm công nghệ Việt là việc VNPAY trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và xếp thứ 26 trên thế giới đạt chứng chỉ bảo mật MPoC - tiêu chuẩn quốc tế mới nhất dành cho thanh toán di động. Đây là bộ tiêu chuẩn do Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật Ngành Thẻ Thanh toán (PCI SSC) ban hành, nhằm thiết lập các yêu cầu nghiêm ngặt cho các giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động thông minh.
Khác với các tiêu chuẩn trước đây vốn chỉ áp dụng cho thiết bị chuyên dụng, MPoC mở rộng phạm vi bảo mật sang cả thiết bị di động. Nhờ đó, người dùng có thể vừa nhập mã PIN, vừa thực hiện thanh toán không tiếp xúc ngay trên smartphone, mà không cần đến máy POS vật lý. Đây là bước tiến lớn, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ thanh toán hiện đại theo cách linh hoạt và thân thiện hơn với người dùng cuối.
Để đạt được chứng chỉ này, giải pháp của VNPAY phải đáp ứng hơn 190 yêu cầu kỹ thuật khắt khe liên quan đến bảo mật, giám sát và vận hành hệ thống. Ngoài mã hóa dữ liệu đầu - cuối, tiêu chuẩn này còn yêu cầu khả năng phát hiện tấn công, kiểm tra bảo mật định kỳ, và đảm bảo an toàn trong toàn bộ quá trình cài đặt, sử dụng và cập nhật phần mềm trên thiết bị.
Một doanh nghiệp Việt được công nhận cùng chuẩn với những "gã khổng lồ" như Apple, Visa, Mastercard… cho thấy năng lực công nghệ của Việt Nam đang tiến sát đến những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong lĩnh vực tài chính số. Điều mà trước đây được xem là xa xỉ, thậm chí không dám nghĩ tới.
Đáng chú ý, MPoC không đơn thuần là một "tấm hộ chiếu kỹ thuật", mà còn là cánh cửa để các doanh nghiệp sở hữu chứng chỉ có thể mở rộng hợp tác khi phần lớn các hệ thống thanh toán quốc tế đều đặt yếu tố tuân thủ bảo mật làm điều kiện tiên quyết.
Quan trọng hơn, điều này phản ánh một bước chuyển về chất trong tư duy doanh nghiệp Việt, từ "ứng dụng công nghệ" sang "tạo chuẩn công nghệ". Nếu trước kia các doanh nghiệp chủ yếu tích hợp giải pháp từ nước ngoài, thì nay, VNPAY cho thấy vai trò tiên phong khi tham gia cuộc chơi toàn cầu ở vị thế kiến tạo, đủ năng lực định hình xu hướng và nâng tầm thị trường.
Không dừng lại ở danh hiệu hay chứng chỉ, các thành tựu công nghệ còn góp phần truyền cảm hứng, tạo động lực cho cộng đồng startup fintech mạnh dạn theo đuổi đổi mới một cách bài bản, có chiều sâu và định hướng toàn cầu.
Không còn là những người theo sau, các doanh nghiệp Việt như VNPAY đang từng bước trở thành lực lượng dẫn dắt, mở rộng không gian sáng tạo và thúc đẩy sự hình thành một hệ sinh thái tài chính số có bản sắc riêng, vững vàng trên sân chơi khu vực và quốc tế.
*****
Nhìn lại hành trình gần hai thập kỷ phát triển, VNPAY không đơn thuần là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp thanh toán số. Vai trò thực sự của họ là thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt, từ thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử, từ mua sắm truyền thống sang trải nghiệm mua sắm thông minh.
Điều quan trọng hơn cả là VNPAY đã làm được một điều không hề dễ - xây dựng lòng tin vào công nghệ trong đời sống thường nhật. Đó là sự an tâm khi quét mã QR để thanh toán bữa sáng, là sự tiện lợi khi nộp học phí cho con chỉ qua vài thao tác trên điện thoại, hay là cảm giác tin cậy khi mua hàng online qua VnShop mà không lo bị lừa đảo.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 50% giao dịch thương mại điện tử không dùng tiền mặt, có thể nói những "hạ tầng mềm" như VNPAY giữ vai trò then chốt, là mắt xích không thể thiếu trong hệ sinh thái thanh toán số và tiến trình xây dựng một nền kinh tế số toàn diện.
Không quá lời khi nói rằng, nếu nền tài chính tương lai của Việt Nam là một xã hội không tiền mặt, thì hành trình ấy đã được khởi đầu từ những nỗ lực âm thầm nhưng bền bỉ của những đơn vị tiên phong như VNPAY./.
Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.
Năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.
Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.
Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đã và đang có thể tiếp tục nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!