Aa

VNPT phải chống được lợi ích nhóm khi IPO cuối năm 2019

Thứ Tư, 20/02/2019 - 20:00

Tại buổi làm việc đầu năm, Phó thủ tướng đề nghị VNPT chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước...

 hình ảnh dây chuyền sản xuất ở Nhà máy 2 - VNPT Technology

Hình ảnh dây chuyền sản xuất ở Nhà máy 2 - VNPT Technology

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã có buổi làm việc đầu năm với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh gọn, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ông nhấn mạnh tiêu chí tuyển dụng cán bộ phải trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm. Mỗi vị trí việc làm đều phải đảm bảo đủ khả năng xây dựng được một đề án cải cách hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi Tập đoàn, tổng công ty, ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ, trừ trường hợp đặc biệt, chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

Tại VNPT, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã có bước chuyển mạnh mẽ. Riêng năm 2018 doanh thu đạt gần 155.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tốc độ tăng trưởng 25,3%, thu nhập bình quân của người lao động lên đến 28 triệu đồng/tháng, đây là những con số rất ấn tượng.

Phó Thủ tướng hy vọng giai đoạn tới VNPT sẽ là hình mẫu làm bùng nổ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam, vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số vào năm 2025.

Phó Thủ tướng đề nghị VNPT chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.

Hậu IPO, Nhà nước chỉ nắm 65% vốn chủ sở hữu

Theo Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018-2020, VNPT sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán 35% cổ phần vào cuối năm 2019.

Như vậy, sau IPO, Nhà nước chỉ còn tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu tại VNPT.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, VNPT đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 Việt Nam vào năm 2025 và trung tâm dịch vụ số của khu vực vào năm 2030.

Theo đó, VNPT sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột. Một là phát triển công nghiệp liên quan đến các thiết bị đầu cuối do VNPT Technology thực hiện. Hai là các công ty sản xuất thiết bị vật tư, sản xuất công nghiệp sẽ được nhóm lại. Và ba là mảng dịch vụ tích hợp viễn thông, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, về hệ thống sự nghiệp, VNPT sẽ sáp nhập Bệnh viện phục hồi chức năng Bưu Điện (tại Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại Hà Nội). Các doanh nghiệp mà VNPT góp vốn cũng được cơ cấu lại theo hướng trở thành các doanh nghiệp phụ trợ cho Tập đoàn. Với các đơn vị nhỏ thì VNPT đang tập trung thoái vốn.

Ông Liêm cho biết tình hình thoái vốn của VNPT có một số vướng mắc. VNPT hy vọng việc thoái vốn ở một loạt doanh nghiệp thuận lợi hơn khi Nghị định 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi trong thời gian tới. Đối với các công ty mà VNPT khó có thể thoái vốn thì sẽ được chuyển sang cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top