Trao đổi với báo chí về phương án cổ phần hoá mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT thực hiện cơ cấu lại các mảng kinh doanh quốc tế và kỹ thuật quốc tế hiện đang chồng chéo trong chuỗi giá trị. Mảng kỹ thuật sẽ chuyển về Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT – Net), còn mảng kinh doanh chuyển về VinaPhone.
VNPT Global sẽ được thành lập sau khi cổ phần hóa để quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. VNPT Global giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình mở rộng thị trường, bao gồm cả việc mua bán và sáp nhập ở nước ngoài.
Sau IPO, Nhà nước sẽ còn tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu. Tập đoàn này đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 Việt Nam vào năm 2025 và trung tâm dịch vụ số của khu vực vào năm 2030.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, VNPT cần phải đảm bảo doanh thu hằng năm tăng trưởng 8 – 12%. Doanh thu dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ chiếm tỷ trọng từ 25% trở lên trong tổng doanh thu.
VNPT phấn đấu đến năm 2022, chỉ số này tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận của VNPT hiện nay đang ở mức rất thấp nếu so với các đối thủ cạnh tranh như Vietel hay FPT.
Trong quá khứ, VNPT nhiều lần đã không thoái vốn theo kế hoạch, tuy nhiên, với quyết định mới được ban hành, cùng xu hướng lên sàn niêm yết của các tập đoàn lớn trong vài năm trở lại đây, có thể kỳ vọng kế hoạch IPO năm 2019 của VNPT sẽ trở thành hiện thực và là một thương vụ lớn được cả thị trường chờ đợi./.