Aa

VNREA làm việc với Nhật Bản về dự án hợp tác đào tạo, trao đổi công nhân xây dựng

Thứ Sáu, 20/01/2017 - 03:13

Sáng 19/1, tại Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản về nội dung xoay quanh hợp tác dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài".

Tham dự buổi làm việc, phía Hiệp hội BĐS Việt Nam có sự tham gia của TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch hiệp hội; ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch hiệp hội, Chủ tịch HĐQT CEO Group; TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký hiệp hội; cùng đông đảo doanh nghiệp hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam. 

Các đại diện VNREA và đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã thỏa thuận cùng hợp tác xây dựng và thực hiện dự án “Phát triển Đào tạo - Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài”. Dự án nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho các công nhân xây dựng trước khi sang Nhật Bản làm việc, đồng thời tìm kiếm các cơ hội việc làm cho những tu nghiệp sinh từ Nhật Bản và Việt Nam.

Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác thực hiện dự án này, hai bên Việt Nam và Nhật Bản thống nhất sẽ tổ chức các cuộc hội nghị trao đổi lẫn nhau giữa các thành viên; Trao đổi mọi thông tin liên quan đến việc thực hiện chương trình; Tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác thực hiện chương trình giáo dục đào tạo tu nghiệp sinh trước khi sang Nhật Bản.

Hai bên cũng đi đến thống nhất VNREA sẽ là đầu mối để thực hiện chương trình tại Việt Nam, phía Nhật Bản cũng sẽ cử ra đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chương trình.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa VNREA và Nhật Bản.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa VNREA và Nhật Bản. Ảnh: Trần Kháng

Tại buổi làm việc, đại diện Nhật Bản đã trình bày những nội dung liên quan đến chương trình đào tạo và lộ trình tiếp nhận các tu nghiệp sinh Việt Nam đến Nhật Bản.

Theo đó, bà Yoshi Motor, đại diện phía Nhật Bản giới thiệu về chương trình đào tạo nêu trên cho biết, trong thời gian 3 năm, các tu nghiệp sinh sẽ được tham gia khóa học bài bản, mang tính chuyên môn về lĩnh vực xây dựng. Phía Nhật Bản mong muốn các thực tập sinh có trình độ tiếng Nhật nghe, hiểu nhất định để khi đến Nhật Bản tham gia khóa học không gặp khó khăn. 

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, việc đào tạo nâng cao trình độ tiếng Nhật cho tu nghiệp sinh hiện nay thường bắt đầu bằng việc nhớ từ vựng trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, khi sang Nhật Bản, tu nghiệp sinh còn cần dùng đến các từ ngữ chuyên ngành rất khó. Do đó, vị này cho rằng các tu nghiệp sinh cần tham gia khóa học đào tạo tiếng Nhật Bản hoặc đào tạo chuyên ngành một cách bài bản trước khi sang Nhật. 

Ngoài việc nâng cao trình độ tiếng, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn các tu nghiệp sinh cần tham gia khóa học về văn hóa cũng như quy định về an toàn lao động tại Nhật Bản nhằm đạt được hiệu quả công việc, học tập cao nhất trong quá trình các tu nghiệp sinh tham gia đào tạo và làm việc tại Nhật Bản.

TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hộ BĐS Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Kháng.

TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Kháng.

Về phía Việt Nam, bàn về đối tượng thực tập sinh trong chương trình đào tạo, TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, đối tượng của chương trình đào tạo gồm: thanh niên nông thôn, thành thị tốt nghiệp phổ thông chưa có việc làm, chưa vào các trường trung cấp, trường dạy nghề, có nguyện vọng tham gia các chương trình đào tạo nước ngoài, học và làm việc để có thu nhập, sau khi về nước sẽ được làm những công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo.

Đối tượng của chương trình bao gồm cả các công nhân đang xây dựng ở các công trình, có nguyện vọng đi nước ngoài để có thu nhập cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để quay về nước làm việc; những người đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa có việc làm.

Bên cạnh đó, có nguyện vọng tham gia chương trình đào tạo tại Nhật Bản còn có một số kỹ sư xây dựng ở Việt Nam (vừa tốt nghiệp đại học, đã làm việc được một số năm trong các tập đoàn). Theo TS. Phan Hữu Thắng, số đối tượng kỹ sư có nguyện vọng đi thực tập sinh chỉ chiếm số lượng ít vì cơ bản họ đã có vị trí công việc tương đối ở trong nước, thu nhập ổn định nhưng cũng có những người muốn trau dồi kinh nghiệm ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội làm việc tốt hơn sau khi trở về nước. Do đó, TS. Phan Hữu Thắng đề xuất, những đối tượng này phải được đào tạo ở những chương trình riêng, không thể “cào bằng” áp dụng chung một chương trình cho tất cả các đối tượng.

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cho biết: "Trước khi phái cử tu nghiệp sinh sang nước ngoài, chúng tôi có chương trình đào tạo cho các em từ 4 – 6 tháng, những quy định về an toàn lao động cũng được đặt ra trong chương trình đào tạo ban đầu. Hầu như các doanh nghiệp nước ngoài mà chúng tôi hợp tác đã có những phản hồi khá tích cực. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về văn hóa nên các tu nghiệp sinh cũng gặp phải một số trở ngại". 

Vị này cho biết thêm, hiện nay các tu nghiệp sinh gặp khó khăn về trình độ tiếng Nhật, vấn đề thời gian đào tạo có hạn nên các chương trình đào tạo khó có thể chi tiết. Trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản có yêu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh khác nhau. Do đó, đại diện CEO Group đề xuất trong chương trình đào tạo ban đầu cho tu nghiệp sinh, cần đưa ra các tài liệu về ngành xây dựng tại Nhật cho các tu nghiệp sinh được biết. Đồng thời nên dạy những vấn đề cơ bản nhất như tiếng Nhật chuyên môn, an toàn lao động, văn hóa. Liên quan đến thuật gữ chuyên ngành, không hẳn chỉ là những từ ngữ chuyên môn khó mà đơn giản hơn là những câu như mệnh lệnh trong quá trình xây dựng cũng cần được đề cập để tu nghiệp sinh khi sang làm việc có thể sử dụng được ngay.

Cuối cùng, kết thúc buổi làm việc, TS. Phan Hữu Thắng đi đến kết luận, 2 bên Việt Nam và Nhật Bản cần thống nhất, làm thế nào để thực hiện dự án hợp tác lần này tốt nhất, hiệu quả nhất, trở thành cơ sở pháp lý chung để 2 bên cùng thực hiện. Ví dụ như cần phân chia thời lượng đào tạo như thế nào cho hợp lý (ngoại ngữ chiếm bao nhiêu phần trăm, đào tạo kỹ năng an toàn lao động bao nhiêu phần trăm…)

TS. Phan Hữu Thắng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các doanh nghiệp Nhật Bản khi đã tính đến cơ chế dành cho tu nghiệp sinh sau khi trở về từ Nhật Bản, làm sao để họ được tiếp nhận tại những đơn vị trong nước, phát huy được năng lực chuyên môn cũng như phát huy chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà. TS. Thắng cho rằng đây là một hành động rất nhân văn, tránh lãng phí nguồn lao động, cũng là một vấn đề phức tạp, cần sự kết hợp hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan.

Cũng nói đến cơ chế cho tu nghiệp sinh, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group nhấn mạnh: "CEO Group muốn tham gia vào chương trình đào tạo xuất khẩu thực tập sinh, chúng tôi giao cho công ty phát triển dịch vụ của CEO Group đảm bảo việc không chỉ đưa tu nghiệp sinh đi mà phải có cơ chế đón về, giúp sức cùng CEO, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường Việt Nam". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top