Aa

Vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 5,9 tỷ USD sau 8 tháng

Thứ Tư, 29/08/2018 - 20:01

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sau 8 tháng, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút đầu tư với tổng vốn FDI đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỷ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017.

Tính đến ngày 20/8/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Như thường lệ, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 3 năm 2016 - 2018, lượng vốn FDI vào Việt Nam không ngừng tăng và đa số được triển khai vào các dự án.

Trong 2 năm 2017 - 2018, lượng vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam không ngừng tăng 

Đáng chú ý, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,16 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,42 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.

Có thể nói, năm 2018 đánh dấu một chặng đường 10 năm kể từ khi suy thoái của thị trường bất động sản và gần 5 năm của thị trường trên đà hồi phục. Giới chuyên gia vẫn nhận định, việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào thị trường bất động sản trong năm 2018 sẽ tăng thêm cơ hội giúp các chủ đầu tư trong nước huy động vốn trong bối cảnh tín dụng bất động sản không thuận lợi, lãi suất tăng như hiện nay. Bên cạnh đó cũng phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường và thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top