Chia sẻ quan điểm về việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời kỳ mới, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam cần thay đổi tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư ngoại, không nên thiên về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng.
"Hiện nay, tôi thấy số lượng đang là tiêu chí hàng đầu khi thu hút FDI, chúng ta đang chạy theo thành tích chứ không quan tâm đến hiệu quả; luôn nói về nhà đầu tư mới thế này, nhà đầu tư mới thế kia, nhưng lại không bàn về chất lượng của nhà đầu tư đó thế nào. Tôi luôn nghĩ việc những dòng vốn FDI đó có đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam hay không, có thực sự chất lượng hay không mới là điều đáng quan tâm", ông Cung nói.
Theo ông Cung, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu tới từ "thiên đường thuế" và các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ một số ít ỏi là các nhà đầu tư của Mỹ hoặc châu Âu.
"Việt Nam rất kỳ vọng vào những nhà đầu tư chất lượng tới từ Mỹ, EU do họ sử dụng công nghệ tiên tiến, chi phí lao động trả cao, đặc biệt đây là nhóm đầu tư rất phù hợp khi nước ta muốn cơ cấu hoặc chuyển đổi", ông Cung cho biết.
Vì vậy, ông Cung cho rằng Việt Nam cần thay đổi để thúc đẩy sự hấp dẫn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao này, từ ổn định luật pháp, minh bạch, văn bản chính sách phải cụ thể, rõ ràng và mang tính thực thi cao đến việc loại bỏ "tiền gầm bàn" và các chi phí không chính thức...
"Điều này rất quan trọng đối với nhà đầu tư Mỹ và EU, bởi họ luôn tuân thủ luật pháp, rất lo sợ về rủi ro pháp lý. Khi cảm thấy có thể vấp vào pháp lý, họ sẽ tránh", ông Cung cho hay.
Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng Chính phủ cần thiết kế các gói chính sách "may đo" thay vì gói chính sách "may sẵn" như hiện nay, bởi nhu cầu của từng nhà đầu tư ngoại là khác nhau. Khi Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của họ, mặc nhiên sức hấp dẫn của đất nước sẽ gia tăng, từ đó dễ dàng lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.
"Đó nên là tiêu chí sàng lọc dòng vốn FDI đầu tiên. Việt Nam chỉ tìm những nhà đầu tư có uy tín, có trách nhiệm xã hội, còn những nhà đầu tư tới từ "thiên đường thuế", theo tôi cần loại bỏ ngay. Nguyên do là họ chuyển về từ "vùng trốn thuế", chủ đích của họ chỉ là ưu đãi thuế chứ không đầu tư một cách đàng hoàng", ông Cung nhận định.