Aa

Vốn quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021 - 2030 cần 240.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 03/11/2021 - 16:15

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý là tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành Giao thông.
Đến năm 2030 sẽ có 9 tuyến đường sắt mới

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 về vận tải, ngành Đường sắt sẽ vận chuyển được khối lượng hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,4%; đồng thời, quy hoạch sẽ hoàn thành, cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có, quy hoạch thêm 9 tuyến đường sắt mới, với tổng chiều dài 2.362 km và đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Quy hoạch đường sắt
Vốn quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021 – 2030 cần 240.000 tỷ đồng


Cụ thể, 9 tuyến đường sắt mới gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Vành đai phía Đông TP Hà Nội; Hà Nội - Hải Phòng mới; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Cần Thơ; TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành. Đến 2030, tổng quỹ đất dành cho quy hoạch đường sắt là 16.419 ha, chiếm 7% nhu cầu quỹ đất toàn ngành.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện công phu, nghiêm túc, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Luật Quy hoạch. Đến nay, Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769 ngày 19/10/2021, trong đó, quy hoạch đường sắt là quy hoạch thứ ba được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau quy hoạch mạng lưới đường bộ, hệ thống cảng biển.

Về nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch, lãnh đạo Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ và các bộ, ngành bố trí cho ngành Đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2030, số tiền còn lại sẽ bố trí sang các giai đoạn tiếp theo đến khi hoàn chỉnh hệ thống đường sắt. Sau khi có quy hoạch, Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội để triển khai.

Liên quan đến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ GTVT xác định, từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai hai đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM. Bộ GTVT đang tích cực tham mưu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ này, để nhiệm kỳ tới tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng và khởi công một số gói thầu trong các năm 2028, 2029.

Quy hoạch kết nối các lĩnh vực vận tải khác như thế nào?

Quy hoạch đường sắt đề xuất các ga sẽ kết nối với cảng, trung tâm logistics để định hướng đầu tư. Cụ thể, quy hoạch đường sắt sẽ xây dựng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng với cảng biển có khối lượng lớn và có nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa bằng đường sắt như các cảng: Nghi Sơn, Vũng Áng, Liên Chiểu, Vân Phong, Hiệp Phước...

Đối với kết nối các cảng cạn, cảng thủy nội địa, quy hoạch đường sắt sẽ bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp được chức năng cảng cạn hoặc bố trí nhánh đường sắt đến cảng cạn như các ga: Lào Cai, Hương Canh, Văn Lâm, Lạng Sơn, Nghi Sơn, Hòa Vang... ; đồng thời, tiếp tục duy trì các ga có kết nối đường sắt đến cảng Việt Trì, cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc.

Đối với kết nối đường sắt chuyên dùng, quy hoạch đường sắt tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Riêng với hàng không, đường sắt quy hoạch các ga sẽ kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài qua 2 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội là tuyến số 2 và tuyến số 6; kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị là tuyến 4b kéo dài và tuyến số 2.

Bên cạnh đó, quy hoạch đường sắt cũng dự kiến các ga đường sắt kết nối khi có nhu cầu tại các đầu mối. Dự kiến, 5 ga chính của đầu mối đường sắt TP. Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng, Tây Hà Nội; các ga chính khu đầu mối đường sắt TP.HCM gồm: Bình Triệu, Trảng Bom, An Bình, Tân Kiên.

Theo đó, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quy hoạch sẽ xây mới ga Nam Hải Phòng để kết nối cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ định hướng ga Thị Vải kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuyến Hà Nội - TP.HCM sẽ định hướng ga Khoa Trường kết nối cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), ga Tân Ấp kết nối cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), ga Thừa Lưu kết nối cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), ga Kim Liên kết nối cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), ga Tu Bông kết nối cảng Vân Phong (Khánh Hòa)…

Về kết nối cảng cạn, trung tâm logistics, quy hoạch dự thảo định hướng tuyến Hà Nội - Lào Cai, ga Lào Cai kết nối cảng cạn Lào Cai, ga Hương Canh mới kết nối cảng cạn Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, định hướng ga Yên Viên kết nối cảng cạn Tiên Sơn (Bắc Ninh), ga Yên Trạch kết nối cảng cạn Lạng Sơn, ga Đồng Đăng kết nối Khu trung chuyển hàng hóa và logistics cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến Hà Nội -  TP.HCM định hướng ga mới tại khu vực phường Nam Hòa Khánh kết nối cảng cạn Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng); các ga Diêu Trì, Phước Lộc, Canh Vinh kết nối cảng cạn Quy Nhơn (tại Phước Lộc, Canh Vinh, tỉnh Bình Định); ga Trảng Bom kết nối với các cảng cạn, trung tâm logistics khu vực Đông Nam Bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top