Trong công văn gửi Bộ Xây dựng mới đây, một doanh nghiệp tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực, doanh nghiệp đang triển khai dự án buộc phải vay ngân hàng theo lãi suất thương mại (khoảng 6,9% trong năm đầu tiên, sau đó là khoảng 9-10%/năm) để triển khai tiếp.
Với mức lãi suất nêu trên, doanh nghiệp này cho rằng, không thể xây dựng và bán nhà với mức giá của nhà ở xã hội. Do đó, công ty này đề nghị Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ khác giúp giảm lãi suất cho vay.
Trả lời doanh nghiệp về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trường hợp chủ đầu tư dự án không được vay vốn với lãi suất ưu đãi thì được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất phải vay từ các tổ chức tín dụng. Như vậy, các dự án nhà ở xã hội này được quyền tính lãi suất vay thương mại vào giá bán, không khác gì các dự án thương mại thông thường.
Tuy nhiên, chính việc này cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến nhà ở xã hội có nguy cơ đội giá vì lãi suất biến động.
Trao đổi với Reatimes về vấn đề kể trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, trước đây khi còn gói 30.000 tỷ đồng và sự hỗ trợ từ các ngân hàng chính sách, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được hưởng lợi rất lớn. Do đó, khi gói ưu đãi này kết thúc đương nhiên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng như người dân muốn mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông Đực cho rằng, chúng ta cần phải xem xét lại. Có nhiều chính sách tốt khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chứ không chỉ thông qua ngân hàng và gói 30.000 tỷ đồng. Nhà nước không còn hỗ trợ bằng tiền nữa nhưng đã có sự hỗ trợ bằng cơ chế như chấp nhận cho xây dựng căn hộ 25m2, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%... Tại sao những khu vực như Bình Dương, Đồng Nai vẫn làm được nhà giá rẻ mà các doanh nghiệp lại không tự tìm ra hướng đi riêng để có thể cạnh tranh với nhà thương mại giá rẻ, ông Đực đặt câu hỏi.
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lấy dẫn chứng: "Ví dụ như Bình Dương cũng có chương trình nhà ở xã hội, với giá bán ban đầu là 3 – 4 triệu đồng/m2 cho căn hộ ở quy mô 5 tầng, sau này bán được 8 – 9 triệu đồng/m2 cho căn hộ ở quy mô 15 tầng. Ở Nhơn Trạch và Đức Hòa - Long An, người ta cũng làm được căn nhà thương mại có giá khoảng 6 triệu đồng/m2, đó là những 'ngọn cờ' nhà ở xã hội mà những chủ đầu tư nhà ở xã hội ở nơi khác có thể nhìn thấy và tự 'phất' lên".
"Tôi nghĩ rằng, nhà đầu tư có thể không cần sự trợ giúp của nguồn tín dụng nào vẫn có thể làm được nhà ở xã hội tại các vùng ven TP.HCM với giá 6 triệu đồng/m2 hoặc 8 triệu đồng/m2. Rất tiếc rằng, những doanh nghiệp mang danh làm nhà ở xã hội lại không làm được nhà có giá 6 – 8 triệu đồng/m2 mà chủ yếu làm nhà có giá 13 – 14 triệu đồng/m2, tương đương với nhà ở thương mại.
Chính vì chuyện bao cấp hỗ trợ của gói 30.000 tỷ đồng của ngân hàng chính sách làm nhiều doanh nghiệp trông chờ mãi vào những gói này mà không tự thân vận động, tìm tòi những cách làm nhà giá rẻ mà không cần “bầu sữa mẹ” từ Nhà nước”, ông Đực nói thêm.
Quay trở lại thực trạng đã có doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, do phải vay ngân hàng theo lãi suất thương mại nên không thể xây dựng và bán nhà với mức giá của nhà ở xã hội, dẫn đến nguy cơ “đội giá” nhà ở xã hội trong tương lai, ông Đực cho rằng: Nguyên nhân là do doanh nghiệp không điều chỉnh đơn giá mà trông chờ vào hỗ trợ, vốn vay ưu đãi rồi áp giá nhà ở xã hội vào đơn giá mà Bộ Xây dựng đưa ra là 8 – 10 triệu đồng/m2. Đây là mức giá quá cao, nếu doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lại áp mức đơn giá này thì chắc chắn giá nhà sẽ bị đội lên, doanh nghiệp “thua” là điều tất yếu”.
Do đó, theo ông Đực, thay vì chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước, những doanh nghiệp làm nhà ở xã hội phải tự kéo đơn giá xuống, chỉ 5 – 6 triệu đồng/m2. Nếu doanh nghiệp tự thấy không thể “kham” nổi nhà ở xã hội khi không nhận được hỗ trợ thì nên chuyển hướng sang làm nhà thương mại giá rẻ.
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, ông Đực cho rằng, chính quyền là người quyết định sự thành bại của chương trình nhà ở này. Chính quyền cần hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết hết các khâu khó khăn đó, kể cả hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tất cả những điều kiện mà doanh nghiệp gặp khó khăn như khi làm thủ tục ở các quận, các Sở… Dự án muốn thành công thì 70% thuộc về chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp chỉ quyết định 30%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, giá bán nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể so với hiện nay bởi với chính sách 5 năm mới được chuyển nhượng, nếu nhà ở xã hội mà tăng giá thì e rằng loại hình nhà ở này sẽ bị ế. Lý do đơn giản là nhà ở thương mại cũng bán với giá đó nhưng cơ chế không phải 5 năm thì không ai "dại" đi mua nhà ở xã hội.
Được biết, hiện Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền bố trí một phần vốn cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay theo quy định.
Trong khi đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Đồng thời Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, khẩn trương triển khai các công tác tiếp theo nhằm sớm tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay, tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp sớm được vay vốn ưu đãi để cải thiện nhà ở.