Chuyên mục REABLOG của Reatimes ra đời, là một nơi để trao đổi, luận bàn hướng đến nhân văn và bền vững… Mỗi ngày, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một câu chuyện nhỏ, một cảm nhận từ cá nhân tác giả về nhiều phương diện của cuộc sống hôm nay để chúng ta cùng chia sẻ. Ngày Thứ hai sẽ là câu chuyện của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan (Toan), Thứ ba là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Thiều làng Chùa), Thứ tư là Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), Thứ năm là Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tuấn Cơm có thịt), Thứ sáu là Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc), Thứ bảy là Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Chủ nhật là Nhà văn, dược sỹ Trần Thanh Cảnh (Thầy Thanh Cảnh). Chuyên mục do Nhà văn Nguyễn Thành Phong trực biên tập. |
Trung thu 2015, Thanh Lam, Tùng Dương, nhạc sỹ Quốc Trung vượt bao nhiêu cây số đường núi lên Nhi Sơn - xã chênh vênh ở biên giới của Mường Lát (Thanh Hoá). Cả một ô tô chở thiết bị âm thanh đi theo. Mọi cái đều phải ở mức chuyên nghiệp. Để hát ở sân khấu bằng những thanh gỗ ghép vội trên sân đất. Chỉ có thiết bị chiếu sáng thì không thể mang theo, do điện ở đây chỉ là điện thắp những bóng đèn công suất yếu. Ánh sáng là từ trăng rằm nhiều hơn. Khán giả là những học sinh từ mầm non đến trung học.
Họ đến từ chiều, lo chuẩn bị, không kịp cả ăn uống. Tôi cảm nhận từ họ sự chỉn chu. Không phải hát ở bản làng, hát từ thiện thì dễ dãi. Hoàn toàn không. Các khán giả nhí được trân trọng như là ở buổi biểu diễn trên sân khấu lớn. Điều khác biệt là họ - những ca sỹ và nhạc sỹ đầy cá tính, khi đến với trẻ con, họ hát những gì gần gũi với trẻ con. Họ hát không để bộc lộ cái tôi. Họ hát để trẻ em vui thích. Có những lúc, họ tình nguyện làm người hát phụ cho các bé.
Ở Nhi Sơn, không chỉ trẻ em, mà cả người lớn, chưa bao giờ được nhìn thấy ca sỹ cỡ “trung ương” thế này tận mắt. Nhưng thật ngạc nhiên: Những cô cậu lớp một, lớp hai ngay lập tức nhận ra các ca sỹ lúc họ mới đến. Đám trẻ ùa đến vây quanh và gọi tên từng người. Tôi chưa bao giờ thấy Thanh Lam hiền lành thế khi ngồi dưới đất cùng các fans Nhi Sơn.
Đó là đêm nhạc rất dài, dưới ánh trăng trên nền bóng núi. Đến khi kết thúc, ca sỹ và nhạc sỹ cùng bạn bè mới ăn bữa chiều khi đêm đã khuya. Rồi lại xếp thiết bị lên xe, đi xuyên đêm về Hà Nội. Bởi họ rất bận rộn với lịch diễn của mình. Catse cho họ là niềm vui háo hức của trẻ vùng núi. Và không chỉ trẻ con. Cả bản kéo đến, hành lang lớp học trên đồi cao là khán đài xem ca nhạc.
Tối 8/4 sắp đến, Thanh Lam, Tùng Dương và nhiều ca sỹ nổi tiếng khác như Tấn Minh, Mỹ Linh, Khánh Linh… sẽ hát trong đêm nhạc “Vòng Tay Ấm”. Điều khác với đêm nhạc ở Nhi Sơn - họ sẽ hát những bài làm nên tên tuổi của họ, với cá tính sáng tạo chuyên nghiệp của họ. Điểm giống là dành catse ủng hộ trẻ em nghèo vùng cao.
Tôi viết những dòng này khi đang ở Tây Bắc. Chúng tôi đi cùng nhóm đồng bào Thái Bình. Họ chở một xe tải chở 1500 chiếc quạt điện lên cho học sinh các lớp học ở Lai Châu và Điện Biên. Câu chuyện về tiền mua 1500 quạt điện này khiến ai biết cũng xúc động. Ngày mùng Một Tết vừa qua, tại nhà cậu học sinh lớp 12 Vũ Thiện Minh xảy ra hoả hoạn. Minh mất trong tai nạn ấy. Gia đình dành tiền phúng viếng để mua quà cho trẻ em nghèo vùng cao. Bà con cũng góp thêm tiền. Bàn đi bàn lại, bà con nghĩ mùa hè sao cho các em nhỏ đi học không nóng, nên mua quạt điện. Còn mùa đông sẽ mua áo ấm. Họ muốn các bạn của Minh ở vùng cao nhận được quạt trước thời điểm 49 ngày từ khi Minh ra đi.
Hai câu chuyện rất khác nhau. Mà cũng rất giống nhau. Sống trên đời quý nhất là có tấm lòng. Để có những “Vòng Tay Ấm”. Vòng tay ấm đan bằng niềm vui, sự cảm thông. Đôi khi bằng cả nỗi đau mất mát…