Dòng vốn ngoại gia tăng sự hiện diện
Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers cho rằng, thị trường có vẻ yên ắng ở bề nổi do các giao dịch chững lại nhưng thực chất, thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ ở bên trong với nhiều thương vụ M&A giá trị lớn. Đặc biệt là có sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, ở lĩnh vực bất động sản đã xuất hiện khá nhiều thương vụ M&A đình đám, trong đó bóng dáng khối ngoại cũng trở nên rõ nét hơn.
Đơn cử như thương vụ Novaland hoán đổi số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại 2 công ty thành viên cho đối tác Dallas Vietnam Gamma Ltd. Trước đó, Dallas Vietnam Gamma Ltd cũng đã mua 4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền với tổng giá trị 4.620 tỷ đồng của Novaland.
Hay như CapitaLand Development, thành viên Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đã đàm phán mua một phần tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương hơn 36.000 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Vinhomes, cụ thể là một phần dự án Ocean Park 3 của nhà phát triển dự án hàng đầu Việt Nam này.
Ngoài ra, CapitaLand Development còn tham gia hợp tác với Becamex IDC làm dự án nhà ở quy mô lớn ở Bình Dương. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.330 tỷ đồng trên diện tích 18,9ha, với khoảng 3.700 căn hộ và nhà ở, dự kiến hoàn thiện vào năm 2027.
Một thương vụ trị giá 716 triệu USD cho lô đất 8ha cũng được CapitaLand Development thực hiện để triển khai dự án quy mô hơn 1.100 căn hộ, dự kiến khởi công năm 2024 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều thăng - trầm, các thương vụ M&A với nhà đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra thành công, chứng tỏ giới đầu tư nước ngoài luôn quan tâm và đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản Việt Nam vẫn là ngôi sao mới có nhiều triển vọng và sức hấp dẫn nhất định. Vì vậy, hơn lúc nào hết, giai đoạn hiện tại chính là “thời điểm vàng” để họ có thể xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này.
“Từ trước đến nay đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến và tham gia phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam nhưng chưa có nhiều cơ hội. Chỉ khi thị trường trong nước gặp khó khăn về thanh khoản, khan hiếm về dòng tiền như giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay thì nhà đầu tư nước ngoài mới có nhiều hơn cơ hội xâm nhập”, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Bất động sản Việt An Hoà chia sẻ với Reatimes.
Doanh nghiệp nội cần khéo léo để "ngồi chung mâm" với doanh nghiệp ngoại
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, hầu hết các lĩnh vực đều đang lâm vào tình trạng "thiếu oxy" về dòng tiền. Vì vậy, M&A là xu hướng tất yếu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, nhìn vào tình trạng các doanh nghiệp Việt đang đối mặt áp lực về dòng vốn, lãi suất, tuột giá cổ phiếu để rồi phải rơi vào vòng xoáy "bán mình" vẫn là điều đáng buồn. Không ít người bày tỏ lo ngại về nguy cơ các doanh nghiệp nội có thể thua trên "sân nhà".
Tuy nhiên, nhìn nhận về lo ngại này, chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản Việt phải chấp nhận bán hoặc chuyển nhượng một phần tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là điều không tránh khỏi. Bởi đây là hướng đi giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể.
Ngoài ra, các thương vụ M&A hiện nay đang có xu hướng chuyển dần từ "mua đứt, bán đoạn" sang hợp tác, tạo nên những giá trị cộng hưởng, lợi ích cho cả đôi bên.
Theo vị chuyên gia, các doanh nghiệp hiện đã "thức thời" khi không còn xem M&A chỉ là một "game thu gom tài sản", hay "cá lớn nuốt cá bé" nữa, mà xem đây như chiếc chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win-win).
Do đó, thay vì lo lắng "sóng ngoại" trội hơn "sóng nội", nên tính đến bài toán để doanh nghiệp nội khéo léo "ngồi chung mâm" với doanh nghiệp ngoại, chắc chắn các sản phẩm trên thị trường sẽ đa dạng hơn, hơn hết là chất lượng dịch vụ sản phẩm sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
"Các doanh nghiệp Việt nên có một kế hoạch rõ ràng trước khi bán hay chuyển nhượng tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động trong thương vụ của mình và giúp cả hai bên cùng hợp tác có lợi", ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, một trong những điểm nghẽn khiến FDI vẫn khó vào thị trường bất động sản Việt là khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài hiện còn nhiều điều bất cập, chưa hoàn thiện làm cản trở dòng vốn dồi dào này. Ngoài ra, nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản hiện vẫn chưa thống nhất, gây ra những ách tắc chưa tìm được hướng giải quyết cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A trong lĩnh vực địa ốc.
Vì vậy, theo ông Trần Khánh Quang, để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành "cú hích" cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc giúp các doanh nghiệp rộng đường đón sóng FDI.
Đồng quan điểm, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề thủ tục pháp lý đang là vướng mắc lớn nhất cản trở các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chỉ khi nào vướng mắc này được tháo gỡ thì các doanh nghiệp nước ngoài mới mạnh dạn hơn khi đến với Việt Nam./.