Aa

VPBank triển khai hàng loạt các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Thứ Tư, 08/04/2020 - 16:43

Ban lãnh đạo VPBank đã nhanh chóng triển khai một loạt các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19

Trước tình hình diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, Ban lãnh đạo VPBank đã nhanh chóng triển khai một loạt các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó bao gồm:

- Thành lập Ban chỉ đạo ứng phó dịch bệnh và kích hoạt Kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) ngay từ tháng đầu tháng 2/2020 vừa ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe nhân viên, vừa đáp ứng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh;

- Xây dựng các phương án đối phó với các kịch bản của dịch bệnh;

VPBank thực hiện các hoạt động chia sẻ trách nhiệm xã hội, đưa ra các gói hỗ trợ khách hàng, kiểm soát các tác động đến hoạt động kinh doanh

- Rà soát và đánh giá ảnh hưởng đối với các cá nhân, khách hàng và khu vực kinh tế để từ đó có các chính sách và phương án kinh doanh phù hợp;

- Thúc đẩy các chương trình củng cố và tăng cường thanh khoản đảm bảo an toàn hoạt động;

- Tiến hành kiểm tra sức chịu đựng (stress testing) trong các tình huống căng thẳng (stressed scenarios);

- Lên phương án truyền thông nội bộ và bên ngoài để lan tỏa thông điệp tới cán bộ nhân viên, khách hàng, đối tác và cộng đồng cùng chung tay hành động phòng chống dịch bệnh;

- Rà soát các giải pháp tối ưu hóa chi phí, giảm và hoãn các dự án, công việc chưa thiết yếu… nhằm tập trung giảm chi phí vận hành;

- Thắt chặt các chính sách kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng;

- Tăng cường các hoạt động thu hồi nợ và cấu trúc nợ.

Song song, Ngân hàng đã thực hiện các hoạt động chia sẻ trách nhiệm xã hội, đưa ra các gói hỗ trợ khách hàng, kiểm soát các tác động đến hoạt động kinh doanh, cụ thể:

Ủng hộ ngân sách và triển khai các sáng kiến chung tay công tác phòng chống dịch

VPBank và FE Credit đã ủng hộ 15 tỷ đồng cho công tác phòng dịch; đồng thời kêu gọi cán bộ nhân viên ủng hộ nửa ngày lương theo phát động của Ngân hàng Nhà nước.

Chiến dịch “Vui lên Việt Nam” đã được triển khai và lan tỏa trong cộng đồng với mục tiêu khích lệ tinh thần tích cực trong thời gian chống lại dịch. Sắp tới, VPBank dự kiến khởi phát sáng kiến “Học viện tiểu thương”, một chương trình giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi hình thức kinh doanh sang kênh online để phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về giãn cách xã hội, duy trì được nguồn thu kinh doanh trong mùa dịch.

Đưa ra các gói hỗ trợ giảm lãi suất và tập trung cấu trúc nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng

Ngay từ đầu mùa dịch, VPBank đã triển khai chương trình giảm lãi suất tới 1,5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; đồng thời, cẩn trọng đánh giá tác động tới doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp giãn nợ, tái cấu trúc nợ kịp thời. Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank công bố tiếp gói hỗ trợ thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp có lịch sử trả nợ và xếp hạng tín dụng tốt.

Đối với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng mức giảm tối đa 3% với thời gian hõ trợ ban đầu từ 3-6 tháng tùy theo các gói vay. Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit cũng triển khai gói hỗ trợ khách hàng, miễn trừ tới 10% tổng lãi trả góp hàng tháng hay miễn giảm một phần lãi cho khách hàng thuộc nhóm nợ từ 2 đến 5.

Tính đến đầu tháng 4 năm 2020, VPBank có nhiều khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin cấu trúc lại khoản vay do ảnh hưởng của Covid-19 tuy nhiên về tổng số lượng khách hàng và dư nợ xin được cơ cấu chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục của Ngân hàng. Do vậy, tác động thực tế của Covid-19 vẫn còn khá nhỏ. Hiện tại, rất khó để đánh giá ảnh hưởng tổng thể lên danh mục tài sản, tuy nhiên VPBank đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ khách hàng, tái cấu trúc khoản nợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Khuyến khích các giao dịch trên nền tảng công nghệ số

Ngân hàng đã đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt với nhiều ưu đãi khi giao dịch như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/một năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10 - 25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử. Kết thúc quý 1/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

FE Credit với ứng dụng $NAP cùng nền tảng công nghệ tiên tiến đã hỗ trợ khách hàng vay tiền trực tuyến, không cần tiếp xúc trưc tiếp với cán bộ bán hàng và giúp khách hàng chi tiêu không dùng tiền mặt một cách thuận lợi trong thời gian qua.

Mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2020 về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Trong bối cảnh dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với VPBank.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, hiện nay các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất. VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối quý 2/2020 và các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó Ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng.

Trong tình huống bệnh dịch kéo dài sang quý 3 hoặc muộn hơn, và kinh tế tiếp tục đình trệ, mục tiêu của VPBank là đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí đảm bảo Ngân hàng có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh. Song song với đó, Ngân hàng chủ động đánh giá và lên các kế hoạch thúc đẩy kinh doanh chuẩn bị cho hậu Covid-19.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top