Rồi những chất độc hại còn lưu lại xung quanh Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) sẽ được các cơ quan có trách nhiệm xử lý và tẩy rửa. Rồi cuộc sống của hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực này sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Rồi các bài học rút ra từ việc để các cơ sở sản xuất lớn xen kẽ các khu dân cư đông đúc sẽ được mổ xẻ...
Cho dù tất cả những sự việc ấy đã thực hiện hoàn hảo thì vẫn không thể bỏ qua nỗi ám ảnh trong việc quản lý thông tin và việc áp dụng các quy chuẩn của Nhà nước trong vụ việc này.
Không hiểu tại sao đến giờ này, tôi vẫn có một ấn tượng tốt với cái thông báo cực nhanh và đầy trách nhiệm của UBND phường Hạ Đình. Đám cháy xảy ra vào lúc xẩm chiều ngày 28/8 đến rạng sáng ngày 29/8 mà khói vẫn bốc lên nghi ngút. Hơn ai hết, UBND phường Hạ Đình biết rằng đây là đám cháy từ một kho hàng đang chứa một chất cực độc có tên là thủy ngân.
Vậy phải làm sao bây giờ? Báo cáo lên cấp trên để ngồi chờ ư? Để cho dân nhiễm độc hàng loạt rồi mới động chân động tay ư? Và thế là ngay lập tức, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình đã phát 1.000 thông báo tới người dân về việc bầu không khí bị nhiễm bụi do ảnh hưởng của vụ cháy kho Công ty Rạng Đông.
Thông báo đã khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh cá nhân; sơ tán người già, trẻ nhỏ, người bệnh ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; không sử dụng nước tại các bể chứa, thực phẩm, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày; đặc biệt, cần tiêu hủy các loại trái cây tự trồng trong bán kính từ đám cháy 500m...
Có thể những con số trong bản thông báo này là tiên lượng nhưng tôi cho rằng đây là một thông báo cần thiết, vì từ xưa tới nay, trong kiến thức phổ thông hằng ngày thì chưa một ai dám đùa với thủy ngân, đặc biệt là hơi độc của nó. Chỉ một xíu thủy ngân to bằng hạt đậu xanh từ chiếc nhiệt kế chẳng may vỡ ra mà các bác sĩ đã khuyên mọi người hết sức cẩn trọng với nó. Chỉ cần hít thở khí nó bốc lên, nhẹ thì hoa đầu chóng mặt, nặng thì nhiễm độc cơ thể.
Vậy mà đây là cả một kho, chưa biết nhiều hay ít, nay nó “vỡ” ra, việc cảnh báo cho người dân là hết sức cấp bách.
Thế mà chỉ chưa đầy 24 giờ sau, thông báo trên đã phải hủy bỏ do yêu cầu của cấp trên với lý do “đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng”.
Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình đã phát 1.000 thông báo tới người dân về việc bầu không khí bị nhiễm bụi do ảnh hưởng của vụ cháy kho Công ty Rạng Đông
Tôi cũng không rõ lắm quy chuẩn về thẩm quyền của cấp UBND phường khi sự việc khẩn cấp như vậy có được ra thông báo để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân hay không, hay lại phải soạn thảo văn bản, qua đường hành chính văn thư, rồi vào sổ theo dõi, rồi trình báo các cấp, rồi họp hành thảo luận, rồi lại ra văn bản...
May mà trong vụ này chỉ có vài chục kilôgam thủy ngân phát tán ra môi trường, chứ nếu con số ấy là cả trăm, cả ngàn thì văn bản cảnh báo của chính quyền địa phương theo cái quy định “thẩm quyền” kia, vài ngày sau chưa về đến nơi, người dân đã trả giá khủng khiếp rồi.
Đúng ra, quận phải xác định “thẩm quyền” cao nhất của UBND phường khi ấy là “cứu dân”, và cơ sở của quyết định ấy là những kiến thức phổ thông về sự độc hại của thủy ngân.
Bởi vì, nếu giả sử trong vụ việc này, hàng tấn thủy ngân khuếch tán, hàng trăm người ngộ độc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tôi tin rằng khi ấy, quận cũng sẽ “nghiêm khắc kiểm điểm” UBND phường rằng, đã không thông báo di dân kịp thời!
Một điều ám ảnh nữa trong vụ việc này cần nêu ra là thông tin tiền hậu bất nhất trong các cơ quan Nhà nước khiến người dân không biết bấu víu vào đâu để đưa ra quyết định của mình.
Đầu tiên là thông báo của UBND phường, tuy có thể không đủ thầm quyền theo quy định, nhưng trước những trường hợp khẩn cấp và kiến thức phổ thông về nhiễm độc hơi thủy ngân, dựa vào trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra, theo tôi, việc ra văn bản của UBND phường Hạ Đình như nêu trên là có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, việc làm này đã không được Lãnh đạo quận chấp nhận. Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân (Hà Nội) Lê Mai Trang cho biết, UBND quận đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đồng thời, bà cho hay: “UBND quận đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành kiểm tra không khí, nguồn nước trên địa bàn, khoảng 4 ngày tới sẽ có kết quả. Lúc đó, ô nhiễm hay không, ảnh hưởng tới người dân ra sao, quận sẽ có thông báo".
Tôi cũng không biết sau thông tin này của bà Phó Chủ tịch quận có khiến cho người dân yên lòng thêm 4 ngày nữa hay không một khi hàng chục kilôgam một chất cực độc là thủy ngân đã và đang khuếch tán ra môi trường xung quanh.
Liền sau đó, một quả “bom tấn” đã được thả vào giới truyền thông khi Tổng cục Môi trường thông báo có sự “khai gian” của Công ty Rạng Đông về nguồn thủy ngân độc hại rằng, sau quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty và họ mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy đã sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn, chứ không phải là viên Amalgam mà doanh nghiệp này đã báo cáo bằng văn bản trước đó.
Đến lúc này, sự hoang mang của người dân ở đây càng tăng lên khi biết có sự thiếu trung thực ấy.
Tiếp nữa, lại có thông tin mang tính “an dân” từ báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Theo đó, trong ngày 6/9 đã lấy mẫu tại 6 vị trí xung quanh khu vực, kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép. Không phát hiện thấy Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí.
Nhưng bên cạnh đó, thông tin từ kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường công bố cho thấy, chỉ có 1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ). So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) thì hàm lượng Hg tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người...
Nào, bạn đọc hãy cùng tôi thử nhập vai của những người dân xung quang nơi đây xem họ nghĩ gì?
Nếu là tôi, càng nghe càng hoang mang, đúng không? Thôi thì “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, và cứ theo lời khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình ngay từ ngày đầu rằng, chủ động vệ sinh cá nhân; sơ tán người già, trẻ nhỏ, người bệnh ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; không sử dụng nước tại các bể chứa, thực phẩm, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy...
Hiện nay, những người dân nơi đây đang thực hiện đúng như thế. Tuy nhiên, những nỗi ám ảnh về sự thông tin “tiền hậu bất nhất” của các cơ quan chính quyền đến nay trong tâm trí họ vẫn còn nguyên vẹn.