- PV: Theo thông tin độc giả phản ánh với báo chí, khách hàng đã ký hợp đồng "Sở hữu kỳ nghỉ" với Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường từ khoảng năm 2014 để thuê một căn hộ (trong thời hạn 40 năm) thuộc Khu nghỉ dưỡng cao cấp Alma, Khu Du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh, Cam Lâm Khánh Hòa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn còn là bãi cát hoang.
Vậy thưa luật sư, công ty này có phải chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo tiến độ thi công và bàn giao căn hộ cho khách hàng không?
- Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Công ty Vịnh Thiên Đường đã ký hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ với nhiều khách hàng Việt Nam mà số tiền đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng là hàng trăm triệu đồng. Mô hình này đã được áp dụng rộng rãi và khá hiệu quả trên thế giới, song đối với hoàn cảnh thực tế của Việt nam là cách làm hoàn toàn mới, đặc biệt lại đối với khu nghỉ dưỡng chưa hình thành tại thời điểm giao kết Hợp đồng.
Việc công ty có phải chịu trách nhiệm khi không đảm bảo tiến độ thi công và bàn giao căn hộ cho khách hàng phụ thuộc vào hợp đồng và các thỏa thuận (nếu có) mà công ty này đã giao kết với khách hàng.
Có hai khả năng có thể xảy ra: Một là, hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, không có thỏa thuận bồi thương thiệt hại với "hành vi chậm bàn giao căn hộ", thì công ty Vịnh Thiên Đường phải nộp một khoản tiền phạt cho bên bị vi phạm theo mức thỏa thuận. Hai là có thỏa thuận phạt và bồi thường thì công ty sẽ phải có nghĩa vụ với cả hai khoản tiền này.
Với kiểu giao dịch này, hiếm có trường hợp không có thỏa thuận về phạt vi phạt hợp đồng nên trách nhiệm của công ty trong việc chậm bàn giao sẽ được đặt ra, ngay cả trường hợp hợp đồng không quy định thì pháp luật vẫn bảo vệ bên bị vi phạm nếu khách hàng biết tạo sự kiện để lách "tròng" của hợp đồng một cách đúng luật.
- Trong hợp đồng ký với khách hàng, công ty này có nêu: "Khách nghỉ dưỡng tuyên bố và xác nhận rằng trước khi ký kết hợp đồng này với công ty đã đọc và hiểu toàn bộ hợp đồng và các phụ lục của hợp đồng này, đã xem xét và kiểm tra các cam đoan, cam kết của công ty là rõ ràng đối với khách nghỉ dưỡng. Do đó theo hợp đồng, khách đồng ý rằng sẽ không thực hiện bất kỳ khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại công ty".
Thưa Luật sự, nếu theo điều khoản này thì trong trường hợp công ty này sai luật, khách hàng có được phép khiếu kiện hay trong bất cứ trường hợp nào, công ty này cũng không phải chịu trách nhiệm?
- Rõ ràng công ty Vịnh Thiên Đường đã che chắn khá kỹ, dự liệu các tình huống có thể xảy ra, mà theo nhận định chủ quan của họ là sẽ xảy ra nên họ muốn "tước quyền tự vệ" của khách hàng để tránh phiền phức kiện tụng. Song một hợp đồng dân sự chỉ có hiệu lực pháp luật khi được giao kết một cách tự nguyện, không bị nhầm lẫn, lừa dối hay ép buộc.
Trường hợp công ty Vịnh Thiên Đường, nếu không có thỏa thuận nào khác ngoài bản "hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ" thì có thể thấy công ty đã soạn mẫu bản hợp đồng này, đồng thời là Bên mạnh thế trong giao dịch nên mặc dù khách hàng tuyên bố như vậy, nhưng khi công ty Vịnh Thiên Đường vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng thì quyền khiếu nại, khởi kiện thậm chí tố cáo hình sự vẫn được pháp luật Việt Nam xác lập và bảo hộ.
- Bảo mật trong hợp đồng của công ty này đưa ra quy định, hai bên không được cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bên thứ 3 bất kỳ nếu không được sự cho phép của bên còn lại. Điều này bất hợp lý ở chỗ nào, thưa luật sư?
- Điều khoản này sẽ mất hiệu lực và trở nên vô nghĩa trong trường hợp công ty vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng. Tôi nhấn mạnh "Nghĩa vụ cơ bản" có nghĩa là việc vi phạm dẫn đến mục đích giao kết của hợp đồng không đạt được. Rơi vào tình huống này, nếu mọi nỗ lực đàm phán không kết quả, quyền cung cấp thông tin cho báo chí và bên thứ ba (cho Luật sư chẳng hạn) không phụ thuộc vào ý chí của công ty này, đồng thời khách hàng không phải lo lắng về trách nhiệm pháp lý khi thực hiện quyền này.
- Quy định bảo mật thông tin chỉ phát sinh hiệu lực khi hai bên tuân thủ hợp đồng và một bên vô tình hay hữu ý tiết lộ thông tin không được sự đồng ý của bên kia đồng thời việc tiết lộ này gây thiệt hại cho bên không tiết lộ.
- Trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu khách hàng không hài lòng và muốn đòi lại tiền đặt cọc thì có được không?
- Khó có thể đưa ra khái niệm "hài lòng" và "không hài lòng" trong các giao dịch dân sự. Việc này tùy thuộc vào mỗi khách hàng dễ tính, rộng lượng hay khó tính, cố chấp. Tuy nhiên việc đòi lại tiền cọc thông thường cũng phải được thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không thỏa thuận, hai bên có thể thương lượng về việc hoàn trả tiền cọc, và nếu không thỏa thuận được thì pháp luật bảo hộ quyền yêu cầu Tòa án thẩm quyền thụ lý và giải quyết.
- Một điều kỳ lạ trong hợp đồng mà công ty này đưa ra là bên công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu khách hàng vi phạm bất cứ quy định nào trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày được công ty yêu cầu khắc phục vi phạm bằng một văn bản, đồng thời trong mọi trường hợp công ty sẽ không hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng.
Thế nhưng trong bản hợp đồng của Vịnh Thiên Đường tuyệt nhiên không hề có bất cứ điều khoản nào về việc công ty này sẽ bồi thường cho khách hàng ra sao khi chính công ty vi phạm hợp đồng! Liệu điều này có quá "ngược đời" và thiếu công bằng không, thưa luật sư?
- Có nhiều bất thường trong hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ này, cụ thể: nhiều cụm từ khó hiểu; cấu trúc điều khoản không rõ ràng (Điều 10 chẳng hạn); tính bình đẳng không bảo đảm; quyền của bên nọ không được coi là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Khi tôi vi phạm anh có quyền phạt, còn khi anh vi phạm lại không sao. Chỉ lướt qua một vài Điều trong hợp đồng đã thấy nổi lên sự bất bình đẳng, không minh bạch, dành nhiều điều, khoản có lợi cho công ty, trao quá nhiều rủi ro cho khách hàng.
Điều này cũng dễ hiểu khi họ quảng cáo là dự án 300 triệu đô la của tỷ phú Isarel, chủ sở hữu của chuỗi khách sạn Hilton, nhân viên chăm sóc trẻ đẹp, chuyên nghiệp, hội thảo tổ chức mời chào trong các địa điểm sang trọng trung tâm thành phố. Nội dung hợp đồng cũng không có cơ quan Nhà nước nào thẩm định và phê chuẩn như hợp đồng mua bán nhà chung cư thì phải đăng ký mẫu với Bộ xây dựng chẳng hạn nên phần rủi ro, thiệt thòi đã đẩy hết về bên không soạn thảo.
Bản hợp đồng chắc chắn không thể hiện đúng, đủ ý chí, mong muốn của các thượng đế. Họ đặt bút ký vào bản hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ mà có lẽ là "nghe nhiều hơn đọc". Tôi cũng hơi thắc mắc không biết là bản hợp đồng này do Luật sư Việt Nam soạn thảo hay công ty này dịch từ bản gốc tiếng nước ngoài. Hợp đồng có không ít lỗi kỹ thuật chưa nói nội dung.
Tôi không được đọc toàn văn bản hợp đồng cũng như Điều khoản giải quyết tranh chấp, nếu họ quy định một Trung tâm Trọng tài ở Hồng Kông hay ở Singapore có thẩm quyền giải quyết thì sẽ trở nên phức tạp hơn. Còn hiệu lực pháp luật của hơp đồng và của điều khoản trọng tài (nếu có) thì cần phải xem xét đầy đủ nội dung hợp đồng mới khẳng định được.
- Lời khuyên của Luật sư cho các khách hàng đã ký với Vịnh Thiên Đường dự án này là gì?
Chúng tôi cần tiếp cận tài liêu, hồ sơ và lắng nghe khách hàng trình bày thì mới có thể đưa ra lời khuyên cụ thể vì chắc chắn mỗi khách hàng ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, mức tiền cọc khác nhau, thỏa thuận song phương có thể cũng không giống nhau. Tuy nhiên, có thể đưa ra nhận định ban đầu là bản chất của hợp đồng cung cấp kỳ nghỉ này là hợp đồng mua bán căn hộ sở hữu có thời hạn, chỉ là để thuận lợi cho việc nhận cọc. Còn cá nhân tôi vẫn đang băn khoăn về hồ sơ pháp lý của dự án này.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì "nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam" và "lẽ công bằng" đã chính thức trở thành hai căn cứ được xem xét áp dụng khi giải quyết tranh chấp.
- Xin cảm ơn Luật sư!