Aa

Vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu: Viwasupco dùng nước thải sản xuất nước sạch?

Thứ Năm, 17/10/2019 - 19:50

Nguyên nhân dẫn đến sự cố nước sạch sông Đà bốc mùi khó chịu được chỉ rõ là do dầu thải tràn vào dòng suối Khại. Tuy nhiên có mặt tại khu vực Nhà máy nước sông Đà, phóng viên ghi nhận đây là điều khó tránh khỏi.

Ngày 15/10, chúng tôi tiếp tục có mặt tại khu vực quanh Nhà máy nước sông Đà, đặc biệt ở khu vực suối Khại – một trong những nguồn nước dẫn vào hồ Đồng Bài phục vụ việc sản xuất nước sạch của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). 

Theo ghi nhận, các đơn vị có liên quan đã huy động nhiều công nhân và máy xúc tiến hành xử lý sự cố nước nhiễm dầu. Tại khu vực cột mốc cách xã Phương Tiến 4km – nơi khởi nguồn của tình trạng ô nhiễm, các đơn vị có liên quan đã tiến hành cào, đổ cát lên khu vực bị đổ trộm dầu thải. Tiếp đó, dưới dòng suối Khại, hàng chục công nhân đã và đang tiếp tục thu dọn dầu mỡ cũng như nạo vét lòng suối, đất dọc hai bên bờ.

Nước thải từ nhà máy chảy thẳng vào hồ Đồng Bài.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, chưa xử lý tận gốc được tình trạng ô nhiễm. Có người cho rằng, xảy ra tình trạng nêu trên là điều không ai muốn, tuy nhiên, nó chỉ là chuyện sớm hay muộn. Bởi theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sát với khu vực dẫn nước vào trạm bơm của Nhà máy nước sông Đà, cống thoát nước thải từ nhà máy chảy ra có màu đen, hôi thối và bốc mùi khét lẹt. Điều đáng nói, đây chính là kênh dẫn nước từ suối Khại vào hồ Đồng Bài, nơi có nhiệm vụ tích nước, lắng đọng bùn đất phục vụ quá trình sản xuất nước sạch của Nhà máy nước sông Đà trong nhiều năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thuận – thôn Vật Lại, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, một người dân sống cạnh Nhà máy nước sông Đà cho biết, đây là nước thải rửa của nhà máy, nước thường được bơm vào sáng sớm và chiều. Lượng nước thải này sau khi được đẩy từ nhà máy ra suối sẽ “di chuyển” thêm vài trăm mét rồi hòa vào hồ Đồng Bài rồi lại di chuyển vào trạm bơm của Nhà máy nước sông Đà để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô thông qua hệ thống mương xây.

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cấp, thoát nước cho rằng, nếu đúng như những gì phóng viên đã cung cấp thì Viwasupco đã vi phạm điều “cấm kỵ” trong việc sản xuất nước sạch. Các chuyên gia phân tích, theo quy định, nước thải của nhà máy khi chảy ra môi trường phải có một hệ thống thoát nước riêng, tách biệt với nguồn nước phục vụ việc sản xuất nước sạch. Do đó, việc Viwasupco xả thẳng nước thải từ nhà máy vào nguồn nước cung cấp cho hồ Đầm Bài, sau đó lại sử dụng chính nguồn nước này để sản xuất nước sạch thì không thể chấp nhận được.

Để khắc phục tình trạng nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân Thủ đô, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho biết, thông thường các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp... Đồng thời, trong khu vực này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống camera giám sát, quan trắc tự động đánh giá chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý cũng như kịp thời phát hiện các sự cố phát sinh.

Ngày 16/10, Viwasupco đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp nước sạch để thau, xúc rửa toàn bộ đường ống. Tại văn bản do ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Viwasupco ký nêu rõ, trong thời gian thau rửa bể chứa, từ 9 giờ 15 ngày 15/10, Viwasupco buộc phải tạm ngừng cấp nước, sau khi hoàn thành công tác xúc xả, công ty sẽ có thông báo về thời gian cấp nước trở lại.

Cùng ngày, Công ty Cổ phần Viwaco – đơn vị tiếp nhận nguồn nước sạch sông Đà từ Viwasupco đã ra thông báo về tạm dừng cấp nước. Theo đó, ngày 16/10, Công ty Viwaco nhận được Văn bản số 446/2009/TB – Viwasupco của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà về việc tiếp tục tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống nước sạch sông Đà. Từ văn bản của Viwasupco, Viwaco thông báo cho các khách hàng trên địa bàn khu vực Tây Nam Hà Nội được biết, có kế hoạch sử dụng nước phù hợp.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top