Theo đó, qua kiểm tra, khách hàng Lê Thành Tâm hiện đang có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đồng tại FE CREDIT (số ngày quá hạn của 2 hợp đồng lần lượt là 257 ngày và 347 ngày). Ngoài ra, theo kết quả tra cứu thông tin tín dụng của Khách hàng tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC, khách hàng này còn có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng.
Theo quy định của FE CREDIT, các khoản nợ xấu (trên 180 ngày) sẽ được chuyển cho các Đối tác thực hiện việc thu hồi nợ theo thỏa thuận với Khách hàng tại Hợp đồng tín dụng, tuân thủ theo quy định tại “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit khẳng định: Không có việc nhân viên của FE CREDIT đến nhà khách hàng Tâm để thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, các đối tác được FE CREDIT chuyển giao thực hiện thu hồi khoản nợ xấu đều là những công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc Công ty Luật/Văn phòng Luật sư được thành lập và hoạt động theo Luật Luật sư.
Được biết, để triển khai mô hình hợp tác với nhóm đối tác hỗ trợ thu hồi nợ này, FE CREDIT đã xây dựng hệ thống văn bản nội bộ chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra mức độ tuân thủ của đối tác đối với các văn bản nội bộ của FE CREDIT đã ban hành và có chế tài nặng đối với trường hợp đối tác vi phạm quy định của FE CREDIT nhằm đảm bảo tính tuân thủ của pháp luật.
Như vậy, đối với 2 hợp đồng có nợ quá hạn nêu trên của khách hàng Lê Thành Tâm, FE CREDIT đã chuyển giao đến 2 đối tác để thực hiện thu hồi khoản nợ quá hạn.
Về vụ việc của ông Lê Thành Tâm, hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Ở góc độ doanh nghiệp FE CREDIT cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận về sự vụ này để mọi việc được sáng tỏ.