Aa

Vụ xe điện Thanh Hóa: Phép vua có thua lệ làng?

Thứ Năm, 02/01/2020 - 14:48

Còn hàng loạt hạn chế về công tác quản lý, thí điểm và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được nêu ra tại kết luận Thanh tra của Bộ Giao thông vận tải.

Xe điện 4 bánh chở khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động tự phát từ năm 2008, trước khi tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng chính phủ cho phép thực hiện thí điểm. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 3 địa phương (Thành phố Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa và huyện Cẩm Thủy) với 11 đơn vị được phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh tại một số khu du lịch với tổng số 664 xe .Tuy nhiên, còn vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, vận hành xe điện…

Bát nháo xe điện không phép

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành kết luận 8511/KL-BGTVT về công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, kết luận chỉ ra hàng loạt tồn tại trong công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo kết luận thanh tra, tỉnh Thanh Hóa có 318 xe điện 4 bánh chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của 9 đơn vị tham gia thí điểm. Trong đó, tại thành phố Sầm Sơn hiện đang có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số 474 xe điện 4 bánh nhưng có đến 226 xe chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA và Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT gồm: Công ty TNHH XD&DL Hưng Phong có 150 xe, Công ty TNHH Thương binh 27-7 chiến thắng có 34, Công ty TNHH TM &DVDL Việt Cường có 39 xe, Công ty TNHH TMDV Nam Cường Ngọc có 24 xe…

Xe điện gây náo loạn tại TP. Sầm Sơn (ảnh Lê Hoàng).

Tại huyện Hoằng Hóa có 5 đơn vị tham gia thí điểm với tổng số 180 xe điện 4 bánh được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, trong đó có 97 xe đang hoạt động nhưng chỉ có 10 xe được đăng ký, đăng kiểm còn lại 87 xe chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Riêng huyện Tĩnh Gia là địa phương chưa được phép tham gia thí điểm xe điện 4 bánh nhưng đang có 52 xe điện 4 bánh của các hộ kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn xã Hải Thanh và xã Hải Bình.

Còn một số công ty được phép tham gia thí điểm, được phép bổ sung xe điện 4 bánh theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng các đơn vị không xây dựng đề án hoặc phương án thí điểm xe điện 4 bánh.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, Bộ GTVT cũng đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót như: Nhiều lái xe không có giấy phép lái xe theo quy định, tình trạng vi phạm về đậu đỗ, đón trả khách không đúng theo quy định, hoạt động quá phạm vi cho phép. Tình trạng xe điện chở quá người cho phép, tranh giành khách, ép khách còn diễn ra thường xuyên, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn hạn chế.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tham gia thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh đảm bảo người điều khiển và xe điện 4 bánh tham gia thí điểm phải tuân thủ các quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT khi tham gia giao thông đường bộ.

Tăng cường công tác giám sát nội bộ, quản lý chặt chẽ hoạt động của lái xe, đảm bảo các lái xe chấp hành các quy định trong hoạt động thí điểm, đặc biệt là các quy định về phạm vi, tuyến đường và thời gian được phép hoạt động.

Xe điện kéo về đường Hồ Xuân Hương gây ách tắc giao thông cục bộ (ảnh: Lê Hoàng).

Đối với Sở GTVT Thanh Hóa, Bộ GTVT yêu cầu Sở có chỉ đạo các đơn vị tham gia thí điểm có xe và người điều khiển xe điện 4 bánh phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT.

Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa và huyện Cẩm Thủy tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động xe điện 4 bánh, đặc biệt là các vi phạm về điều kiện đối với lái xe, điều kiện an toàn kỹ thuật của xe, vi phạm về phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động. Đồng thời triển khai thực hiện lộ trình tăng xe theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 2273/UBND-CN ngày 28/02/2019.

Vẫn còn nhiều bất cập

Cũng tại kết luận 8511/KL-BGTVT về công tác quản lý và hoạt động vận tải bằng xe 4 bánh có gắn động cơ sử dụng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm phải đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm xây dựng đề án hoặc phương án sử dụng xe điện 4 bánh hoạt động phục vụ khách du lịch để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Bộ GTVT cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động xe điện 4 bánh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chỉ cho hoạt động thí điểm đối với xe điện 4 bánh khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký, đăng kiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại Sầm Sơn, 1 số đơn vị có đề án rõ ràng và nhu cầu tham gia thí điểm xe buýt điện công cộng lại không được phép hoạt động. Trong đó, Công ty Phương Hiền đã nhiều lần kiến nghị và đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp được hoạt động thí điểm nhưng đến nay, hàng chục xe buýt điện của doanh nghiệp này vẫn “nằm im bất động” do “cơ chế đặc thù” của tỉnh Thanh Hóa?.

Hàng chục xe buýt điện của doanh nghiệp Phương Hiền vẫn “nằm im bất động” do “cơ chế đặc thù” của tỉnh Thanh Hóa?

Trước đó, trả lời ý kiến chất vấn của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về việc giải quyết kiến nghị về xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn Thanh Hóa. Tại văn bản số 945/TTg- CN của Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết dứt điểm kiến nghị của công ty TNHH Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn như ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại văn bản nêu trên; đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại Thông báo số 185/TB-UBND tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, việc giải quyết đề nghị đưa 02 tuyến xe buýt điện của công ty Phương Hiền vào hoạt động trên địa bàn TP. Sầm Sơn đã được giải quyết đảm bảo công khai, minh bạch và trên cơ sở quy định của pháp luật; phù hợp với điều kiện thực tế về hạ tầng giao thông TP. Sầm Sơn và mật độ phương tiện giao thông.

Sau hàng loạt kiến nghị thì tại Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định tổ chức và hoạt động xe điện 4 bánh vận chuyển khách trên địa bàn TP. Sầm Sơn cho rằng, công ty Phương Hiền có nhu cầu hoạt động vận tải khách bằng xe điện 4 bánh trên địa bàn TP. Sầm Sơn thì phải thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. 

Đến đây, dư luận tỏ ra băn khoăn, có hay không lợi ích nhóm trong việc thực hiện đề án thí điểm xe buýt 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung khi mà doanh nghiệp có đề án, phương tiện đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để lưu thông thì bị "hạn chế", trong khi hàng loạt phương tiện của doanh nghiệp khác nhiều năm hoạt động bát nháo, không đủ điều kiện lưu thông thì vẫn được phép hoạt động?  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top